Doanh nghiệp ngại cánh đồng mẫu

Thứ tư, ngày 25/07/2012 07:28 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Doanh nghiệp (DN) nhận thức sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn có nhiều thuận lợi cho xuất khẩu. Tuy nhiên, sau 1 năm, số lượng DN tham gia mô hình thậm chí đang có nguy cơ teo lại.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Thọ Trí – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực II, cho rằng: Cánh đồng mẫu lớn (CĐML) là xu hướng tất yếu trong sản xuất lúa thời gian tới.

Tuy nhiên, dù bước đầu CĐML đã đạt một số kết quả khả quan, nhưng theo ông Trí, các DN xuất khẩu, kinh doanh lúa gạo hiện chưa thể tham gia mạnh vào mô hình này như mong muốn của cơ quan chức năng.

img
Gặt lúa bằng máy gặt đập liên hợp trong CĐML.

Chưa đủ lực

Ông Trần Thanh Văn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Gentraco (Cần Thơ) chia sẻ, vụ hè thu 2012, Gentraco tham gia CĐML với tổng diện tích hơn 6.000ha. Hiện nay, mô hình đang bộc lộ áp lực lớn đối với DN, nhất là ở khâu xử lý sau thu hoạch.

“Cơ sở vật chất của DN chưa hoàn thiện, hệ thống máy sấy, kho chứa chưa đủ lớn nên khi vào mùa thu hoạch đồng loạt, DN không thể xử lý đồng bộ số lúa mang về kho, ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm” - ông Văn phân tích.

Gentraco thu mua lúa từ CĐML cao hơn giá thị trường 150 đồng/kg vì tin rằng chất lượng lúa ở đây ổn định hơn bên ngoài. Tuy nhiên, nếu không xử lý sau thu hoạch tốt, chất lượng gạo cũng ngang bằng với “lúa thường”, DN sẽ phải chịu lỗ khoản chênh lệch giá đã bao tiêu cho nông dân.

Ông Huỳnh Văn Thòn – Tổng Giám đốc Công ty Bảo vệ thực vật (BVTV) An Giang, cũng cho rằng, trở ngại lớn nhất đối với DN là áp lực tiêu thụ khối lượng lúa gạo lớn, do canh tác đồng loạt trên diện tích quy mô, thu hoạch chỉ tập trung một thời điểm.

Trong khi đó, ông Hồ Minh Khải - Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ cho biết, để có vùng nguyên liệu liên kết sản xuất với nông dân rộng 5.660ha, Công ty phải đầu tư 4 điểm cân lúa tại ruộng và xây dựng 63 lò sấy rải đều khắp các cánh đồng. Nếu CĐML rộng hơn nữa, công ty này không thể kham nổi các khâu, từ cân mua lúa, phơi sấy, chuyển lúa về kho...

Nguy cơ teo tóp

Thông tin từ Tổng Công ty Lương thực II, tới nay mới chỉ có 4 DN trong tổng số gần 20 đơn vị trực thuộc tham gia bao tiêu cho các mô hình CĐML. Nhìn chung số đơn vị thu mua sản phẩm cho CĐML chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với con số hơn 150 DN đã được Bộ Công Thương cấp phép xuất khẩu gạo.

Tại Cần Thơ, Công ty cổ phần Mê Kông đã hợp tác bao tiêu lúa cho nông dân trong CĐML với giá cao hơn giá thị trường nhưng vẫn phải bán ngang giá, dẫn đến thua thiệt.

Chúng tôi thu mua với giá cao nhưng chưa xuất khẩu lại được với giá tương đương. Nếu tình trạng này tiếp diễn, công ty không còn đủ sức để tiếp tục làm CĐML.

“Chúng tôi thu mua với giá cao nhưng chưa xuất khẩu lại được với giá tương đương. Nếu tình trạng này tiếp diễn, công ty không còn đủ sức để tiếp tục làm CĐML” - ông Lê Việt Hải - Tổng Giám đốc Công ty giải thích.

Còn ông Trần Thanh Văn thì cho rằng DN hiện nay chưa nhận được sự hỗ trợ nào cho hoạt động tiêu thụ sản phẩm từ CĐML. Bên cạnh đó, niềm tin giữa DN và nông dân cũng chưa cao, nhiều nông dân bẻ kèo hợp đồng khiến DN rơi vào thế khó khăn.

Trong khi đó, ông Đỗ Văn Nam - Cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NNPTNT), cho biết: Sắp tới Cục sẽ đề nghị Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương bổ sung Nghị định 109 về xuất khẩu, kinh doanh lúa gạo.

Theo đó, để được cấp phép xuất khẩu gạo, DN phải có vùng liên kết sản xuất trong CĐML, có hợp đồng thu mua đảm bảo giá tốt cho nông dân…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem