Bộ quy tắc được thảo với 12 điều khoản lớn. Trong đó các nguyên tắc quy định trong 10 điều đầu tiên liên quan đến toàn bộ quy trình hoạt động dịch vụ trong lĩnh vực XKLĐ mà doanh nghiệp (DN) cần chấp hành như: Tuân thủ các quy định của luật pháp; tuyển chọn; đào tạo; tổ chức đưa lao động đi nước ngoài; bảo vệ người lao động ở nước ngoài; ký kết các hợp đồng; về nước và tái hoà nhập; tranh chấp và cơ chế giải quyết tranh chấp; xây dựng văn hóa ứng xử của doanh nghiệp; xây dựng quan hệ đối tác...
Ông Nguyễn Lương Trào - Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ khẳng định, kết quả khảo sát trong 20 DN tham gia thực hiện thí điểm bộ quy tắc CoC - VN cho thấy, các DN đều tuân thủ các quy trình về đào tạo giáo dục. Tổng hợp các ý kiến, khảo sát người lao động đều cho kết quả khả quan là lao động hài lòng với chất lượng dịch vụ...
Tuy nhiên, không phải DN nào (trong số 20 DN thí điểm) cũng thực hiện tốt quy tắc ứng xử. “Nhiều quy tắc ứng xử bị các DN vi phạm. Phổ biến là chưa tuân thủ tốt các nguyên tắc pháp luật quy định; chưa đóng đủ và đúng hạn Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; chưa tuân thủ các nguyên tắc trong việc xử lý các vụ việc phát sinh...” - ông Trào chỉ rõ.
Và một điều hết sức quan trọng nữa là mới chỉ có 20 DN tham gia quy chuẩn này. Ông Trào cho biết: “Hiện Việt Nam có 170 DN được cấp phép đưa lao động đi XKLĐ, thế nhưng hiện mới có 100 DN đăng ký tham gia CoC - VN. Trong đó, Hiệp hội cũng mới chỉ lựa chọn được 20 DN tiến hành làm điểm”. Chính vì thế mà chất lượng dịch vụ đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài vẫn chưa đồng đều và khó kiểm soát.
Minh Nguyệt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.