Doanh nghiệp than trời quy định mới về phòng cháy chữa cháy, “ông lớn” FDI cũng lắc đầu

Hồng Phúc Thứ sáu, ngày 21/04/2023 13:58 PM (GMT+7)
Nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM than trời về quy định phòng cháy chữa cháy mới vì yêu cầu quá cao, thậm chí vượt quy chuẩn mà các doanh nghiệp đã đáp ứng được của các nhà nhập khẩu khó tính nước ngoài.
Bình luận 0

Tại tọa đàm phổ biến công văn số 1678 (ban hành ngày 11/4) của Công an TP.HCM về việc triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức sáng 21/4, hàng loạt doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng đều cho biết đang gặp khó với quy định mới về phòng cháy chữa cháy.

Kiểm định nửa năm chưa được vì quy định mới về phòng cháy chữa cháy

Theo các doanh nghiệp, không chỉ các cơ sở kinh doanh karaoke đang kêu trời về phòng cháy chữa cháy mà chính các doanh nghiệp thuộc các ngành hàng cũng đang đau đầu từ sau dịch Covid-19 đến nay. Các doanh nghiệp đồng ý với tầm quan trọng của việc thực hiện phòng cháy chữa cháy nhưng tiêu chuẩn hiện nay các bộ ngành đưa ra thiếu thực tiễn.

Doanh nghiệp than trời quy định mới về phòng cháy chữa cháy của Việt Nam, “ông lớn” FDI cũng lắc đầu - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh về phòng cháy chữa cháy. Ảnh: Hồng Phúc

Ông Lê Trọng Lập - Phó Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM (HBA), cho biết nhiều quy định về phòng cháy chữa cháy do Bộ ngành đưa ra chưa sát thực tế và phù hợp điều kiện Việt Nam. Đặc biệt, doanh nghiệp càng thêm khó khăn vì nhiều quy định được đưa ra ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 vừa qua.

Theo ông Lập, chẳng hạn, Bộ Xây dựng đưa ra các quy định chuẩn kính chống cháy áp dụng các công trình nhưng Việt Nam chưa có đơn vị nào sản xuất. Các doanh nghiệp phải nhập khẩu từ Trung Quốc mà từ sau dịch, các cửa khẩu phía Bắc chưa thuận lợi cho việc nhập khẩu. Nếu không lắp loại kính này thì công trình không được nghiệm thu. Tương tự, sơn chống cháy Việt Nam hiện cũng chưa sản xuất mà phải nhập khẩu.

Ông đặt vấn đề trách nhiệm của Bộ Xây dựng khi soạn thảo văn bản, quy định có xem xét năng lực sản xuất vật liệu xây dựng của Việt Nam hay không. Liệu các yêu cầu trong quy định có đi quá sớm so với thực tiễn?

Ông đề nghị khi đưa ra các quy định cần xem xét trình độ sản xuất thực tế của các doanh nghiệp Việt Nam, cần có độ trễ khi thực hiện không phải ban hành và “triển khai cái rụp”, bởi nó liên hệ đến một loạt quy trình của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp than trời quy định mới về phòng cháy chữa cháy của Việt Nam, “ông lớn” FDI cũng lắc đầu - Ảnh 2.

Theo các doanh nghiệp, doanh nghiệp cơ khí có nguy cơ cháy nổ thấp, thấp hơn nhiều so với các ngành hàng khác nên không thể đánh đồng về các tiêu chuẩn khi kiểm tra nhà xưởng. Ảnh: H.Phúc

Ông Kiều Huỳnh Sơn - Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí điện TP.HCM, cũng cho biết các quy định về phòng cháy chữa cháy mới không nên áp dụng như nhau với các ngành hàng khác nhau.

Theo ông, với ngành cơ khí điện, nguy cơ cháy nổ rất thấp, thấp hơn nhiều so với các ngành hàng khác nên không thể đánh đồng về các tiêu chuẩn khi kiểm tra nhà xưởng. Thực tế là nhiều doanh nghiệp trong hội qua kiểm tra lần hai, lần ba từ tháng 10 năm ngoái đến nay vẫn chưa xong.

Ông cũng cho biết các doanh nghiệp của TP.HCM hiện nay xuất khẩu đi nhiều nước, các doanh nghiệp nhập khẩu luôn yêu cầu tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy cao, nhà xưởng, lối đi thông thoáng nhưng khi gặp các tiêu chuẩn mới của Việt Nam, doanh nghiệp cũng khó đáp ứng nổi.

Doanh nghiệp FDI cũng lắc đầu với quy định phòng cháy chữa cháy mới

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM nói thêm đến các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cũng lắc đầu với các quy định, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy tại nhà xưởng hiện nay. Bà kiến nghị Luật cần sửa đổi các bất cập để hỗ trợ doanh nghiệp.

Doanh nghiệp than trời quy định mới về phòng cháy chữa cháy của Việt Nam, “ông lớn” FDI cũng lắc đầu - Ảnh 3.

Theo bà Lý Kim Chi, các doanh nghiệp lương thực thực phẩm cũng gặp nhiều khó khăn về quy định mới về phòng cháy chữa cháy. Ảnh: DNCC

Ông Huỳnh Ngọc Quan - Phó Phòng Cảnh sát PCCC Cứu nạn cứu hộ TP.HCM, cho biết theo quy định mới hiện nay, Bộ Công an xác định, cơ sở hoạt động ở thời điểm nào thì áp dụng quy định tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy ở thời điểm đó. Chỉ những cơ sở mới thì mới áp dụng theo quy định mới.

“Đây là quan điểm đúng và thực tiễn, bởi có những cơ sở mấy chục năm thì không làm được điều kiện hạ tầng, giao thông cũng như lắp đặt”, ông Quang nói và cho biết với những vướng mắc của doanh nghiệp, những khó khăn trong phạm vi quyền hạn sẽ sớm giải quyết. Những vấn đề vượt thẩm quyền sẽ kiến nghị tháo gỡ.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM Nguyễn Ngọc Hòa cho biết gần đây, hướng dẫn của văn bản 1091 của Cục Phòng cháy chữa cháy đã tháo gỡ nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông, văn bản này vẫn là hướng dẫn nội bộ ngành phòng cháy chữa cháy.

“Chúng tôi rất mong ngành phòng cháy chữa cháy kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền luật hóa thành thông tư, bởi hệ thống luật của chúng ta chỉ gồm Luật, Nghị định và thông tư còn văn bản mang tính tạm thời. Vì vậy, nên sớm luật hóa dưới dạng thông tư”, ông Hòa nói.

Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh các bộ ngành có thẩm quyền cần xem xét các quy chuẩn phòng cháy chữa cháy hiện nay như kiến nghị của doanh nghiệp về tính khả thi, thực tiễn và đặc biệt phù hợp sức chịu đựng của nền kinh tế, hoặc có phân kỳ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem