Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt 5 thách thức lớn

Thanh Tùng Thứ tư, ngày 30/08/2023 08:35 AM (GMT+7)
Đó là nhận định được TS Trần Thị Thu Hiền - Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách công thương (Bộ Công Thương) chia sẻ tại tọa đàm “Tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam” diễn ra sáng ngày 29/8 tại Hà Nội.
Bình luận 0

Hiện nay, nhìn tổng thể tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp luôn thấp hơn tăng trưởng GDP của Việt Nam, như năm 2019 tăng trưởng GDP của Việt Nam là 7,15% trong khi tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp chỉ là 2,01%. Thời gian từ 2020-2021 bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 nên tăng trưởng GDP của Việt Nam tụt giảm còn 2,94% năm 2020 và 2,59% năm 2021.

Muốn vào EU, nông sản Việt phải vượt qua nhiều thách thức - Ảnh 1.

Toàn cảnh tọa đàm “Tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam”.

Dẫu vậy, thời gian này tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp vẫn duy trì 2,68% năm 2020 và 2,90% năm 2021. Sang năm 2022 do có sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ sau đại dịch nên tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 đạt 11,34% và tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp cũng tăng hơn so với các năm trước, đạt 3,36%.

Điều này cho thấy nông nghiệp là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, là một “trụ đỡ” cho ổn định kinh tế-xã hội và nâng cao chất lượng sống cho người dân, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nhiều nhóm mặt hàng nông sản xuất khẩu mang tính chủ lực của Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Chia sẻ tại diễn đàn, TS. Vũ Mạnh Hùng - Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng: "Sự đóng góp của ngành nông nghiệp vào GDP của nền kinh tế chiếm tỷ trọng khoảng trên 10% (Nghị quyết số 90/NQ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ), song ngành nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam bởi ngành nông nghiệp vẫn là khu vực tạo việc làm của gần 70% dân số, là "bệ đỡ" cho nền kinh tế khi gặp khó khăn.

Muốn vào EU, nông sản Việt phải vượt qua nhiều thách thức - Ảnh 2.

TS. Vũ Mạnh Hùng - Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương.

Trong giai đoạn tới, doanh nghiệp nông nghiệp vẫn là chủ thể quan trọng cần phải thúc đẩy phát triển, điều này được thể hiện tại Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 17/7/2019 của Chính phủ về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững.

Trong đó, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 có 80.000 đến 100.000 doanh nghiệp có hoạt động đầu tư kinh doanh hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp; doanh nghiệp nông nghiệp có vai trò là "trụ cột" trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp nước ta theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam. 

Các doanh nghiệp đang là "trụ cột", đầu tàu trong việc thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam".

Muốn vào EU, nông sản Việt phải vượt qua nhiều thách thức - Ảnh 3.

Theo TS Trần Thị Thu Hiền, Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách công thương (Bộ Công Thương), có 5 thách thức lớn đối với các doanh nghiệp nông nghiệp của Việt Nam hiện nay.

Thứ nhất, quá trình hội nhập quốc tế làm gia tăng cạnh tranh khi Việt Nam đã ký kết tham gia và đàm phán 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Việc tham gia FTA sẽ thu hút nhiều vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp, song đây cũng là thách thức lớn đặt ra cho các doanh nghiệp trong nước trước xu hướng đầu tư vào ngành nông nghiệp của các nhà đầu tư nước ngoài với lợi thế cả về tài chính, công nghệ và thị trường.

Quá trình hội nhập làm thu hẹp một số lĩnh vực sản xuất có khả năng cạnh tranh thấp, các nước đang phát triển mạnh sản xuất nông sản với chất lượng cao cũng trở thành đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trên các thị trường xuất khẩu gạo như Campuchia, Myanmar, xuất khẩu thủy sản như Ấn Độ, Mexico, Indonesia.

Thứ hai, yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng nông sản xuất khẩu ngày càng cao. Các quốc gia và người tiêu dùng trên thế giới đang đặt mục tiêu phát triển bền vững, giảm phát thải cacbon. Nông sản Việt Nam đối mặt với nguy cơ chịu mức thuế đối với sản phẩm có mức phát thải lớn. 

Đây cũng là một trong những thách thức với xuất khẩu nông sản Việt Nam trong khi hệ thống truy xuất nguồn gốc, quản lý khai thác chưa được thực hiện bài bản, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp bắt đầu quá trình đổi mới để thích ứng được với bối cảnh mới.

Thứ ba, sự quay lại của chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Những biến động kinh tế, chính trị, xã hội trên thế giới như dịch bệnh Covid-19, xung đột Nga - Ukraine, xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc, xung đột lãnh thổ trong các khu vực và giữa các nền kinh tế lớn, thay đổi trong chính sách thương mại của các quốc gia dẫn đến xu hướng bảo hộ gia tăng.

Thứ tư, đòi hỏi đáp ứng yêu cầu cao về công nghệ. Để đảm bảo các quy định về kỹ thuật, quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn về chất lượng, đáp ứng yêu cầu về môi trường đối với xuất khẩu nông sản chủ lực, cần đáp ứng các yêu cầu về công nghệ sản xuất hàng nông sản xuất khẩu, đặc biệt là công nghệ số như hiện nay.

Thứ năm, nguồn tài nguyên dần cạn kiệt, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh đang đe dọa đến tính phát triển bền vững của nông nghiệp. Đáng chú ý, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào điều kiện khí hậu, vì vậy thách thức trực tiếp và lâu dài đến sản xuất nông nghiệp là tác động của biến đổi khí hậu. 

Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu. Theo tính toán, nếu mực nước biển dâng cao sẽ khiến gần 50% diện tích đất nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng bị ngập và không còn khả năng canh tác.

Những thách thức trên đòi hỏi Việt Nam cần phải có những chính sách đồng bộ và hiệu quả để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nông nghiệp nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, hoạt động của doanh nghiệp nông nghiệp còn hạn chế, doanh thu của các doanh nghiệp nông nghiệp chỉ bằng 0,62% tổng doanh thu của hệ thống doanh nghiệp.

Theo bà Minh, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nông nghiệp còn yếu kém, thể hiện ở việc các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp chưa cập nhật công nghệ sản xuất, chưa chuyên nghiệp quản lý sản xuất và thiếu đầu tư vào nghiên cứu và phát triển.

Cùng với đó, thị trường tiêu thụ không bền vững, chuỗi liên kết chưa chặt chẽ với các nhà phân phối bán lẻ lớn; chưa có tổ chức, cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp về phân tích, dự báo thị trường, khuyến nghị về sản lượng và giá bán.

Chất lượng sản phẩm là một trong những yếu tố quan trọng trong việc cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do hạn chế về năng lực nên các doanh nghiệp nông nghiệp phần lớn đang gặp phải điểm yếu liên quan đến chất lượng sản phẩm của mình.

Đặc biệt, doanh nghiệp nông nghiệp khó tiếp cận với các nguồn lực hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Tình trạng khó khăn trong việc tiếp cận đất đai, để tổ chức sản xuất diễn ra phổ biến ở hầu hết địa phương.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem