Trồng tre lục trúc, trước bán chả ai mua, nay thiên hạ săn lùng, anh này Thái Nguyên trúng lớn
Trồng bạt ngàn "thứ rau" mọc mầm trên rừng, trước anh này ở Thái Nguyên bán chả ai mua, nay người ta lại săn lùng
Hà Thanh - Kiều Hải
Thứ năm, ngày 16/06/2022 19:00 PM (GMT+7)
Năm 2014, anh Lâm Xuân Quang (ở Khe Cự, xóm Cây Thị, xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) bắt đầu bén duyên với cây tre lục trúc. Từ sản phẩm bán không ai mua, đến nay, măng tre lục trúc của anh Quang thu hoạch đến đâu bán hết đó.
Clip: Anh Lâm Xuân Quang - Giám đốc HTX nông sản Vạn Lộc, Khe Cự, xóm Cây Thị, xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ (tỉnh Thái Nguyên) chia sẻ về mô hình trồng tre lục trúc lấy măng, (Clip: Hà Thanh)
Bén duyên với măng lục trúc
Anh Quang chia sẻ, sau nhiều năm buôn bán, chạy chợ, năm 2014 anh bén duyên với măng lục trúc.
Ở thời điểm đó, hiệu quả kinh tế từ mô hình không cao vì người dân chưa biết về giá trị dinh dưỡng của măng lục trúc. Bên cạnh đó, giá măng lục trúc khá cao, trong khi có nhiều loại măng khác có giá rẻ hơn, nên người dân không mấy mặn mà.
Ban đầu, do không có đất nên anh Quang chỉ trồng với số lượng rất ít. Sau đó, anh vào xã Cây Thị để tìm hiểu điều kiện đất đai và vay tiền mua 1,8ha đất, rồi trồng măng lục trúc với quy mô lớn từ tháng 11/2017.
Tre lục trúc có nguồn gốc từ nước ngoài nên anh Quang phải sang tận Đài Loan để mua giống về trồng với số lượng 300 gốc. Tính cả chi phí vận chuyển về đến trong nước, số tre lục trúc giống lúc đó có giá lên tới 400.000 đồng/cây.
Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm nên toàn bộ số cây giống đều bị chết hết.
"Đã vay tiền mua đất và mua cây giống thì không thể dễ dàng bỏ cuộc như vậy được", anh Quang suy nghĩ.
Do đó, anh tiếp tục về Bắc Giang mua thêm mấy chục cây giống về trồng. Tuy nhiên, anh lại một lần nữa thất bại.
Không từ bỏ, anh Quang tiếp tục sang Đài Loan mua thêm 100 cây giống nữa về trồng với giá 200.000 đồng/cây.
Lần này, tỷ lệ sống đạt khoảng 70% nên anh đã quyết định nhân giống tiếp. Nhưng khi đã nhân giống với số lượng lớn và măng bắt đầu cho thu hoạch thì anh lại không thể tiêu thụ vì bán rẻ thì lỗ vốn mà bán đắt thì không ai mua.
Bởi vậy, anh quyết định mang đi cho chứ không bán. Anh Quang mang đi khắp các tỉnh thành, quán xá giới thiệu và cho khách ăn thử.
Bí quyết trồng tre lục trúc lấy măng
Sau một vài năm mang măng lục trúc đi trưng bày khắp nơi, đã có nhiều hộ kinh doanh, nhà hàng và một số cơ quan, đơn vị biết đến măng lục trúc. Từ đó, anh Quang đã tiếp tục nhân rộng và phát triển mô hình trồng tre lục trúc lấy măng.
Đến nay, anh Quang đã có khoảng 700 – 800 khóm tre lục trúc trên diện tích 4ha. Với mỗi hecta tre lục trúc sẽ cho sản lượng trung bình từ 15 – 17 tấn măng. Dù vậy, sản lượng măng nói trên vẫn không đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Tháng 3/2022, anh Quang thành lập HTX nông sản Vạn Lộc với tổng diện tích trồng măng lên tới 7ha để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Anh Quang cho biết, tre lục trúc phù hợp với thời tiết, khí hậu và đất đai vùng trung du miền núi Bắc Bộ. Loại cây này không phù hợp với điều kiện độ ẩm cao, những vùng đất bị ngập úng.
HTX nông sản Vạn Lộc chuyên về ươm thân cành, không trồng bằng thân gốc, nên các thành viên HTX sẽ tùy điều kiện để trồng.
Theo anh Quang, trồng tre lục trúc bằng thân gốc thì tỷ lệ sống chỉ đạt khoảng 20%. Còn nếu trồng tre lục trúc bằng thân cành đã đóng bầu sẵn thì tỷ lệ sống sẽ đạt trên 85%.
Chia sẻ về kỹ thuật trồng tre lục trúc lấy măng, anh Quang cho biết, anh lựa chọn thời điểm chiết cành từ tháng Giêng đến hết tháng 7 âm lịch. Còn thời điểm thu hoạch măng từ cuối tháng 3 đến hết tháng 9 âm lịch.
Năm nay, anh chiết được khoảng 1,5 vạn cây giống. Hiện mỗi cây giống được anh Quang bán với giá 120.000 đồng/cây.
Anh Quang chia sẻ, kỹ thuật chăm sóc tre lục trúc tương đối cao, quan trọng nhất là việc xử lý đất. Mỗi năm, người trồng cần xử lý đất từ 1 - 2 lần, vì đất thường nhiễm nhiều loại nấm bệnh sau mỗi lần thu hoạch.
Sau khi thu hoạch măng, người trồng sử dụng vôi và nước muối để khử khuẩn và ủ. Đến khoảng tháng 12, người trồng bón thúc bằng phân chuồng và mùn để đến tháng 3 lại thu hoạch măng tiếp.
Lần bón phân tiếp theo tùy thuộc vào sự sinh trưởng của cây và sản lượng măng thu hoạch được. Ngoài bón phân chuồng, người trồng có thể kết hợp bón phân tổng hợp để kích thích sự phát triển nhanh của cây.
Nên thu hoạch măng lục trúc ngay khi măng vừa nhú khỏi mặt đất. Ngoài ra, nên thu hoạch măng vào ban đêm để tránh ánh nắng mặt trời, đảm bảo măng giữ được độ ngọt. Lưu ý, khi vừa thu hoạch, cần ngâm măng vào nước ngay và rửa sạch sẽ, rồi bảo quản lạnh.
Do đó, để đảm bảo chất lượng măng lục trúc, HTX đã xây dựng kho lạnh để bảo quản sau khi thu hoạch măng rồi chế biến tùy theo nhu cầu của khách hàng.
Bên cạnh đó, HTX nông sản Vạn Lộc còn thu mua và bao tiêu toàn bộ sản phẩm của bà con trên địa bàn và một số địa phương lân cận.
Măng lục trúc, từ bán không ai mua đến không đủ hàng để bán
Hiện tại, HTX chủ yếu bán măng lục trúc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và Hà Nội nhưng vẫn không đủ hàng để bán. Măng lục trúc thu hoạch đến đâu bán hết đến đó.
Ngoài xuất bán sản phẩm thô như măng sơ chế bóc tươi, măng nguyên vỏ, HTX còn chế biến măng lục trúc thành măng bóc vỏ, măng hấp chín, măng ớt, nộm măng, măng chua cay… rồi đóng gói, hút chân không, xuất bán ra thị trường.
So với trồng các loại măng khác, măng lục trúc cho sản lượng cao hơn hẳn. Trung bình mỗi năm, gia đình anh Quang thu hoạch được khoảng 60 tấn măng tươi.
Hiện gia đình anh đang có khoảng 6 lao động thường xuyên với mức thu nhập trung bình từ 6 – 7 triệu đồng/người/tháng.
Theo anh Quang, chỉ tính riêng trong năm 2021, gia đình anh có thu nhập gần 1 tỷ đồng từ 4ha măng lục trúc, sau khi đã trừ hết chi phí.
Dự kiến trong năm 2022, khi cây măng đã phát triển ổn định và cho sản lượng măng lớn hơn, gia đình anh có thể thu từ 1,5 – 1,7 tỷ đồng/năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.