Độc đáo cây đa ôm trọn cổng làng ở Hà Nội

Kiều Trang Chủ nhật, ngày 03/03/2024 07:20 AM (GMT+7)
Với những người sinh ra và lớn lên tại thôn Yên Cốc, xã Hồng Phong (huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội) dấu ấn đậm sâu nhất vẫn là hình ảnh cây đa cổ thụ ôm chặt, “bảo vệ” cổng làng trăm năm tuổi.
Bình luận 0

Clip cây đa cổ ôm trọn cổng làng. Thực hiện: Kiều Trang.

Cây đa ôm chặt cổng làng

Về thôn Yên Cốc những ngày cuối tháng 2/2024, chúng tôi ấn tượng trước khung cảnh làng quê yên bình. Đặc biệt, điều khiến ai cũng phải trầm trồ hơn cả chính là hình ảnh cây đa ôm trọn cổng làng Yên Cốc.

Khi được hỏi về nguồn gốc của cây đa, cổng làng, người dân tại thôn Yên Cốc hầu hết đều không biết rõ chính xác cây trồng từ khi nào. Họ chỉ nhớ khi sinh ra đã thấy cây đa và chiếc cổng. Còn theo lời các bậc cao niên trong làng kể lại, cây đa được trồng từ thời nhà Lý, với tuổi đời vài trăm năm.

Độc đáo cây đa ôm trọn cổng làng ở Hà Nội- Ảnh 1.

Cây đa ôm chặt cổng làng suốt nhiều thế kỷ.

"Làng Yên Cốc thời xưa thu hút sự chú ý với ba cây đa cổ, mỗi cây mang theo một câu chuyện riêng, kết nối chặt chẽ với các địa điểm quan trọng: cây đa đền, cây đa cổng xuôi và cây đa chùa. Tuy nhiên trải qua nhiều năm, chỉ còn cây đa cổng xuôi vẫn giữ dáng vẻ xanh tươi gắn bó chặt chẽ với dân làng đến tận ngày nay", cụ Phạm Thị Nhấm, người đang trông coi ngôi miếu cạnh gốc đa nói.

Lý giải cho điều này, cụ Nhấm cho chia sẻ thêm: "Nguồn nước từ dòng sông bên cạnh không chỉ là nguồn sống của làng mà còn là chìa khóa giữ cho cây đa cổng xuôi luôn xanh tươi".

Mỗi cây đa là một tòa tháp vô cùng độc đáo, chia thành ba tầng với mỗi tầng đều có không gian nhỏ đủ chỗ cho khoảng 10 người đứng, để ôm trọn thân cây đa cổ cần 40 người.

Anh Trần Mạnh, người dân sống cạnh cổng làng cho hay, lúc còn bé anh thường được bố mẹ kể rằng, ban đầu cây được trồng gần cổng làng, sau này rễ mọc dài ra nên bám chặt quanh cổng và người dân vẫn luôn cho rằng đó là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Độc đáo cây đa ôm trọn cổng làng ở Hà Nội- Ảnh 2.

Bộ rễ cây đa "ôm trọn" cổng làng thôn Yên Cốc.

Cây đa có nhiều rễ cây lớn mọc sâu thẳng xuống lòng đất. Trải qua thời gian, những rễ cây đa nổi trên mặt đất giống như dải lưới gắn kết tất cả lại thành một bức tranh sống động, mang đậm chất văn hóa và lịch sử của làng Yên Cốc.

Người dân coi cây đa như "vật báu" trong làng

Cây đa trở thành bệ đỡ vững chắc cho cổng làng, cây đa cũng chính là biểu tượng lịch sử - văn hóa đang từng ngày hòa quyện với cuộc sống của những người dân nơi đây. Cổng làng, cây đa không chỉ đơn giản là một kỳ quan kiến trúc, mà còn là hiện thân cho sức sống mãnh liệt và sức mạnh tinh thần.

Độc đáo cây đa ôm trọn cổng làng ở Hà Nội- Ảnh 3.

Bộ rễ của cây đa cao hơn 3m.

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt - người dân thôn Yên Cốc, trải qua thời gian, người dân trong thôn Yên Cốc luôn thay nhau bảo vệ, chăm sóc cây đa, thậm chí họ còn coi cây đa như một "vật báu" trong nhà. 

Khi người dân, du khách đến, mọi người vẫn tự hào kể chuyện về cây đa cổ ôm trọn cổng làng. Thậm chí, cho tới ngày nay, cây đa cổ vẫn là một bức tranh ẩn chứa nhiều câu chuyện về cuộc sống đời thường của toàn bộ người dân nơi đây.

Nhìn vào cây đa, du khách như thấy từng thước phim được tua lại về quá khứ, những chiều đàm đạo thưởng trà của các bô lão, những buổi trưa nắng trẻ em tụ tập chơi đùa dưới tán cây hay những năm kinh tế phát triển, bà con reo hò ăn mừng vui sướng.

Cây đa không chỉ là câu chuyện về quá khứ, mà còn là sự hy vọng cho tương lai. Người dân thôn Yên Cốc không chỉ xây dựng những công trình vật chất bảo vệ cây, mà họ còn nỗ lực gìn giữ và phát huy giá trị lịch sử, nền tảng cho sự phát triển bền vững của làng quê Việt Nam.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem