Doanh nghiệp nông nghiệp... siêu khó

Thứ sáu, ngày 07/12/2012 18:03 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hầu hết doanh nghiệp (DN) tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là DN nhỏ và siêu nhỏ, rất ít DN hoạt động trong lĩnh vực thế mạnh của vùng như lúa gạo, thủy sản. Trong khi đó, khó khăn chồng chất về vốn, thị trường tiêu thụ, quy hoạch sản xuất... khiến cộng đồng DN khu vực này càng khó phát triển.
Bình luận 0

Siêu nhỏ, siêu khó

TS Đoàn Duy Khương - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hầu hết DN ở ĐBSCL hiện nay là DN nhỏ và siêu nhỏ, hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng. Do đó, khi lãi suất tăng cao, việc tiếp cận vốn vay khó khăn, DN lập tức rơi vào khủng hoảng, dẫn tới phá sản.

img
Dù là sản phẩm chủ lực của ĐBSCL, nhưng số DN hoạt động trong các lĩnh vực lúa gạo, trái cây, thủy sản chỉ chiếm 6% tổng số DN của vùng.

Cụ thể, tính tới thời điểm 6 tháng đầu năm 2012, ĐBSCL đứng đầu cả nước về tỷ lệ DN phá sản, giải thể với gần 14% tổng số DN được điều tra. "Điều đáng nói là trong số những DN còn đang hoạt động, số đơn vị đã và đang thua lỗ rất lớn, nhiều DN có năng lực cạnh tranh, quản trị tốt nhưng do phía đối tác phá sản khiến họ không đòi được nợ nên cũng lâm vào khó khăn" - ông Khương cho biết.

Còn theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, những DN hoạt động trong các lĩnh vực thế mạnh của ĐBSCL như lúa, gạo, thủy sản còn rất ít, chỉ chiếm khoảng 6% tổng số các DN. Phần lớn DN ở ĐBSCL nằm trong ngành thương mại, công nghiệp chế biến với khoảng 63%.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp ĐBSCL trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL 2012 tổ chức hôm 5.12, ông Phạm Thái Bình - Giám đốc Công ty TNHH Trung An (Cần Thơ) cho rằng, một trong những mặt hàng chủ lực của ĐBSCL mà mọi người đều công nhận là lúa gạo. Thế nhưng, sản phẩm gạo Việt Nam vẫn còn ở thế yếu trên trường thế giới, DN xuất khẩu, kinh doanh gạo của Việt Nam do đó chưa thể làm chủ diễn đàn, tự định đoạt giá bán cho sản phẩm.

"Tình trạng được mùa rớt giá liên tục diễn ra khiến nhiều DN lo ngại bị thương nhân nước ngoài ép giá mỗi khi vào mùa thu hoạch nên tìm đủ mọi cách để ký hợp đồng "bán đón", bán dưới giá thành sản phẩm, thiệt hại cho cả doanh nghiệp và người nông dân" - ông Bình bức xúc.

Chưa thể khắc phục

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, các DN khu vực ĐBSCL cũng như DN trên cả nước sẽ còn phải đối mặt với cơn bão khủng hoảng về nhu cầu giảm, tiếp cận vốn khó, lãi suất cao… trong thời gian dài sắp tới. TS Nguyễn Đình Cung - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, để có thể phục hồi và phát triển, thời gian qua các DN mong muốn sẽ được giảm lãi suất nhiều hơn nữa trong năm 2013.

Tuy nhiên, vấn đề này rất khó xảy ra khi lạm phát kinh tế vẫn đang ở mức cao, 8 - 9% như hiện nay. "Thời kỳ dễ dãi của đồng tiền đã qua và không thể quay trở lại. Chỉ khi nào lạm phát xuống 3 - 5% thì mới mong lãi vay tiếp tục giảm xuống mức ổn định từ 4 - 6% như mong muốn của DN được" - ông Cung cho biết.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, đến năm 2012, ĐBSCL có hơn 42.800 DN, tỷ lệ tăng trung bình hằng năm của DN từ năm 2000 - 2010 của vùng là 9,5%/năm, chưa bằng 50% so với tỷ lệ tăng trung bình của cả nước.

Theo TS Cung, để DN và nông dân cùng phát triển, nên xây dựng những vùng kinh tế dựa trên những sản phẩm đặc trưng của ĐBSCL như lúa, gạo, thủy sản. Cùng với đó, DN phải chuyển đầu tư, phát triển từ bề rộng sang chiều sâu, không phải chăm vào số lượng đầu tư mà là hiệu quả đầu tư, sử dụng đồng vốn cũng như năng suất lao động, năng suất cây trồng…

Đại diện Bộ Công Thương cũng cho rằng, để khắc phục những hạn chế trong sản xuất, kinh doanh ở vùng ĐBSCL hiện nay, DN cần phát triển các ngành công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn như cơ khí, chế biến sau thu hoạch. Qua đó, sản xuất và cung ứng đầy đủ các sản phẩm vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi cho sản xuất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem