Độc đáo làng “ăn cỗ chạy“

Hoài Thu – Hồng Đức Chủ nhật, ngày 02/03/2014 15:37 PM (GMT+7)
Đã thành thông lệ, cứ mùng 1.2 âm lịch hàng năm, người dân làng Thiều Xá, xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa), lại tổ chức ăn Tết lại. Tết này, bà con nhân dân trong vùng còn tổ chức to hơn cả Tết cổ truyền.
Bình luận 0
Ăn Tết lại, theo tục xưa truyền còn gọi là ngày "ăn cỗ chạy" là lễ hội truyền thống của bà con làng Thiếu Xá, xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc. Với nhiều hoạt động đặc sắc, đã thu hút đông đảo bà con trong vùng.

Ngay từ sáng sớm mùng 1.2 âm lịch, rất đông người dân ở Cầu Lộc và các xã lân cận đã tập trung tại đền Thánh Thiều – dưới chân núi Thiều. Lễ rước kiệu được bắt đầu từ đền Thánh Thiều, qua chùa Thiều, Phủ Thiều rồi qua đền quan Phủ Quốc… cuối cùng về nhà văn hóa thôn Thiều Xá.

Vào ngày này, trên bàn thờ của mỗi gia đình trong xã Cầu Lộc, đều đặt rất nhiều bánh dày, bánh lá và hoa quả các loại tùy vào điều kiện của từng nhà.
Mâm lễ
Mâm lễ
Lễ hội được chia làm 2 phần: Phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức trang nghiêm với lễ rước Thần Hoàng từ đền Thánh Thiều đến nhà văn hóa thôn để làm lễ, báo công với thành hoàng làng về một năm lao động sản xuất ở địa phương và những ước nguyện trong năm mới.

Phần hội được tổ chức sôi nổi, vui tươi, lành mạnh, với các tiết mục như: giã bánh dày, tế nữ quan, bóng chuyền, kéo co, chạy thẻ…

Ông Lê Văn Nguyên (68 tuổi), ở làng Thiều Xá, cho biết: “Tục lệ ăn tết lại ở quê tôi cũng chẳng biết bắt nguồn từ bao giờ. Chỉ biết rằng, từ khi tôi lớn lên, nhận biết được, thì đã được ăn tết lại vào ngày 1.2 âm lịch hàng năm”.

Theo các cụ cao niên trong làng, kể lại: Vào thời vua Lê Thái Tổ - thế kỷ thứ XV, làng Thiều Xá có một vị tướng công có tài thao lược quân sự tên là Lê Phúc Đồng. Ông được triều đình tiến cử lãnh binh đi đánh giặc xâm lược bờ cõi nước ta, ở cửa biển Thần Phù. Khi đại quan đi đến đoạn sông Lèn (một nhánh của sông Mã) qua chân núi Thiều, thì thuyền bị mắc cạn. Tướng quân Lê Phúc Đồng lệnh cho quân sĩ dừng lại nghỉ chân dưới bến nước của làng.

Trong lúc chưa biết xoay sở thế nào, tình cờ một lần dạo chơi, tướng quân gặp một cái miếu nhỏ nằm dưới chân núi Thiều, ông vào thắp hương cầu khấn thần linh cho đoàn quân thuận buồng xuôi gió, để đánh thắng giặc ngoại xâm. Thắp xong tuần nhang, trở lại thuyền thì tướng quân thấy đoàn thuyền đang mắc cạn bỗng có thể xuôi dòng thẳng tiến.

Khi dẹp xong giặc ngoại xâm, tướng quân Lê Phúc Đồng đã cho quân ghé vào làng Thiều làm lễ tạ ơn thần linh và mở hội cho dân làng ăn mừng chiến công. Nhớ ngày này (ngày 26 tháng Chạp) hằng năm người dân làng Thiều Xá còn tổ chức phiên chợ cầu may và chỉ diễn ra một lần trong năm. Vì vậy, bà con thường truyền tai nhau câu nói: “Bỏ con bỏ cháu, không bỏ 26 chợ Thiều”.

Sau đó, tướng quân Lê Phúc Đồng lại cầm quân ra trận lần thứ 2. Khi thắng giặc trở về, thì làng đã ăn Tết xong. Vì vậy, tướng quân đã xin phép bà con cho quân lính và dân làng ăn Tết lại một lần nữa để cảm ơn thần Hoàng Làng và trở về kinh thành.

Vì vậy, để nhớ ơn tướng công Lê Phúc Đồng, bà con nhân dân trong làng lấy ngày 1.2 hàng năm là ngày ăn Tết lại của làng. Tết lại này được bà con làng Thiều Xá tổ chức lớn hơn cả Tết cổ truyền.

Ông Nguyễn Tiến Năng – Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi làng Thiều Xá, cho biết: “Thay bằng việc gói bánh chưng ở Tết cổ truyền, thì Tết lại này bà con lại làm bánh dày để cúng tổ tiên. Ngoài bánh chưng ra, các món ăn khác đều giống như Tết cổ truyền”.

Theo tục truyền lại, xưa kia, ngày ăn Tết lại của người dân làng Thiều Xá còn được gọi là ngày “cỗ chạy”. Theo các cụ cao niên trong làng lý giải, trước đây, cứ đến ngày Tết lại, thì những gia đình có con trai, dù đã lấy vợ hay chưa, đã làm con rể hay có ý định làm rể, thì phải chuẩn bị một mâm cỗ để mang đến nhà thông gia.

Những gia đình có nhiều con trai thì phải mất nhiều công sức để chuẩn bị mâm lễ cho con mình. Có những gia đình, nhiều con trai nên phải bán cả ruộng để lấy tiền sắm lễ. Những gia đình có nhiều con gái thì ngược lại, bố của những cô gái này phải tổ chức cuộc thi “cỗ chạy”.

Trai làng nào mang sính lễ đến nhanh nhất, đầy đủ nhất sẽ đoạt giải, sau đó được ưng thuận gả con gái cho. Hiện nay, tục lễ “cỗ chạy” không còn, nhưng những người con trai trong làng Thiều Xá đã làm rể hoặc có ý định làm rể ở nhà nào thì phải mang một đôi bánh dày đến Tết bố vợ.

Lễ ăn Tết lại của bà con làng Thiều Xá, được diễn ra duy nhất trong một ngày, sau đó mọi người lại trở lại nhịp sống thường ngày.
img Làm lễ tại đền Thánh Thiều để xin lệnh rước kiệu về nhà văn hóa Thiều Xá để hầu thần Hoàng Làng
img
img Sau khi làm lễ xin lệnh, đoàn rước bắt đầu xuất phát qua các chùa, phủ… trong làng để mời các vị thần về nhà văn hóa thôn Thiều Xá tham dự.
img
img Rước kiệu có vai trò quan trọng nhất không thể thiếu trong buổi lễ.
img
img Qua mỗi ngõ, bà con nhân dân lại bỏ tiền lẻ lên kiệu rước để cầu lộc, cầu tài
img
img Bánh dày là một phần không thể thiếu trong dịp ăn Tết lại của bà con nhân dân thôn Thiều Xá
img Ngoài bánh dày, ngũ quả cũng không thể thiếu
img Ông Trưởng làng đánh trống khai lễ
img Tẩy uế để làm bắt đầu làm lễ
img Mở đầu là lễ dâng nến
img
img Rước hương
img Dâng rượu
img
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem