Độc lạ SEA Games: Chủ nhà "cài cắm" môn võ khiến VĐV đua nhau... nhập viện

Long Nguyên Chủ nhật, ngày 30/04/2023 16:10 PM (GMT+7)
Trong các môn võ thuật từng xuất hiện tại SEA Games, Tarung Derajat chắc chắn là môn có tính chất bạo lực cao nhất khi mỗi trận đấu là một cuộc chiến đến mức không còn tinh thần thể thao thuần túy.
Bình luận 0

Tarung Derajat có tiêu chí là… hạ gục đối thủ

Những CĐV trong khu vực Đông Nam Á chẳng còn lạ gì việc các nước chủ nhà thường "nhồi nhét" những môn thể thao thế mạnh hoặc mang tính truyền thống vào chương trình của SEA Games khi họ là chủ nhà. Nhưng việc môn Tarung Derajat cũng được lựa chọn thực sự là điều rất khó hiểu mà Indonesia đã làm bằng được vào năm 2011.

Tarung Derajat có tiếng Anh là AA Boxer. Môn võ này có sự hòa trộn của rất nhiều môn võ khác như Pencak Silat, Muay Thái, Kick-boxing, Karatedo, Taekwondo… Tuy nhiên, điểm "độc đáo" của Tarung Derajat là môn võ này hội tụ tất cả những miếng đánh hiểm độc, tàn bạo nhất và thậm chí là cả việc bị cấm sử dụng của tất cả các môn võ trên.

Độc-lạ SEA Games: Tarung Derajat biểu diễn ít, triệt hạ nhiều - Ảnh 1.

Tarung Derajat là môn võ có tính triệt hạ nhiều hơn biểu diễn. Ảnh: Tempo

Trong lịch sử của Indonesia, Tarung Derajat được dùng để… đánh giặc chứ mục đích ban đầu không phải dành cho thi đấu. Vì tiêu chí hàng đầu là chiến đấu không khoan nhượng nên dĩ nhiên, mỗi khi xung trận, nhiệm vụ của các chiến binh hoặc võ sĩ là phải "hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn" đối thủ trong thời gian càng sớm càng tốt. Nói tóm lại, Tarung Derajat có tính sát thương rất cao và chẳng phù hợp với một đại hội thể thao như SEA Games.

Ít ai biết, tổ sư của Tarung Derajat là Achmad Daradjat vốn xuất thân là một võ sĩ đường phố. Do đó, môn võ này không có nhiều tinh thần thi đấu thể thao cao thượng mà đã "chiến" là phải thể hiện tính triệt hạ đến tối đa.

Chẳng phải ngẫu nhiên Tarung Derajat dù cũng là môn võ truyền thống tại Indonesia nhưng không thể có được tính phổ cập như Pencak Silat. Dẫn chứng cụ thể là ngay ở thủ đô Jakarta của Indonesia, trong khi Pencak Silat được đưa vào trường học, thu hút đông đảo người luyện tập thì Tarung Derajat có phần bị quên lãng do luật lệ thi đấu quá khốc liệt.

Tại SEA Games 26 ở Indonesia năm 2011, nước chủ nhà đã cố gắng bằng mọi cách để đưa Tarung Derajat vào chương trình thi đấu. Dù Indonesia đã cố gắng loại bỏ một số đòn đánh nguy hiểm như lên gối, thúc cùi chỏ vào chỗ hiểm, nhưng các đoàn thể thao khác vẫn tỏ ra e ngại. Cuối cùng, Indonesia "xuống nước" bằng quy định đây là môn võ biểu diễn chứ không tranh huy chương.

Độc-lạ SEA Games: Tarung Derajat biểu diễn ít, triệt hạ nhiều - Ảnh 2.

Những trận đấu Tarung Derajat thường không dành cho các CĐV yếu tim. Ảnh: Focusjabar

Mang tiếng là "biểu diễn", nhưng khi lên sàn đấu, các võ sĩ không thể ra đòn theo kiểu hòa nhã mà họ phải thi đấu theo kiểu "một mất, một còn" thực sự. Chính vì vậy, sau mỗi trận đấu Tarung Derajat, người thua cuộc thường bị chấn thương không hề nhẹ và rất nhiều võ sĩ phải nhập viện.

Trong các trận đấu Tarung Derajat, các bác sĩ rất căng thẳng vì họ phải sẵn sàng để can thiệp cho võ sĩ bị thương bất cứ lúc nào. Ngoài đoàn Indonesia, các đội khác cũng tỏ ra không hào hứng vì họ hầu hết là võ sĩ chuyển từ môn khác sang. Bên cạnh đó, các võ sĩ của những đoàn đến Indonesia dự SEA Games 26 cũng phải cẩn trọng tối đa vì họ không muốn triệt hạ đối thủ, nhưng đồng thời phải giữ mình ở mức tốt nhất để tránh bị chấn thương nặng, ảnh hưởng đến sự nghiệp tại môn võ sở trường của bản thân. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem