Độc đáo ngôi chùa cổ ở Thủ đô được tặng danh hiệu “toàn gia kháng chiến”
Độc đáo ngôi chùa cổ ở Thủ đô được tặng danh hiệu “toàn gia kháng chiến”
Phương Linh- Nguyễn Tùng
Thứ ba, ngày 25/10/2022 11:43 AM (GMT+7)
Nằm trên địa phận của ngôi làng "tiến sĩ" cổ nhất nhì Hà Thành, chùa Tư Khánh (Hà Nội) mang trong mình những di sản lịch sử và văn hóa đã xuất hiện từ lâu đời.
Clip về ngôi chùa cổ Tư Khánh. Thực hiện: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Chùa Tư Khánh thường được người dân gọi với cái tên chùa Vẽ, tọa lạc tại làng Đông Ngạc (nay là phường Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Chùa được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa quốc gia và khoanh vùng bảo vệ năm 1993. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Hiện chưa có thông tin chính xác năm ngôi chùa được xây dựng nhưng nơi đây vẫn bảo tồn tấm bia được khắc từ thời vua Lê Thần Tông (1653 - 1662), ghi chép về việc vợ chồng ông Nguyễn Phúc Ninh đã công đức, tu sửa lại chùa. Như vậy, chùa Tư Khánh có niên đại ít nhất 350 năm. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Trải qua mấy trăm năm tồn tại, chùa Tư Khánh đã được trùng tu nhiều lần. Nhiều ý kiến cho rằng, kiến trúc ngôi chùa hiện tại mang phong cách nghệ thuật kiến trúc của thế kỷ 18-19. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Đi qua chiếc cổng tam quan bề thế, du khách sẽ bắt gặp một khuôn viên rộng rãi, tràn ngập sắc xanh của thiên nhiên nhưng không hề đánh mất sự linh thiêng của một ngôi chùa. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Chùa Tư Khánh gồm 59 gian, xây dựng theo kiến trúc "nội công ngoại quốc" thường thấy tại những ngôi chùa cổ của Việt Nam. Các kiến trúc chính của chùa bao gồm: Gác chuông, Tam quan nội, tòa Tam bảo, Nhà Mẫu và Nhà Tổ. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Gác chuông của chùa là một nếp nhà một gian tạo kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái, với bốn phía xung quanh là bốn tháp mộ sư. Theo lời sư thầy tại chùa, bên trong gác chính là đại hồng chung - một pháp khí linh thiêng không thể thiếu của mỗi chùa, nặng tới 750kg được đúc từ đời Gia Long thứ 16 (1817). Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Phương đình chùa Tư Khánh được thiết kế theo hình chữ "Đinh" bao gồm nhà tiền đường rộng 3 gian 2 chái cùng toà Thượng điện được xây sâu bên trong với mái chồng diêm. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Việc bài trí tại Điện Phật tuân theo quy định nghiêm ngặt của đạo Phật. Dù được mệnh danh là "Chùa có ít tượng nhất" tại Hà Nội, song nơi đây vẫn lưu giữ được 5 pho tượng quý giá được tạo tác theo đặc trưng phong cách nghệ thuật thế kỷ 18 - 19. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Đặc biệt, phía bên phải của chùa có một vườn tháp mộ, nơi chứa xá lợi của các cao tăng hoặc di thể, vật dụng của các cao tăng, các sư trụ trì hoặc sa di sau khi họ viên tịch. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Ngoài đại hồng chung, chùa Tư Khánh hiện còn lưu giữ được nhiều bảo vật trân quý như: quả chuông từ thời Đại Khánh thứ 2 (1315), hai quả chuông được đúc thời Nguyễn và 3 bộ cửa võng, nhang án, hoành phi, câu đối được tạo tác tinh xảo. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Ngoại những giá trị to lớn về mặt tôn giáo, ít ai biết rằng chùa Tư Khánh còn có nhiều đóng góp rất lớn trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Theo đó, thượng toạ Thích Thanh Lộc ngày ấy đã cùng hai sư bác Thích Thanh Giang, Thích Thanh Diệu tham gia hỗ trợ kháng chiến, sau đó bị bắt giam ở nhà tù Hoả Lò và nhà tù Liễu Giai. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Hiện nay, chùa Tư Khánh là ngôi chùa duy nhất ở Hà Nội được phong tặng danh hiệu "Toàn gia kháng chiến". Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.