Nuôi cà cuống bò la liệt trong bể xi măng, gái làng tỉnh Tây Ninh bắt bán đắt như tôm tươi
Nuôi loài côn trùng đẻ "ổ trứng vàng", nướng lên thơm khắp làng, trang trại ở Tây Ninh được nhiều người kéo đến xem
Thứ tư, ngày 09/02/2022 13:00 PM (GMT+7)
Người dân chủ yếu độc canh cây lúa, năng suất thấp, đời sống rất khó khăn. Giữa cánh đồng biên giới hun hút ta bắt gặp trại nuôi cà cuống của chị Nguyễn Thị Lan (xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh), một đột phá tạo thành điểm sáng cho bà con A8 phấn đấu vươn lên.
Ấp biên giới Phước Mỹ, xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh), người dân ở đây vẫn quen gọi với cái tên trìu mến –A8, nằm cách biệt với các khu vực khác trên địa bàn xã Phước Chỉ.
Đường giao thông đi lại rất khó khan. Nhiều nhà dân thường bị ngập trong mùa nước nổi - nhất là đối với các hộ sống rải rác trên vùng đất thấp, cặp biên giới giáp Campuchia, hầu hết là nhà tạm.
Người dân chủ yếu độc canh cây lúa, năng suất thấp, đời sống rất khó khăn. Giữa cánh đồng biên giới hun hút ta bắt gặp trại nuôi Cà Cuống của chị Nguyễn Thị Lan, một đột phá tạo thành điểm sáng cho bà con A8 phấn đấu vươn lên.
Mùi hương cà cuống
Từng là một thủ lĩnh thanh niên đầy nhiệt huyết, là người con của quê hương A8, chị Nguyễn Thị Lan (32 tuổi) luôn trăn trở làm gì để không chỉ cho mình mà còn cho vùng đất A8 đổi thay.
Sau nhiều năm dành thời gian, công sức tìm tòi thử nghiệm, chị đã thành công với mô hình nuôi cà cuống thương phẩm.
Chị cho nhân giống và nuôi số lượng lớn tại trang trại ở khu A8, sát biên giới Campuchia. Trang trại nuôi con đặc sản cà cuống của chị có 40 ao với gần 10.000 con giống.
Chị Lan chia sẻ: “Tuổi thơ đã từng được ba cho ăn nước mắm dằm cà cuống, mùi hương của tinh dầu cà cuống theo chị mãi đến bây giờ. Do môi trường có nhiều thay đổi, cà cuống đang dần biến mất trong tự nhiên. Trang trại đặc sản cà cuống của chị cũng là thực hiện được hoài niệm tuổi thơ”.
Con cà cuống được xem là loài quý hiếm, một món ăn đặc sản lạ miệng. Đặc biệt, nước mắm cà cuống là món nước chấm được nhiều người yêu thích bởi mùi vị thơm ngon từ tinh dầu của cà cuống. Giá trị nhất của con cà cuống nằm ở túi tinh dầu ở phần dưới bụng cà cuống đực.
Theo Đông y, đây là dược liệu có vị ngọt, cay, tính bình, không độc, có tác dụng bổ thận, tráng dương, lợi tiêu hóa. Tinh dầu này có công dụng như một chất kích thích thần kinh, gây hưng phấn và tăng cường nhẹ khả năng sinh dục.
Nắm bắt được điều này, chị Lan đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất, chế biến nước mắm cà cuống và đang chuẩn bị cho ra sản phẩm rượu cà cuống. Nước mắm cà cuống nhận được nhiều lời khen ngợi của người dùng. Tiếng lành đồn xa, đơn hàng từ khắp miền đất nước gửi về.
Sản phẩm cà cuống đặc trưng của tỉnh Tây Ninh
Cà cuống ở trang trại chị Nguyễn Thị Lan được nuôi theo quy trình khép kín, không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào. Sản phẩm thân thiện môi trường, rất tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.
Chị Lan chia sẻ: “Dù cà cuống khá dễ nuôi, nhưng rất nhạy cảm với môi trường bên ngoài, tác động nhất là hóa chất như thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ, chất tẩy rửa. Do đó, cà cuống phải được nuôi hoàn toàn trong môi trường sạch.”
Thức ăn chủ yếu của cà cuống là cá con hoặc các loài ếch, nhái được thu mua lại của những người làm đồng. Với trang trại rộng hơn 3.000 mét vuông chị vẫn có thể mở rộng thêm nhiều ao nuôi để tăng sản lượng.
Đầu năm 2020, được Sở Khoa học và Công nghệ tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, giới thiệu về mô hình Aquaponist (kết hợp giữa nuôi trồng thủy sản và nuôi trồng thủy canh), chị Lan mạnh dạn đầu tư sản xuất theo quy trình khép kín.
Thức ăn của cà cuống là cá lia thia và rau được nuôi trồng trong cùng một hệ tuần hoàn. Cà cuống ăn thức ăn và tạo ra chất thải trong nước. Nước có chứa chất thải được đưa vào hệ thống lọc cơ học và vi sinh.
Để A 8 cùng phát triển cùng con cà cuống
Nhờ sự tham gia của vi khuẩn có lợi sẽ biến đổi nước thải từ bể thủy sản thành chất dinh dưỡng hữu cơ dẫn vào các bể trồng rau, cây rau hấp thụ dưỡng chất trong nước, sau đó lọc sạch nước và cung cấp ngược trở lại cho bể cà cuống và cá lia thia.
Chị nói: “Tôi luôn hy vọng và cố gắng đưa ra các sản phẩm từ con cà cuống phù hợp khẩu vị và đáp ứng yêu cầu của số đông người Tây Ninh và người tiêu dùng cả nước”. Chị Lan đã làm thủ tục đăng ký sản phẩm nước mắm cà cuống mang tên “Phong Lan”.
Mong muốn của chị không chỉ nước mắm Cà cuống trở thành một trong những sản phẩm đặc trưng của tỉnh Tây Ninh, mà vùng quê bé nhỏ với địa hình đặc thù là điểm tiếp giáp biên giới được đầu tư đúng tầm để trở thành một điểm tham quan lý thú, để khi nhắc đến Tây Ninh du khách không quên nhắc đến hương vị nước mắm cà cuống Phong Lan.
Không chỉ phát triển kinh tế cho gia đình, mà chị Lan muốn ấp A8 cũng phải đổi thay, chị muốn thổi vào suy nghĩ của bà con biên giới nghèo, “mình có thể chuyển đổi cây trồng vật nuôi, có thể làm giàu ngay chính trên mãnh đất heo hút này”-chị Lan chia sẻ.
Chị muốn mô hình nuôi cà cuống được nhân rộng và phát triển tại vùng biên A8 và cả Tây Ninh nói chung. Qua nhiều năm kinh nghiệm, chị thấy điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở đây rất phù hợp để phát triển mô hình nuôi cà cuống, có thể được nhân rộng giúp cho kinh tế vùng biên giới được nâng cao.
“Phát triển mô hình nuôi cà cuống sẽ kéo theo các dịch vụ phụ trợ như hình thành các trại nuôi dế, nuôi cá mồi, nuôi nhái,... hoặc các nông trại nguyên liệu dạng cung cấp mồi nuôi cà cuống, người dân dần dần nhận ra hiệu quả của việc chuyển đổi kết hợp các mô hình nông nghiệp khác thay thế phần nào việc độc canh cây lúa và góp phần tăng giá trị, lợi nhuận từ mảnh ruộng, mảnh vườn với diện tích đất nhỏ hẹp”- chị Lan bộc bạch dự định.
Để giúp bà con có nhu cầu nuôi cà cuống, chị nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc cà cuống. Chị Lan còn liên kết với nhiều bà con trong và ngoài địa phương để tạo các vệ tinh cung cấp nguồn nguyên liệu cà cuống, dự kiến thu mua 100.000 con mỗi tháng.
Hộ gia đình nuôi sẽ chủ động được nguồn thức ăn cho cà cuống nên lợi nhuận cao hơn. Ngoài cà cuống, hiện nay chị Lan phát triển thêm mô hình trồng nấm mối đen với 5 nhà kho, mỗi kho chứa 5 ngàn phôi, mỗi ngày chị thu hoạch trên 50 kg nấm mối.
Từ khi trang trại cà cuống của chị Lan đi vào hoạt động, người dân trong ấp mạnh dạn chuyển đổi mô hình canh tác như: trồng rau má, làm vườn kết hợp nuôi ốc. Đã một vài nhà đầu tư về A8, có một trại gà vừa xây dựng.
Đến A8 (Phước Mỹ) hôm nay đã cảm nhận rõ sự đổi thay từ chính cách nghĩ, cách làm của những người con chân chất vùng quê nghèo.
Bà con nông dân đã vươn lên, bắt kịp với xu hướng phát triển chung, không còn cảnh con trâu với cái cày, ruộng lúa khô cằn một vụ chờ mưa. Thay vào đó là những ngôi nhà mới của cụm dân cư biên giới, con đường đất đỏ bùn lầy trước đây nay đã trở thành tuyến đường nhựa vành đai biên giới phẵng lì, xe ô tô chạy bon bon.
Phước Mỹ (A 8) đang như một điểm sáng vùng biên, cuộc sống người dân nơi đây không chỉ đổi sắc, thay da, ngày càng ấm no, hạnh phúc mà còn là phên dậu góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới Tổ quốc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.