Doanh nghiệp vừa đề nghị Chính phủ cấp phép khẩn cấp có điều kiện vaccine Nanocovax làm ăn ra sao?

Quốc Hải Thứ tư, ngày 23/06/2021 10:57 AM (GMT+7)
Công ty CP Công nghệ sinh học dược Nanogen (Nanogen) - doanh nghiệp vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị được cấp phép khẩn cấp có điều kiện vaccine Nanocovax sớm - tuy chưa niêm yết trên sàn chứng khoán, nhưng có định giá cao hơn hẳn những “ông lớn” ngành dược đang niêm yết như Imexpharm hay Traphaco…
Bình luận 0

Theo công văn của Nanogen gửi Thủ tướng Chính phủ, dựa trên các kết quả thử nghiệm lâm sàng, khả năng sinh miễn dịch của vaccine Nanocovax đạt 99,4%. So sánh với các vaccine khác trên thế giới là không hề thua kém, thậm chí còn cao hơn. Dù vậy, giá bán dự kiến của vaccine Nanocovax đang thấp nhất thế giới, chỉ với 120.000 đồng/liều.

Doanh nghiệp vừa đề nghị Chính phủ cấp phép khẩn cấp có điều kiện vaccine Nanocovax làm ăn ra sao? - Ảnh 1.

Vaccine "made in Việt Nam" sắp sửa được sản xuất đại trà để tiêm cho người dân (Ảnh: Nanogen)

"Công suất hiện nay của Nhà máy Nanogen đạt 8-12 triệu liều/tháng. Công ty đang hoàn thiện, mở rộng hệ thống kho lạnh với sức chứa 10 triệu liều cũng như đội ngũ xe lạnh (2-8 độ C) vận hành đạt chuẩn quốc tế", Tổng giám đốc Hồ Nhân của Nanogen, khẳng định trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ.

Dựa trên kế hoạch và năng lực hiện tại, Nanogen cho biết dự kiến sẽ cung cấp đủ 50 triệu liều đến tháng 12/2021 và 100 triệu liều vào năm 2022. Vì thế, để cung cấp đủ vaccine cho Việt Nam đạt được miễn dịch cộng đồng vào quý 2/2022, công ty này kiến nghị Chính phủ cho phép vaccine Nanocovex được cấp phép khẩn cấp có điều kiện, tương tự như các loại vaccine của Nga, Trung Quốc và Ấn Độ.

Nanogen đang làm ăn ra sao?

Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty CP Công nghệ sinh học Dược Nanogen (Công ty Nanogen) thành lập ngày 3/9/1997 do ông Hồ Nhân là người đại diện theo pháp luật. Ông Hồ Nhân đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Nanogen. Trên website, Nanogen tự giới thiệu là nhà nghiên cứu, phát triển và ứng dụng thành công các tiến bộ của ngành công nghệ sinh học đầu tiên tại Việt Nam.

Thành tựu chính của doanh nghiệp này đến từ việc sản xuất nguyên liệu dược và thành phẩm thuốc tiêm đặc trị từ công nghệ DNA/protein tái tổ hợp hàng đầu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Dù hoạt động từ năm 1997 nhưng Nanogen ít được biết đến, phải đến năm 2010, Nanogen vấp phải vụ kiện của tập đoàn đa quốc gia Roche tố cáo họ vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ với thuốc điều trị viêm gan siêu vi B và siêu vi C năm 2010. Khi đó, Nanogen khẳng định mình không vi phạm quyền được bảo hộ trí tuệ sản phẩm của Roche và phía Roche cũng không đưa được bằng chứng thuyết phục.

Song từ vụ kiện này, đã khiến Nanogen được nhiều nhà đầu tư biết tới hơn, các sản phẩm như thuốc tiêm Pegnano (trị viêm gan siêu vi B, C) của Nanogen với cùng chức năng điều trị nhưng có giá bán chỉ bằng 1/3 giá thuốc nhập.

Doanh nghiệp vừa đề nghị Chính phủ cấp phép khẩn cấp có điều kiện vaccine Nanocovax làm ăn ra sao? - Ảnh 2.

Sản xuất Vaccine tại Nanogen (Ảnh: Nanogen)

Dữ liệu về kết quả kinh doanh những năm gần nhất (từ 2016-2019) cho thấy, tổng tài sản, vốn chủ sở hữu và doanh thu của Nanogen không ngừng tăng lên nhưng lợi nhuận lại càng ngày càng… lẹt đẹt.

Chẳng hạn, năm 2016 vốn chủ của Nanogen đạt 223,4 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 504,3 tỷ đồng, doanh thu đạt 187,8 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 18,4 tỷ đồng; thì bước sang năm 2017, vốn chủ của Nanogen tăng lên 678,1 tỷ đồng, tổng tài sản vọt lên 977 tỷ đồng, thì doanh thu lại giảm xuống còn 163,3 tỷ đồng và lợi nhuận chỉ còn gần 6 tỷ đồng.

Bước sang năm 2018, vốn chủ của Nanogen tiếp tục tăng nhẹ lên 679,7 tỷ đồng, tổng tài sản vọt lên 990 tỷ đồng, doanh thu cũng tăng lên 179 tỷ đồng và lợi nhuận tăng nhẹ lên 10,1 tỷ đồng.

Năm 2019, Nanogen đạt doanh thu cao nhất 191 tỷ đồng, tăng 17% so với 3 năm trước đó. Tuy nhiên, năm 2019 Nanogen báo lỗ tới 26 tỷ đồng sau 3 năm liên tiếp kinh doanh có lãi.

Tính đến 31/12/2019, tổng tài sản của Nanogen đạt 1.369 tỷ đồng, tăng đến 38% so với hồi đầu năm. Nanogen hoạt động dựa chủ yếu trên vốn tự có, vốn chủ sở hữu tại cuối năm 2019 là 1.102 tỷ đồng, bao gồm 715 tỷ đồng vốn góp.

Chưa lên sàn nhưng được định giá gần 5.100 tỷ đồng

Tại thời điểm ban đầu, Nanogen có 3 cổ đông sáng lập. Ông Hồ Nhân sở hữu 70% cổ phần công ty. Vợ ông Nhân là bà Nguyễn Thị Hồng Vân nắm giữ 25% vốn điều lệ Nanogen. Cổ đông còn lại sở hữu 5% vốn là ông Hồ Vũ Thanh. Sau đó, khi các cổ đông nước ngoài bắt đầu tham gia góp vốn vào Nanogen, tỷ lệ cổ phần của ông Hồ Nhân và bà Hồng Vân bắt đầu pha loãng, lần lượt giảm còn 67,5% và 22,5%. Còn ông Thanh thoái hết vốn tại công ty dược phẩm này.

Trong đợt tăng vốn gần nhất đầu năm 2019 (tăng vốn từ 650 tỷ đồng lên mức 715 tỷ đồng thông qua chào bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài, thu về 463,6 tỷ đồng), tỷ lệ vốn ngoại trong Nanogen tăng từ 16,28% lên 25,68% với sự tham gia chủ yếu của các quỹ và cá nhân đến từ Hàn Quốc. Có thể kể đến như: Stic Shariah Private Equity Fund III L.P (1,378%); Stic Private Equity Fund III L.P (Iceland - nắm 7,713%); HB Growth Ladder M&A Venture Fund (1,364%); Company K Promising Service Fund (1,818%); Công ty sinh học Next Science Co (Hàn Quốc - 10,455%); Kiwoom Hisstory 2018-8 Bio Investment Fund (2,273%), Shin Jae Won (0,227%) và Kim Heenyeon (0,227%).

Ngoài các đối tác trên, một đối tác Việt Nam tham gia thương vụ này là Công ty chứng khoán KIS Việt Nam, cũng là doanh nghiệp có vốn Hàn Quốc.

Theo báo cáo tài chính của KIS, doanh nghiệp này đã chi ra gần 11,6 tỷ đồng cho 162.500 cổ phần của Nanogen (0,227%), tương đương mức định giá hơn 71.000 đồng cho mỗi cổ phần. Căn cứ theo mức giá này, định giá của Nanogen khoảng gần 5.100 tỷ đồng (tương đương 220 triệu USD), cao hơn các doanh nghiệp dược phẩm lớn trên sàn chứng khoán như Imexpharm hay Traphaco.

Doanh nghiệp vừa đề nghị Chính phủ cấp phép khẩn cấp có điều kiện vaccine Nanocovax làm ăn ra sao? - Ảnh 4.

Nanogen cho biết dự kiến sẽ cung cấp đủ 50 triệu liều đến tháng 12/2021 và 100 triệu liều vào năm 2022...

Tuy nhiên, KIS cũng lưu ý rằng chưa thể xác định giá trị hợp lý của Nanogen ở thời điểm hiện tại do công ty dược phẩm này chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đặc biệt, trong trường hợp phát triển thành công vaccine Covid-19, định giá của Nanogen nhiều khả năng sẽ không chỉ dừng lại ở con số 220 triệu USD như định giá hiện tại.

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Nanogen Hồ Nhân lớn lên ở New York. Ông lấy bằng tiến sĩ công nghệ sinh học tại Đại học Arizona.

Chia sẻ với Forbes, ông cho biết có 20 năm nghiên cứu công nghệ sinh học ở nước ngoài trước khi về Việt Nam lập công ty sản xuất thuốc sinh học trị liệu. Sự xuất hiện của các công ty như Nanogen khiến các đơn vị nghiên cứu thị trường, như BMI cách đây một thập kỷ, đánh giá ngày càng khó khăn hơn cho các công ty đa quốc gia để chen chân vào thị trường mới nổi.

Ngoài kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực công nghệ sinh học, ông Hồ Nhân từng có thời gian làm việc trong lĩnh vực tài chính. Ông từng tham gia Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Vina (VNSC) trong giai đoạn 2013-2016.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem