Độc đáo làng nghề “thêu áo cho vua” ở ngoại thành Hà Nội

Nguyễn Vân Thứ hai, ngày 22/05/2023 14:22 PM (GMT+7)
Huyện Thường Tín (Hà Nội) nổi tiếng với nghề thêu thủ công truyền thống, đặc biệt thêu long bào cho các triều vua phong kiến Việt Nam.
Bình luận 0

Clip nghệ nhân ở làng Đông Cứu chia sẻ về nghề thêu truyền thống. Thực hiện: Nguyễn Vân.

Gìn giữ và bảo tồn nghề thêu truyền thống

Nằm bên hữu ngạn của sông Nhuệ, làng Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín) mang vẻ êm đềm và thanh bình như bao làng quê khác. Xưa kia, Đông Cứu thuộc Ngũ Xá cùng với các làng Đông Gia, Bình Lăng, Quất Động đều có chung một tổ nghề thêu là Tiến sĩ Lê Công Hành. 

Những ngày giữa tháng 5 oi ả, chúng tôi đến thăm làng nghề thêu Đông Cứu. Trên con ngõ đường trục chính dẫn vào làng Đông Cứu có nhiều biển hiệu để xưởng may thêu và bán mặt hàng khăn chầu áo ngự, áo long bào dành cho vua chúa.

Độc đáo làng nghề “thêu áo cho vua” ở ngoại thành Hà Nội - Ảnh 2.

Bảo tồn và phát huy nghề thêu cổ là mong ước và tâm huyết của người dân làng Đông Cứu. Ảnh: Nguyễn Vân.

Theo nghi chép trong tài liệu làng Đông Cứu thì ông Lê Công Hành (1606-1661) là một quan lại thời Hậu Lê (Lê Trung Hưng). Ông được tôn xưng là tổ nghề thêu cổ truyền tại Việt Nam. Nghề thêu ở Việt Nam trước thế kỷ 18 còn đơn sơ, quanh quẩn với những màu chỉ ngũ sắc và chỉ kim tuyến, làm những mặt hàng phục vụ cho vua, quan, cho người dân.

Đến thời ông Lê Công Hành đã dạy cho người làng Quất Động những kỹ thuật thêu tân tiến hơn mà ông đã tiếp thu được trong chuyến đi sứ sang Trung Quốc. Từ đó, nghề thêu trở nên phát triển hơn, lan dần ra nhiều làng nghề trên khắp cả nước. Để ghi nhớ công đức của ông, người dân làng nghề tại Thường Tín lập nên Đền Ngũ Xã trong đó có làng nghề Đông Cứu.

Làng Đông Cứu hiện nay được coi là nơi duy nhất tại Hà Nội chuyên phục dựng lại trang phục của các vị vua chúa ngày xưa, theo thời gian làng hiện còn khoảng hơn 50 hộ dân theo nghề thêu. 

Bà Phạm Thị Phà (39 tuổi, Thường Tín, Hà Nội) theo nghề thêu truyền thống từ năm 12 tuổi. Bà Phà cho biết, muốn tạo ra một bộ trang phục đẹp chuẩn tín ngưỡng của vua chúa ngày xưa cần phải tuân thủ 4 bước quan trọng đó là: vẽ kiểu dáng, chọn lựa chất liệt vải và chỉ thêu, bước thứ ba là thêu chi tiết, bước cuối cùng là may thành bộ trang phục hoàn chỉnh.

Độc đáo làng nghề “thêu áo cho vua” ở ngoại thành Hà Nội - Ảnh 3.

Bà Phạm Thị Phà (39 tuổi, Thường Tín , Hà Nội) chủ một xưởng thêu ở làng Đông Cứu. Ảnh: Nguyễn Vân.

"Người thợ cũng như người họa sĩ, muốn có bộ trang phục đẹp thì khi vẽ phác họa người thợ cần phải có hồn, cần am hiểu về lịch sử, tín ngưỡmg hầu thánh của dân gian xưa. Ví dụ như để phục dựng lại một bộ trang phục hầu đồng người thợ phải am hiểu đặc trưng của ba mưới sáu giá áo đồng, mỗi giá áo nó có các chi tiết khác nhau như giá ông Hoàng thì thiên về họa tiết con rồng, giá mẫu thiên về phượng, giá cô thì thiên về hoa...", bà Phạm Thị Phà chia sẻ.

Theo như các nghệ nhân ở làng Đông Cứu, nghề thêu ở đây có nhiều kỹ thuật riêng như vừa thêu vừa phải nhồi đặc chỉ, vừa thêu xoắn lại vừa bắt nét sao cho các đường kim mũi chỉ đều mềm mại thì mới tạo ra các hình hoa, hình phượng tinh xảo và sắc nét được. Tuy nhiên, các kỹ năng đặc trưng này chỉ có những người thợ, người có tay nghề cao mới làm được.

Để phục dựng được một bộ trang phục làm thủ công bằng tay hoàn toàn, người thợ phải mất khoảng thời gian hai tháng mới hoàn thành, bởi quá trình phục dựng yêu cầu người thợ cần có tính tỉ mỉ, cầu kỳ từ các bước đầu tiên chọn vải, chọn chỉ thêu.

Cũng chính vì yêu cầu tính tinh xảo cao nên mỗi một trang phục khi làm ra có giá thành sẽ cao hơn các bộ trang phục làm bằng máy. Mỗi một bộ trang phục làm thủ công có giá dao động từ 20-25 triệu đồng, còn bộ trang phục làm bằng máy có giá từ 4-10 triệu đồng, tùy vào độ đặc biệt của trang phục.

Độc đáo làng nghề “thêu áo cho vua” ở ngoại thành Hà Nội - Ảnh 4.

Bộ long bào may cho vua Đổng Khánh được chính tay nghệ nhân Vũ Giỏi phục dựng lại và trưng bày tại nhà. Ảnh: Nguyễn Vân.

Nghề thêu giúp người dân ở làng có thu nhập kinh tế ổn định, chính vì vậy tại làng có một số lớp học dạy nghề cho các bạn trẻ muốn theo nghề của làng nhằm bảo tồn, lưu giữ nghề truyền thống ông cha để lại. Năm 2017, làng nghề đã được Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch công nhận nghề thủ công truyền thống làng Đông Cứu là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Người thổi hồn cho gấm vóc Cung đình Việt

Để làng nghề tiếp tục được tồn tại và phát triển đến nay không thể không nhắc đến một trong những cá nhân tiêu biểu có công trong cuộc khôi phục lại làng nghể chính là nghệ nhân Vũ Văn Giỏi ( 54 tuổi, Đông Cứu, Thường Tín, Hà Nội). 

Ông là hậu duệ của gia đình 6 đời làm nghề thêu truyền thống. Ông chia sẻ: "Năm 1992 tôi bắt đầu phục dựng lại những trang phục của thời phong kiến bằng cách tìm tòi, nghiên cứu về lối thêu của nghệ thuật cung đình và thậm chí cả những bộ trang phục được vua ban cho Thành Hoàng làng, những bộ trang phục đã bị thất truyền từ lâu".

Ông kể rằng, trong quá trình tìm kiếm tư liệu bản thân ông gặp nhiều khó khăn bởi vì trải qua bao biến cố của thời gian, những bộ trang phục của vua chúa, long bào... còn sót lại rất ít. Ngay cả những tài liệu, sách chép ghi lại cũng rất ít, những bức ảnh chụp lại thì phần lớn là ảnh đen trắng rất khó để nhận diện ra màu sắc và các chi tiết trong bộ trang phục. Vì thế, ông phải nghiên cứu tất cả những tài liệu còn sót lại, ông lặn lội đi tìm từ các cụ ngày xưa đã từng phục dựng để học hỏi và tìm hiểu lại lối thêu cổ xưa này.

Độc đáo làng nghề “thêu áo cho vua” ở ngoại thành Hà Nội - Ảnh 5.

Vũ Văn Giỏi (54 tuổi, Đông Cứu, Thường Tín, Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Vân.

"Ngày xưa toàn là ảnh đen trắng rất ít ảnh có màu, những cái áo thực, áo nguyên bản thì không còn, chính vì thế tôi phải mày mò đi tìm cách thêu sau đó dựa trên các ngũ sắc và cộng với những gì mà các cụ đã truyền lại tôi mới bước vào phục dựng lại được một bộ trang phục xưa" nghệ nhân Vũ Giỏi cho biết thêm.

Hoàn thiện một bộ trang phục vốn đã gian nan nhưng khi bắt tay vào quá trình thực hiện còn khó khăn hơn, bởi mỗi một bộ trang phục cần có một kỹ thuật thêu, nguyên vật liệu khác nhau. Từng màu chỉ thêu, từng đường kim, mũi chỉ, từng họa tiết nhỏ nhất cũng khiến nghệ nhân Vũ Giỏi mất rất nhiều thời gian, công sức để tìm hiểu ví dụ như khi thêu long bào của vua thì phải dùng chỉ thêu se hai chiều còn hoàng hậu chỉ được dùng loại chỉ se một chiều

Đến nay nghệ nhân Vũ Văn Giỏi đã phục dựng được hơn 30 bộ trang phục long bào, những tác phẩm này đều thể hiện chuẩn mực về mỹ thuật theo nguyên bản mẫu cổ. Có nhiều bộ trang phục được mang đi trưng bày khắp thế giới, một số bộ cung đình được bày ở bảo tàng Huế.

Khi được chúng tôi hỏi động lực nào thúc đẩy tinh thần ông vững bước trên con đường đầy gian nan để tìm tòi, kế thừa và phát huy những di sản của cha ông thì nghệ nhân Vũ Giỏi tự hào tâm sự rằng: "Đó là tôi trân quý những giá trị văn hóa dân tộc, thêm nữa trong con người tôi luôn có lòng khát khao được hồi sinh những bộ trang phục cung đình với mong muốn giới thiệu đến tất cả mọi người về nét đẹp văn hóa xưa kia ca cha ông ta".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem