Đọc tiểu thuyết "Câu chuyện của Nàng Thê" của Võ Thị Xuân Hà: Mải miết hành trình

Hoàng Thụy Anh Thứ năm, ngày 10/11/2022 07:00 AM (GMT+7)
"Tôi chợt băn khoăn, tôi đang sống là hiện tại hay quá khứ hay là tương lai? Tôi đang trong hành trình nào của cuộc đời? Kiếp trước hay kiếp sau?...", tác giả Hoàng Thụy Anh chia sẻ trong bài viết gửi đến Báo Dân Việt khi đọc tiểu thuyết "Câu chuyện của Nàng Thê" của Võ Thị Xuân Hà.
Bình luận 0

Võ Thị Xuân Hà đã mách nước cho chúng ta về khao khát đi tìm twin flame (linh hồn phản chiếu) của nàng Thê ở bìa 4 tiểu thuyết Câu chuyện của Nàng Thê (Nxb Hội Nhà văn, 2022). 

Trên hành trình này, nàng Thê không hề biết cũng có một twin flame đang kiếm tìm nàng. Nhưng đọc Câu chuyện của Nàng Thê, chúng ta không chỉ bị chi phối bởi một twin flame mà còn bị chi phối bởi nhiều twin flame. Các twin flame đều liên quan đến nàng Thê, hay nói cách khác, đó chính là "linh hồn song sinh", "linh hồn gương soi" của nàng Thê: Nam Mộc, chàng học trò chặt cây nam mộc, lính cai, lão già Tiểu Ngục, nàng Điển, con trai công chúa nước Trang… Khai thác vùng mơ hồ, tâm linh, mượn chúng làm chất liệu, triển khai những nghịch cảnh, khổ đau, tội lỗi của loài người, khai mở sự vô biên của tình yêu, thân phận và các chiều kích của vũ trụ, chị đưa đến nhiều bài học cho chúng ta. Chúng ta không trì hoãn bất cứ việc gì cho kiếp sau, không chờ đến kiếp sau mới giải quyết. Hãy giải quyết mọi việc trong kiếp hiện tại. Nếu không, kiếp trước sẽ là quả của kiếp sau.

Đọc tiểu thuyết "Câu chuyện của Nàng Thê" của Võ Thị Xuân Hà: Mải miết hành trình - Ảnh 1.

Cuốn tiểu thuyết Câu chuyện của Nàng Thê (Nxb Hội Nhà văn, 2022). (Ảnh: NVCC)

Võ Thị Xuân Hà để các twin flame lần lượt trải qua kiếp này đến kiếp khác, dù cuộc gặp gỡ lúc hạnh phúc lúc khổ đau, lúc gần gũi lúc xa cách, nhưng kết quả của nó đã góp phần tỉnh giác tâm linh, cho những twin flame những bài học, kinh nghiệm về cuộc sống. Như cuộc gặp giữa nàng Thê và Lưới Sông, dẫu chẳng nên duyên nhưng giữa họ đã có sự đồng nhịp. 

Lưới Sông đã cứu và cưu mang nàng Thê. Sự đồng nhịp được chị lẩy ra ở mức cao nhất của thử thách, nghịch cảnh, sau khi nàng Thê bị một đội lính bắt, đưa về hoàng cung (vì nàng là công chúa xứ Long Hải), nàng đã dùng tấm thân của mình để cứu Lưới Sông tránh khỏi mũi tên xuyên qua. Sự đồng nhịp giúp họ nhận biết, trải nghiệm về sự hi sinh trong tình yêu. Nhưng, sự đồng nhịp giữa nàng Thê và Lưới Sông còn được chị gắn kết trong một đồng nhịp khác, ấy là đồng nhịp với Đức Vua Bạch Mã. 

Song song hai mối đồng nhịp này, chị đặt nàng Thê ở trong hai mối quan hệ twin flame, tức là cùng lúc đối diện hai bản thể trong hai kiếp: "Tôi vẫn còn đang trên hành trình của định số, hành trình này sẽ đưa tôi tới bến bờ nào? Tôi có nên phán xét bản thân mình? Hay nên thả lỏng để nhận được những phước lành, tương ứng với những cố gắng mà bản thân đã nỗ lực vượt qua? Lưới Sông và Đức Vua Bạch Mã, thực và mộng, người đế vương, kẻ tiêu dao…" (tr.100). Đây là ngưỡng nhận thức cao nhất của twin flame, thông qua ngưỡng này, nàng Thê có thêm bài học về lòng kiên nhẫn, trí hạnh.

Đọc tiểu thuyết "Câu chuyện của Nàng Thê" của Võ Thị Xuân Hà: Mải miết hành trình - Ảnh 2.

Đọc tiểu thuyết "Câu chuyện của Nàng Thê" của Võ Thị Xuân Hà: Mải miết hành trình. (Ảnh: NVCC)

Trên con đường đi tìm twin flame, so với Đức Vua Bạch Mã và Lưới Sông, có một linh hồn còn khổ đau gấp bội phần. Đó là họa sư, sau này là thân kiếp lão già Tiểu Ngục. Họa sư đã vẽ bức tranh Bến Đoạn Hà trong sự tuyệt mỹ của nghệ thuật, trong sự bẩn thỉu của lương tâm, trong sự gieo mầm của một hài nhi. Trái nghịch của thân kiếp họa sư tiếp tục nảy những trái nghịch của thân kiếp khác: nàng Điển và nàng Nương. Rồi lại tạo ra thời khắc trớ trêu giữa con gái của nàng Điển và con trai của nàng Nương. Trái nghịch của thân kiếp còn được hiển lộ ở thân kiếp lính cai, gã đốn củi, kẻ chài lưới, gã ngọa quỷ Xấu… Người này soi vào người kia bằng phần tối nhất, khổ đau nhất. Chính tình yêu và sự hối hận, chịu đựng đã giúp họ soi ngắm được chính con người mình và hướng đến sự giải thoát, thoát khỏi tác hại vô minh của con người.

Đúng như Võ Thị Xuân Hà đã nói: "Phải thấm những kiếp nạn khổ ải thế nào mới đủ tình yêu thương" (tr.225). Những tội lỗi của kiếp này sẽ là một vết nhơ cho kiếp sau, như thân kiếp của họa sư. Chuỗi tội lỗi ấy cứ dai dẳng nếu con người thiếu sự thức tỉnh. Giây phút chân thành của họa sư cùng con gái (chỉ trên giấy tờ) bên con sông, của cái xác ở bờ sông Đoạn Hà là giây phút giác ngộ, giây phút họ thấu suốt tội lỗi của mình. Cuộc đời là vĩnh hằng, kiếp này làm kiếp sau chịu. Họ không thể hoàn tất mọi thứ tốt đẹp trong một kiếp, vì thế, sự trở lại của nhiều kiếp để giúp họ tự chữa lành, tự điều chỉnh cái quả mà họ tạo ra. Họ sẽ có kiếp sống tốt hơn khi trải qua quá trình tu tập, quá trình đầu thai hóa kiếp. Có thể xem quá trình đầu thai hóa kiếp như một lớp học mà ai ai cũng phải dự phần, vượt lên và rút ra bài học.

Trong sự kiếm tìm twin flame của Nam Mộc, của nàng Thê, của gã ngạ quỷ Xấu, của lão già Tiểu Ngục… Võ Thị Xuân Hà còn xây dựng nhiều cuộc giằng co giữa cõi thường hằng và không thường hằng, thực và ảo, sống và chết; trưng ra những đố kị, nhỏ nhen của con người trước quyền lực danh vọng, sự vô cảm trước những giọt máu đang hình thành một hài nhi, thú tính nhục dục đầy tàn bạo… Đây là vấn nạn nhức nhối trong bất kì hoàn cảnh nào, thời điểm nào. 

Câu chuyện của nàng Thê và các thân kiếp của nàng, do đó, trở thành câu chuyện, bài học của nhiều người, của nhân loại. Điều mà Đấng linh thiêng đã viết trong bức thư gửi cho loài người: "Đúng hơn là Ta đã nhìn thấy rõ bi kịch của Loài Người, đã có ý lưu giữ nòi giống cho nhân loại, hoặc là có thể con người nghĩ rằng Ta thích chơi trò ú tim, khi chính Ta nặn ra loài người, rồi mỗi kỷ nguyên lại để mặc hoặc là không ngăn chặn được loài người tự hủy diệt nhau. Sau mỗi biến cố, Ta lại phải mặc lòng cho thay thế một biến thể mới, tiến bộ hơn, bác ái hơn, ưa nhìn hơn" (tr.232). 

Đấng Linh Thiêng nặn ra loài người nhưng ngài không thể điều chỉnh được nhân quả, nghiệp chướng, bởi loài người là đối tượng trực tiếp gây ra. Loài người còn tham sân si thì loài người càng xoay vần theo vòng tròn hóa kiếp. Sau mỗi kiếp, Đấng Linh Thiêng nặn lại loài người để giúp con người nỗ lực, cố gắng đoạn trừ những lỗi lầm mà mình đã gây nên. Thế giới càng vô biên, con người càng mải miết trong cuộc sinh tử bất tận. Cách Võ Thị Xuân Hà mở cánh cửa vô viên của vũ trụ xuất phát từ quan niệm luân hồi của Phật giáo, từ quan niệm linh hồn song sinh, thực chất, đó là quá trình chị muốn loại bỏ gốc rễ vô minh của con người. Và đó cũng chính là giá trị cốt lõi, đầy chất nhân văn của tác phẩm.

Đọc tiểu thuyết "Câu chuyện của Nàng Thê" của Võ Thị Xuân Hà: Mải miết hành trình - Ảnh 3.

"Tôi chợt băn khoăn, tôi đang sống là hiện tại hay quá khứ hay là tương lai? Tôi đang trong hành trình nào của cuộc đời? Kiếp trước hay kiếp sau?...", tác giả Hoàng Thụy Anh chia sẻ khi đọc tiểu thuyết "Câu chuyện của Nàng Thê" của Võ Thị Xuân Hà. (Ảnh: NVCC)

Đọc tiểu thuyết Câu chuyện của Nàng Thê của Võ Thị Xuân Hà, tôi chợt băn khoăn, tôi đang sống là hiện tại hay quá khứ hay là tương lai? Tôi đang trong hành trình nào của cuộc đời? Kiếp trước hay kiếp sau? Bởi chúng ta chỉ có một linh hồn nhưng chúng ta sống với nhiều kiếp, nhiều thể xác. Ngay cả những loài vật xung quanh tôi, cũng có thể là một thân kiếp đã từng của tôi, bởi sự trìu mến và tình yêu mà tôi dành cho chúng. 

Linh hồn có nhiều kiếp khác, đời sống khác nữa. Nó bất diệt. Vì thế, trong hành trình đi tìm twin flame, mỗi kiếp sống luôn đem đến những bài học kinh nghiệm: Có thể thấy kiếp sau từ cách thế sống, sự hành xử ở kiếp này, không để vết sẹo của kiếp này cho kiếp sau. Đúng như suy ngẫm của nàng Thê: "Mỗi cõi sống, là tôi được thử thách, và qua mỗi thử thách, tôi đã bước qua được một bậc thế, để đến với một cảnh giới cao hơn, trưởng thành hơn" (tr.117).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem