Rao bán vaccine Covid-19 giả, coi chừng lãnh án chung thân hoặc tử hình

Thiên Tường Thứ tư, ngày 23/06/2021 09:43 AM (GMT+7)
Lợi dụng lúc người dân lo lắng vì dịch Covid-19 lây lan ngoài cộng đồng, nhiều kẻ đã chào bán vaccine phòng Covid-19 giả nhằm trục lợi.
Bình luận 0

Những ngày qua, tình hình dịch Covid-19 bùng phát và lây lan chóng mặt ngoài công đồng khiến người dân thấp thỏm, lo âu. Trước tình hình này, tâm lý chung ai cũng mong muốn sớm được chích vaccine để phòng, chống dịch và giảm bớt rủi ro cho bản thân, gia đình cũng như xã hội.

Tại TP.HCM, Sở Y tế đã triển khai đợt tiêm vaccine quy mô lớn nhất từ trước đến nay với gần 1.000 điểm tiêm trên địa bàn. Thế nhưng, số lượng người chưa được tiêm vaccine còn rất lớn.

Rao bán vaccine Covid-19 giả, coi chừng lãnh án chung thân hoặc tử hình - Ảnh 1.

Người dân được tiêm vaccine Covid-19 tại viện Pasteur (quận 3, TP.HCM) trong đợt tiêm chủng quy mô lớn nhất tại TP.HCM. Ảnh Mỹ Quỳnh

Lợi dụng thời điểm "nhạy cảm" này, một số tổ chức, cá nhân tự nhận đã tiếp cận được nguồn vaccine của các hãng sản xuất hoặc mua lại từ một số nơi có nguồn dư. 

Các đối tương này tiếp cận và mời người dân đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19 qua những hình thức quảng bá khác nhau như trên mạng xã hội, tin nhắn, tờ rơi và các hình thức quảng cáo khác.

Có thể bị phạt chung thân đến tử hình

Trao đổi với Dân Việt, luật sư Lê Bá Thường - Giám đốc Công Ty Luật TNHH MTV Dân Luật Tín Thành (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, hiện nay, các loại vaccine phòng Covid-19 sử dụng tại Việt Nam phải được Bộ Y tế cấp phép có điều kiện sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19. 

Đồng thời, chỉ có Bộ Y tế mới được phép giao dịch, nhập khẩu vaccine về nước để phân phối và tiêm chủng cho người dân.

Ngay cả các cơ sở đề nghị phê duyệt vaccine như Công ty TNHH Pfizer (Việt Nam) cũng khẳng định không bán cho các tổ chức và cá nhân. Như vậy, có thể khẳng định rằng, những tổ chức, cá nhân tự ý chào bán vaccine Covid-19 chắc chắn là bán vaccine giả.

Rao bán vaccine Covid-19 giả, coi chừng lãnh án chung thân hoặc tử hình - Ảnh 3.

Luật sư Lê Bá Thường cho rằng, tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh có thể bị lĩnh án tủ 20 năm, chung thân hoặc tử hình. Ảnh NVCC

Bộ Y tế khuyến cáo: Người dân cần cảnh giác trước những lời mời đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19 thông qua các hình thức quảng cáo trên mạng xã hội, tin nhắn, tờ rơi... và chỉ đi tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tại các cơ sở y tế, cơ sở đào tạo y, dược và các cơ sở, điểm tiêm chủng được Bộ Y tế cấp phép.

Người dân tuyệt đối không được tự ý tiêm chủng những loại vaccine phòng Covid-19 trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được Bộ Y tế kiểm định, cấp phép.

Khi phát hiện các thông tin liên quan đến tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 không rõ ràng hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, hãy báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan y tế địa phương.

Theo luật sư Thường, vaccine là thuốc chứa kháng nguyên tạo cho cơ thể khả năng đáp ứng miễn dịch được dùng với mục đích phòng bệnh, chữa bệnh (định nghĩa về vaccine theo khoản 13 Điều 2 Luật Dược năm 2016).

Hành vi sản xuất hay làm giả vaccine là vi phạm "Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh", tùy theo mức độ gây thiệt hại và số tiền thu lợi thì có thể bị xử tội với mức phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình (Điều 194 BLHS 2015). 

Luật sư Thường giải thích, việc tạo ra vaccine giả phòng dịch Covid-19 là tình tiết tăng nặng tội danh trách nhiệm hình sự do lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội (Điểm l Khoản 1 Điều 52 BLHS 2015).

Ngoài ra, các cá nhân hay tổ chức biết vaccine giả mà vẫn lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để lừa dối, chào bán cho người mua... thì hành vi này cũng bị khép vào tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và bị phạt tù từ 7 - 15 năm (Điểm c Khoản 3 Điều 174 BLHS 2015).

"Đồng thời, những người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung, trong đó phạt tiền từ 10 – 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản (Khoản 5 Điều 174 Bộ luật hình sự)" – luật sư Thường nói thêm.

Để gửi phản ánh thông tin về tình hình dịch Covid 19, vui lòng thông tin về tổng đài 1022, người dân có thể thực hiện qua các phương thức sau:

  • 1. Cung cấp thông tin qua hình thức gọi điện thoại đến số tổng đài 1022 - nhấn phím 3 và số điện thoại (028) 3824.9000.
  • 2. Gửi tin nhắn SMS đến số 1022.
  • 3. Cài đặt phần mềm Mobile App "Tổng đài 1022" (phiên bản trên Android và trên iOS), cho phép chụp hình và chọn địa điểm xảy ra sự cố trên bản đồ để phản ánh.
  • 4. Truy cập cổng thông tin điện tử theo địa chỉ https://1022.tphcm.gov.vn để phản ánh thông tin.
  • 5. Gửi thông tin phản ánh đến hộp thư điện tử theo địa chỉ: 1022@tphcm.gov.vn.
  • 6. Phản ánh trên mạng xã hội Fanpage: tại địa chỉ https://www.facebook.com/1022.tphcm.gov.vn.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem