Độc đáo: Lấy hoa hồng môn "nuôi" lan hồ điệp, thu xấp xỉ 10 tỷ

Thứ sáu, ngày 19/10/2018 19:30 PM (GMT+7)
Ở thị trấn Di Linh, huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) có Trang trại hoa Phú Sơn “thu kép” hàng năm trên dưới 10 tỷ đồng với hai loại hoa chủ lực là hoa hồng môn và lan hồ điệp. Trong đó cây hoa hồng môn là “xuất phát điểm” khởi nghiệp để đưa cây hoa lan hồ điệp về nuôi sống thành cây hoa thương phẩm xuất khẩu đạt giá trị kinh tế vượt trội.
Bình luận 0

Chơi lan rừng và khởi nghiệp 400 m2 hồng môn

Phóng viên đến Trang trại Nguyễn Phú Sơn ở thị trấn Di Linh, huyện Di Linh sau khi được UBND tỉnh Lâm Đồng chọn là một trong 6 mô hình hỗ trợ xây dựng liên kết chuỗi với 22 nông hộ trồng 8 ha hoa hồng môn từ huyện Di Linh mở rộng lên huyện Đức Trọng và huyện Lâm Hà.

Anh Nguyễn Phú Sơn, một nông gia đang ở ngưỡng tuổi “ngũ thập” tiếp phóng viên giữa khu vườn trang trại của mình rộng một ha chung sống 2 loài hoa chủ lực là hồng môn, hồ điệp bên cạnh hàng chục loài hoa lan rừng bản địa Tây Nguyên đang thời kỳ kinh doanh.

img

60.000 chậu lan hồ điệp của Trang trại Nguyễn Phú Sơn sản xuất theo hợp đồng mua hoa Tết Nguyên đán năm 2019. Ảnh: V.V

“Lan rừng là loài hoa đầu tiên sưu tầm về chăm sóc và trưng bày trong trang trại chúng tôi, mục đích thỏa mãn niềm yêu thích chơi hoa của mình. Lâu dần những người cùng chơi lan rừng trong huyện Di Linh đến trao đổi kinh nghiệm và cùng thảo luận đưa thêm giống hoa mới, công nghệ hiện đại vào trang trại sản xuất - kinh doanh nhằm đột phá thu nhập cho hộ gia đình. Kết quả, nông hộ chúng tôi quyết định chọn giống hồng môn cắt cành nhập về từ Hà Lan trồng trên diện tích 400 m2 ban đầu…”, nông gia Nguyễn Phú Sơn vào chuyện kể.

Để đưa giống hồng môn cắt cành về sản xuất trên 400 m2 vừa nêu, nông hộ Nguyễn Phú Sơn phải phá bỏ toàn bộ cây cà phê, bứng hết gốc rễ, cải tạo mặt bằng, phủ lên lớp giá thể rồi lắp đặt nhà kính, trong đó gồm hệ thống tưới nước phun sương, bón phân nhỏ giọt, lưới đen để điều tiết ánh sáng, nhiệt độ… với tổng chi phí ước khoảng 100 triệu đồng.

Trồng và chăm sóc đến 12 tháng sau mới bắt đầu đi vào thu hoạch hoa hồng môn cắt cành. Những tháng đầu “thu bói” đạt từ 1.000-1.500 cành. Từ tháng 3 trở đi, thu hoạch tương đối đều đặn với trên dưới 2.000 cành/tháng. Nhờ nghiên cứu trước kỹ thuật và kinh nghiệm chăm sóc hoa hồng môn từ nhiều nguồn khác nhau, nên sản lượng đầu tay như vậy là cơ bản đạt hiệu quả, tạo nền tảng ổn định quy trình canh tác ban đầu.

Tuy nhiên đây chỉ mới ổn định đầu vào. Trong khi khâu đầu ra đối với nông gia Nguyễn Phú Sơn lúc này hoàn toàn xa lạ, nếu chỉ quanh quẩn những khách hàng chơi hoa ở thị trấn Di Linh thì không thể có nhiều sản lượng để sản xuất hoa hồng môn đại trà.

Bởi vậy, nông gia Nguyễn Phú Sơn quyết định mang đi vài trăm cành hoa hồng môn xuống các chợ hoa đầu mối ở thành phố Hồ Chí Minh để chào hàng làm quen. Rất may những cành hoa hồng môn “đầu tay” chào hàng được nhiều chủ quầy ở đây nhận bán khá nhanh và tiếp tục đặt hàng với số lượng nhiều hơn.

Từ đó, Nguyễn Phú Sơn mạnh dạn mở rộng diện tích trồng hoa hồng môn liên tục vài năm sau đó và đạt tổng diện tích hơn 6.000 m2 nhà kính, trong đó phân bổ diện tích 4.000 m2 hồng môn cắt cành cùng 2.000 m2 hồng môn chậu. Tổng diện tích hồng môn này hiện vẫn duy trì ổn định và đạt năng suất ở mức cao nhất vào thời đầu tháng 10/2018 khi phóng viên đến tham quan.

Cụ thể, theo chủ Trang trại Nguyễn Phú Sơn, tổng doanh thu hồng môn trong một năm vừa qua gồm: 40.000 chậu, nhân với 70.000 đồng/chậu, thành tiền 2,8 tỷ đồng; 200.000 cành, nhân với 6.000 đồng/cành, thành tiền 1,2 tỷ đồng. Trừ mọi chi phí đầu tư khoảng 20%, còn lợi nhuận ròng khoảng 3,2 tỷ đồng.

Hồ điệp tăng thêm lợi nhuận 2,6 tỷ đồng/năm

“Nhưng doanh thu đột phá của trang trại chúng tôi bây giờ so sánh lan hồ điệp vẫn đang vượt trội nhiều lần so với hoa hồng môn”, chủ trang trại Nguyễn Phú Sơn kể tiếp và đưa phóng viên vào tham quan 3 căn nhà kính trồng lan hồ điệp giống Đài Loan với tổng diện tích 2.100 m2 xây dựng từ gần 7 năm trước.

Còn gần 4 tháng để đón Tết Nguyên đán 2019 cũng là lúc Trang trại hoa Nguyễn Phú Sơn phải cung cấp đủ 60.000 chậu lan hồ điệp theo hợp đồng với khách hàng Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và khách hàng ở Campuchia. So với Tết Nguyên đán năm 2018 thì số lượng lan hồ điệp Tết Nguyên đán năm nay ở Trang trại Nguyễn Phú Sơn tăng 20.000 chậu, tương đương 2,6 tỷ đồng.

img

Hoa hồng môn nhà kính đạt lãi 3,2 tỷ đồng/6.000m2/năm. Ảnh: V.V

Như vậy, trồng hoa hồng môn lấy lợi nhuận trồng lan hồ điệp chất lượng cao, Trang trại Nguyễn Phú Sơn đã thành công với tổng số lợi nhuận trên dưới 10 tỷ đồng/năm - khoản lợi nhuận mơ ước đối với nhiều trang trại trồng hoa công nghệ cao trong tỉnh Lâm Đồng.

Đặc biệt, Trang trại Nguyễn Phú Sơn còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp giống hoa hồng môn và bao tiêu sản phẩm lần lượt cho 20 nông hộ quanh vùng khoảng 50.000 cành/tháng, thành tiền khoảng 250 triệu đồng. Việc liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm hoa hồng môn trong năm 2019 và những năm kế tiếp,

Trang trại Nguyễn Phú Sơn tiếp tục khuyến khích nhân rộng ra các địa bàn huyện Đức Trọng, Lâm Hà nêu trên. Và giai đoạn chiến lược sau đó, chủ nhân Nguyễn Phú Sơn dự kiến tiếp tục chuyển giao kỹ thuật “trồng hồng môn nuôi hồ điệp” thu bạc tỷ cho những hộ nông dân liên kết trong và ngoài địa bàn huyện Di Linh theo nhu cầu.

Văn Việt (Báo Lâm Đồng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem