Doanh nghiệp trực thuộc UBND tỉnh Bình Định có tới 382 nhân sự, nguy cơ bị lọt "tầm ngắm" thanh tra

Dũ Tuấn Thứ hai, ngày 15/07/2024 08:17 AM (GMT+7)
Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước với 382 người, thuộc UBND tỉnh Bình Định, có 3 đơn vị quản lý, được cấp ngân sách và có thu tiền phí, nhưng vẫn "kêu" không có kinh phí duy tu, sửa chữa công trình. Điều này, khiến Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Quốc Dũng yêu cầu, nếu cần thiết đưa doanh nghiệp vào diện thanh tra.
Bình luận 0

Không thể duy tu sửa chữa vì không có tiền?

Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định (trụ sở tại TX.An Nhơn, Bình Định) là doanh nghiệp nhà nước, trực thuộc UBND tỉnh Bình Định.

Hiện nay, có 3 cơ quan tham mưu UBND tỉnh Bình Định có liên quan đến kinh phí đối với doanh nghiệp này, là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định quản lý nguồn nước 643 triệu khối/682 triệu khối trên toàn tỉnh (chiếm 94% nguồn nước toàn tỉnh) thực hiện nhiệm vụ điều tiết, phân phối, chuyển nước lưu vực để cấp cho 74.000 ha gieo trồng, chiếm 68% tổng diện tích gieo trồng của tỉnh Bình Định.

Nguồn thu của công ty gồm: Ngân sách nhà nước hỗ trợ cấp bù giá sản phẩm thủy lợi công ích hàng năm, nguồn thu từ thủy lợi khác (phát điện, cấp nước thô cho sinh hoạt, chăn nuôi, nuôi thủy sản…) để phục vụ cho công tác quản lý, vận hành, bảo trì các công trình được giao.

Năm 2023, tổng nguồn thu của Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định là 68 tỷ đồng, tính theo giá cấp bù sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi được xác định từ năm 2012 (sau 12 năm giá này không được thay đổi nhưng các chi phí đều tăng) và chi hết số tiền này.

Trong đó, chi phí bảo trì là 4,7 tỷ đồng, chỉ chiếm 7% tổng thu phục vụ cho nạo vét kênh mương, vớt bèo, sửa chữa nhỏ những đoạn kênh để kịp thời phục vụ sản xuất. Vì vậy, thời gian qua, nông dân rất bức xúc, khi mà hệ thống kênh tưới xuống cấp nghiêm trọng.

Việc một công ty khai thác công trình thủy lợi có 3 đơn vị quản lý, được cấp ngân sách và có thu tiền phí nhưng vẫn "kêu" không có kinh phí duy tu sửa chữa, được nhiều đại biểu mang ra "mổ xẻ" tại kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII.

Doanh nghiệp trực thuộc UBND tỉnh Bình Định đang có 382 nhân sự, nguy cơ bị lọt "tầm ngắm" thanh tra- Ảnh 1.

Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định (trụ sở tại TX.An Nhơn, Bình Định) là doanh nghiệp nhà nước, trực thuộc UBND tỉnh Bình Định. Ảnh: DT.

Theo Giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định Nguyễn Văn Tánh, trước năm 2013, việc duy tu sửa chữa của công ty hàng năm khoảng 40% và sau này chỉ còn 5 đến 6%. Việc duy tu sửa chữa, kiên cố hóa kênh mương do công ty không đủ tiền.

"Công ty xin nhận khuyết điểm và sẽ có định hướng khắc phục trong thời gian đến", ông Tánh nói.

Giám đốc Sở Tài chính Bình Định Nguyễn Thành Hải thừa nhận, nguồn thu của Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định phần lớn dành cho việc trả lương và vận hành hoạt động, nên không còn nguồn để bổ sung cho việc duy tu sửa chữa kênh tưới.

Ông Nguyễn Thành Hải cho biết, từ năm 2022 đến nay, mỗi năm trung bình ngân sách nhà nước cấp cho Công ty hơn 50 tỷ đồng để trả lương nhân viên và các hoạt động vận hành. Công ty hạch toán vẫn có lợi nhuận, vẫn có trích lập dự phòng, vậy vấn đề là quản trị doanh nghiệp chưa tốt, cơ cấu thu - chi chưa hợp lý.

Doanh nghiệp trực thuộc UBND tỉnh Bình Định đang có 382 nhân sự, nguy cơ bị lọt "tầm ngắm" thanh tra- Ảnh 2.

Đồng ruộng tại Bình Định nứt nẻ vào mùa khô hạn 2019. Ảnh tư liệu.


Công ty 100% vốn nhà nước, có đến 382 nhân sự

Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định có 100% vốn nhà nước, UBND tỉnh Bình Định là chủ sở hữu, giao tài sản là hồ đập, kênh mương, để doanh nghiệp vận hành theo nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Điều khá ngạc nhiên, ông Nguyễn Tuấn Thanh cho rằng, mặc dù thiếu kinh phí để duy tu bảo dưỡng công trình thủy lợi nhưng công ty không hề đề nghị với UBND tỉnh Bình Định.

Sự việc này chỉ phát hiện từ kiến nghị cử tri và UBND tỉnh Bình Định kiểm tra tình hình thiếu nước khi nắng nóng phức tạp.

"Chúng tôi đã chỉ đạo phải kiểm điểm Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh", ông Nguyễn Tuấn Thanh nói.

Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định, về nguyên tắc doanh nghiệp thu không đủ thì nhà nước phải cân đối hỗ trợ.

Năm nay, UBND tỉnh Bình Định đã chi ngân sách 5 tỷ đồng, để công ty nâng cấp sửa chữa, chủ yếu khắc phục tình trạng thiếu nước mùa khô.

Doanh nghiệp trực thuộc UBND tỉnh Bình Định đang có 382 nhân sự, nguy cơ bị lọt "tầm ngắm" thanh tra- Ảnh 3.

Xây dựng kênh mương phục vụ việc sản xuất của nông dân tại Bình Định. Ảnh: DT.

"Về giải pháp căn cơ, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định phải tính lại câu chuyện quản trị. Bởi hiện nay, công ty có 382 nhân sự, riêng văn phòng là 47 người, 7 xí nghiệp, chúng tôi sẽ cho kiểm tra việc nhân sự như vậy có phù hợp không và có biện pháp giải quyết", ông Nguyễn Tuấn Thanh cho hay.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho rằng, nguồn duy tu, bảo dưỡng hệ thống thủy lợi không rõ ràng, nên cần phải thanh tra làm rõ.

Theo Bí thư Dũng, hàng năm tỉnh Bình Định đầu tư cho thủy lợi rất lớn, chỉ sau giao thông, với kinh hàng nghìn tỷ. Đầu tư xong, rồi giao cho Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định quản lý vận hành, khai thác. Tuy nhiên, khi công trình xuống cấp hư hỏng, thì lâm vào tình trạng bị "ngó lơ, mặc kệ".

"Đây là việc rất nguy hiểm. Tôi đề nghị phải làm rõ trách nhiệm của công ty, cần thiết phải thanh tra các nguồn thu chi. Việc này, không rõ ràng là không được. Lâu nay cứ bỏ ngỏ, dẫn đến các công trình của công ty quản lý, không được duy tu bảo dưỡng. Trong khi, người dân rất bức xúc", Bí thư Dũng yêu cầu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem