"Độc chiêu" thu hút loài thú biết bay, thích tự do về chuồng ở, nhả ra thứ phân bón bán đắt tiền

Thiên Ngân Thứ tư, ngày 09/02/2022 13:50 PM (GMT+7)
Dơi là loài động vật hoang dã, khó tính, thích sống tự do, rất nhạy cảm với hơi người lạ, nhưng phân dơi thì quý như "vàng", cực kì tốt cho cây trồng. Ở nhiều nơi, mô hình nuôi dơi lấy phân vừa cho thu nhập cao, vừa bảo vệ môi trường, mùa màng... Cách chiêu dụ, nuôi dơi như thế nào?
Bình luận 0

Độc chiêu nuôi dơi lấy phân, cách chiêu dụ cả ngàn con dơi về chuồng thế nào?

Theo kỹ sư Lê Văn Khoa (Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành, Kiên Giang), để thu hút dơi về ở, ta bắt khoảng từ 10 con dơi mồi bỏ vào 2-3 lồng lưới treo lên chuồng nuôi dơi để dơi mồi phát tiếng kêu dẩn dụ đàn về. Nếu dơi không về, thì khoảng 2 ngày sau ta thả dơi mồi cũ ra, tìm dơi mồi mới khác thay vào cho đến khi có dơi về thì ngưng.

Hiện phân dơi có giá từ 60.000-80.000 đồng/kg. Nếu làm khoảng 3 chòi nuôi dơi và nuôi 90.000 con dơi, mỗi ngày người nuôi dơi có thể thu hoạch khoảng từ 20-30kg phân dơi. Như vậy tính ra một năm, người nuôi có thể thu được hơn 500 triệu đồng từ bán phân dơi.

"Độc chiêu" thu hút loài thú biết bay, thích tự do về chuồng ở, nhả ra thứ phân bón bán đắt tiền - Ảnh 1.

Mô hình chuồng nuôi dơi lấy phân tại Châu Thành (Kiên Giang). Ảnh: khuyennong

Hay như tại địa bàn Phụng Hiệp (Hậu Giang), mô hình nuôi dơi ở đây cũng khá đơn giản. 

Chuồng dơi được người dân ở đây làm có diện tích khoảng 60m2, cao khoảng 8-10m, mái lợp tôn, dưới mái treo khoảng 1.000 chiếc lá thốt nốt được kết lại thành từng mảng để làm nơi cho dơi trú ẩn. Chi phí làm một chuồng dơi chưa đến 30 triệu đồng, sử dụng được nhiều năm. 

Ông Nguyễn Văn Chót, người có hơn 10 năm nuôi dơi lấy phân, ở xã Bình Thành, cho biết: Dơi được nuôi lấy phân là dơi muỗi, chuyên ăn các loại côn trùng trên đồng ruộng, nên phân thải ra rất tốt cho cây trồng. Hai chuồng dơi của gia đình ông mỗi ngày thu được trên 2 giạ phân, thương lái vào tận nhà thu mua với giá trên 300.000 đồng/giạ. Trung bình 1 năm gia đình ông lãi trên 70 triệu đồng.

Theo Trạm Khuyến nông Châu Thành, kỹ thuật nuôi dơi có thể thực hiện như sau:

1. Đặc tính của dơi

Dơi được nuôi ở đây là loài dơi muỗi, loài sinh vật sống trong thiên nhiên, trọng lượng mỗi con khoảng vài chục gram. Như tên gọi của nó, loại dơi này chỉ ăn muỗi, bướm, rầy và không phá hại cây trái của nhà nông. Dơi hoạt động vào ban đêm, sáng tìm nơi yên tĩnh để ngủ. Và trong thời gian này, dơi bài tiết thức ăn của ngày hôm trước thành phân.

Dơi thường đi ăn vào khoảng 18h – 18h30, khi trời quang đãng. Nếu gặp lúc trời mưa, dơi trú trong chuồng và bay đi ăn khi trời tạnh. Nếu khu vực dơi cư ngụ ít mồi, dơi đi săn mồi rất xa, có khi hơn 10 km, và đến khoảng 5 giờ sáng mới trở về. Biết được những đặc tính nêu trên, người ta làm chuồng để nuôi dơi lấy phân.

"Độc chiêu" thu hút loài thú biết bay, thích tự do về chuồng ở, nhả ra thứ phân bón bán đắt tiền - Ảnh 2.

Lợp lá thốt nốt trong chuồng nuôi dơi tại Kiên Giang. Ảnh: khuyennong

2. Kỹ thuật làm chuồng nuôi dơi 

Chọn địa điểm làm chuồng cho dơi sao cho đảm bảo yên tĩnh, kín đáo, đặc biệt cây cối thấp, ít tiếng ồn… chuồng phải đặt ở cặp bờ kênh, mương để dơi uống nước.

Chuồng phải cao ráo, thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông và luôn sạch sẽ. Làm sao để nhiệt độ trong chuồng ổn định ở mức 30-32 độ C là tốt nhất.

Kích thước chuồng ngang 5m, dài 7- 9m. Dựng 4 cột xi măng có chiều cao 6 m, nóc chuồng cao 1,5 m. Bà con cũng có thể dựng chuồng bằng cột cây tràm.

Theo kinh nghiệm của nhiều người nuôi thành công thì chuồng lợp lá dơi về nhiều hơn lợp tol. Lá lợp phải là lá dừa nước xé để thời gian sử dụng được lâu hơn. Mái được xốc nóc cẩn thận, tránh gió làm tốc mái, mưa ướt làm dơi phải bỏ chuồng đi nơi khác.

Nền chuồng: Có thể tráng xi măng hoặc trải lưới cước. Phân dơi rớt xuống đó sẽ được quét thu gom.

Giá thể để cho dơi trú ẩn là loại lá thốt nốt. Với kích thước chuồng như trên có thể sử dụng 300-400 lá thốt nốt. 

Chọn những lá khô nhưng còn mới, không mục nát, khi chặt về phải ngâm qua nước trước khi phơi nhằm diệt sạch ấu trùng kiến là kẻ thù của dơi.

Cứ khoảng 3-5 ngày phải trèo lên thay những lá bị dính phân dơi và 4-5 tháng phải thay hết toàn bộ lá.

Cách treo lá làm nơi trú ẩn cho dơi: Phía dưới mái chuồng, ta gác cây xuôi dọc theo chiều dài của chuồng, mỗi cây cách nhau khoảng 4-5 tấc để treo lá làm nơi trú ngụ cho dơi.

Cắt cuống lá chừa lại khoảng 3-5 tấc, rồi đục lỗ cuống lá, nối 5 tàu lá thành một chùm bằng dây kẽm bẻ thành móc và treo vào các cây được thả dọc theo chiều dài của chuồng.

3. Cách thu hút dơi về nuôi:

Để thu hút dơi về ở, ta bắt khoảng từ 10 con dơi mồi bỏ vào 2-3 lồng lưới treo lên chuồng nuôi để dơi mồi phát tiếng kêu dẩn dụ đàn về. Nếu dơi không về, thì khoảng 2 ngày sau ta thả dơi mồi cũ ra, tìm dơi mồi mới khác thay vào cho đến khi có dơi về thì ngưng.

4. Chăm sóc

Dơi là loài động vật hoang dã, khó tính, thích sống tự do, rất nhạy cảm với hơi người lạ, cũng như những loài vật, côn trùng có khả năng gây hại chúng, nếu động chúng sẽ bỏ đi. Vì vậy, người nuôi phải biết khuyến dụ và bảo vệ chúng, không được bắt chúng trong chuồng nuôi.

Kẻ thù nguy hiểm đối với dơi là rắn, chim heo, rệp và kiến do đó chúng ta thường xuyên phát hoang bụi rậm, săn bắt chim heo... để hạn chế kẻ thù xâm hại dơi.

Do dơi thải phân có thể làm dơ lá thốt nốt, cứ khoảng 3-5 ngày là ta phải đem những chùm lá cũ xuống để giặt, phơi khô và thay lại lá mới. Thay lá vào lúc dơi ra khỏi chuồng đi ăn khoảng 18 giờ chiều và thay nhanh trong khoảng 15 phút. Nếu thay không kịp thì thay khoảng 1/3, rồi sau đó thay tiếp, vì nếu gặp người lạ thì dơi sẽ bỏ chuồng đi.

5. Thu hoạch phân dơi: Dưới chuồng dơi ta căn lưới để thu hoạch phân dơi hàng ngày, nếu không thu hoạch sớm kiến sẽ tha phân, và nếu bị trời mưa phân sẽ chảy ra.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem