Vì sao thiếu điện và lý giải của nguyên Chủ tịch EVN

Ông Đào Văn Hưng, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Thứ tư, ngày 21/06/2023 16:17 PM (GMT+7)
Ngành điện phát triển rất nhanh trong giai đoạn 2000 - 2020, nhưng vì sao thiếu điện. Nguyên nhân thiếu điện và giải pháp khắc phục được ông Đào Văn Hưng - nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chia sẻ về những nguyên nhân và đưa ra một số giải pháp.
Bình luận 0
LTS: Dân Việt xin trích đăng bài viết của ông Đào Văn Hưng, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Đây là quan điểm của tác giả và Báo Dân Việt kính mời bạn đọc là chuyên gia, doanh nghiệp có bài viết bày tỏ quan điểm và gửi về báo. Ban Biên tập báo NTNN/Dân Việt sẽ rất trân trọng.

Ngành Điện Việt Nam xây dựng và phát triển dựa trên các tổng sơ đồ điện (TSĐ). Đây là cách làm bài bản, khoa học, do một Viện chuyên ngành tiến hành khảo sát nhu cầu điện từng giai đoạn 5-10 năm của từng ngành kinh tế, từng khu đô thị, theo qui hoạch phát triển kinh tế, các khu công nghiệp, phát triển đô thị, nông thôn, của từng vùng miền.

Căn cứ quan trọng nhất là Nghị Quyết của Đại hội Đảng toàn quốc từng nhiệm kỳ có ghi cụ thể định hướng phát triển điện lực từng thời kỳ. Các cơ quan chức năng thẩm định kỹ dự thảo TSĐ, lấy ý kiến địa phương. Sau khi thống nhất cao, trình Chính Phủ ký ban hành TSĐ điện. Đến nay đã thực hiện qua 7 TSĐ điện.

Được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ của nhân dân, ngành điện (bao gồm EVN và các đơn vị ngoài EVN) đã vượt qua nhiều khó khăn để duy trì và ổn định đến ngày hôm nay.

Trước hết phải kể đến nguồn vốn của Nhà nước cấp cho giai đoạn đầu (từ 1993 doanh nghiệp tự vay tự trả có bảo lãnh của Chính phủ), sự giúp đỡ của Ngân hàng Thế Giới (WB); Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), tổ chức SIDA của Thụy Điển, vốn ODA & vay thương mại của nhiều nước Nhật, Trung Quốc, Nga, Đức, Pháp, Hàn Quốc,… Đặc biệt là sự hỗ trợ của các ngân hàngtrong nước như VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank.

Chính nhờ sức mạnh tổng hợp đó, nên giai đoạn 2000-2020, ngành điện phát triển rất nhanh. Theo đó, từ chỗ "nghèo" điện, không đủ điện cho các bệnh viện, trường học; cắt điện luân phiên khiến nhà máy xí nghiệp phải đóng cửa. Điện năng bình quân đầu người trước năm 2000 chỉ khoảng 200-500 kwh/đầu người. Chỉ số điện năng lúc đó gần như thấp nhất trong 10 nước ASEAN. Sau 20 năm, điện bình quân đầu người tăng rất nhanh lên 2500kwh; Cung cấp điện ổn định hơn mười năm qua và có lãi. Ngành điện Việt Nam từng bước vươn lên mạnh mẽ với 426 nhà máy điện của các nhà đầu tư khác nhau, đưa công suất đặt lên đến 79.000MW, đứng trong nhóm 29 nước có điện lực phát triển nhất của thế giới và đứng đầu trong ASEAN.

Điện phát triển nhanh, vì sao thiếu điện và lý giải của nguyên Chủ tịch EVN - Ảnh 2.

Về cơ bản EVN đã hoàn thành nhiệm vụ được giao trong TSĐ điện 7 và 7 hiệu chỉnh,

Câu hỏi đặt ra, điện phát triển nhanh vì sao thiếu điện?

Căn cứ pháp lý quan trọng nhất để đối chiếu và đánh giá điện thừa hay thiếu là dựa vào TSĐ điện 6&7. Nguyên tắc xây dựng TSĐ điện là phải cân bằng cung cầu điện và có dự phòng 10-15%.

Về nhu cầu điện: Có thể thấy tăng liên tục (trừ 2 năm đại dịch Covid-19), do các nguyên nhân.

Thứ nhất, nhờ chính sách mở cửa của Nhà nước, khuyến khích các cơ sở sản xuất trong nước phát triển - đây là điều rất đáng mừng.

Hai là, do giá điện Việt Nam rẻ nên nhà đầu tư nước ngoài đem các thiết bị tiêu thụ nhiều điện sang Việt Nam lắp đặt như các nhà máy sản xuất sắt thép, hóa chất, xi măng, phân bón, dệt may,… Chính vì vậy, hệ số đàn hồi của Việt Nam kém (2012 là 2,27 lần; 2021 là 1,49 lần) trong khi các nước khác xấp xỉ 1 hoặc < 1). Hiểu một cách nôm na là hiệu quả sử dụng điện của Việt Nam thấp, các nước sử dụng 1 điện thì ra 1 giá trị sản phẩm, trong khi Việt Nam từ 1,49 đến 2,27 điện mới ra 1 giá trị sản phẩm.

Ba là, do điều kiện sống nhân dân được cải thiện đáng kể, các thiết bị dùng điện của hơn 27 triệu hộ dùng điện ngày càng nhiều.

Bốn là, hầu hết các hộ gia đình từ thành thị đến nông thôn đều bỏ các nguồn nhiên liệu truyền thống như củi, rơm rạ, than tổ ong, ga chuyển sang dùng điện vì rẻ, thuận tiện và sạch, đun nấu nhanh.

Giai đoạn 2000-2020, nhu cầu điện tăng rất cao bình quân 10-14%/ năm. Trước tình hình đó Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) đề xuất cấp trên điều chỉnh TSĐ 6; xin chuyển các nhà máy điện dự kiến xây dựng sau 2010 trong TSĐ 6 lên xây dựng sớm hơn, nhờ vậy mới kịp đáp ứng nhu cầu điện.

Đồng thời, thực hiện TSĐ 7 hiệu chỉnh từ 2010 – 2020, có xét đến 2030. EVN được giao xây dựng 21 nhà máy điện, tổng công suất phải lắp đặt 8615 MW, chủ yếu là các dự án qui mô lớn như thủy điện Sơn La, Lai Châu…. Đến nay đã xây dựng xong đưa vào vận hành 17 nhà máy. Trong đó, 2 nhà máy Omon 3&4 mua khí lô B để phát điện cung cấp cho miền Nam, đã lập xong báo cáo nghiên cứu khả thi từ 2012 nhưng do dự án khí lô B (có liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài không thuộc thẩm quyền điều hành của EVN) bị dừng nên chưa thể xây dựng được. Năm 2022, EVN lỗ lớn, khả năng vay vốn đầu tư khó, nên dự kiến chuyển cho đơn vị khác làm chủ đầu tư.

Về cơ bản EVN đã hoàn thành nhiệm vụ được giao trong TSĐ điện 7 và điện 7 hiệu chỉnh. Đến nay chỉ còn 2 dự án thủy điện mở rộng, qui mô nhỏ, đang khẩn trương xây dựng như thủy điện Hòa Bình mở rộng 480 MW bị sự cố địa chất nên năm 2025 sẽ xây dựng xong và thủy điện Yaly mở rộng 360 MW, đến năm 2024 sẽ vào vận hành.

Với các dự án giao cho các nhà đầu tư ngoài EVN đến năm 2023, hiện có 110 danh mục nhà máy với tổng công suất khoảng 34.000 MW. Đến nay các nhà đầu tư ngoài EVN đã thực hiện xong và đưa vào vận hành tổng công suất đặt khoảng 8.000 MW, góp phần quan trọng trong cung cấp điện. Như vậy còn trên 30-40 nhà máy, với tổng công suất chưa xây dựng là khoảng 26.000 MW.

Về khả năng cung cấp điện: Từ 2010 đến 2021, EVN đều cung cấp đủ điện và 1 số năm có dự phòng lên đến 15%. Có lãi liên tục nhưng tỷ suất lợi nhuận thấp < 1%.

Việc thiếu điện trong thời gian gần đây, ngoài lý do thiên tai, có lý do từ con người. Đó là, việc chưa xây dựng 26.000 MW theo như kế hoạch trong TSĐ điện 7 (như đã nêu trên).

Riêng tại miền Bắc có 27 danh mục dự án nhà máy chưa xây dựng, tổng công suất 7.800MW. Nếu những nhà máy đó xây dựng đúng tiến độ TSĐ 7, có thể nói miền Bắc không bị cắt điện (công suất thiếu giờ cao điểm khoảng 4000MW) kể cả các hồ thủy điện xuống mực nước chết. Hệ lụy này đáng báo động, nếu như không muốn nói là thảm họa, bởi lượng công suất này sẽ tiếp tục gây thiếu điện ngày một lớn hơn, diện rộng hơn cho đến khi nào các dự án này xây dựng xong (thời gian xây dựng 4-5 năm trở lên nếu như mọi thứ đều trôi chảy).

Việc nhiều nhà máy chưa đầu tư cũng dễ hiểu, do không thu xếp được vốn. Lý do không thu xếp được vốn là do giá điện thấp, không cân đối được dòng tiền; các chỉ tiêu kinh tế của dự án đều thấp, không có khả năng thu hồi vốn thì ngân hàng không cho vay. Ngoài ra nhà đầu tư còn tính toàn nhiều rủi ro khác như đền bù đất đai, thời gian phê duyệt dự án kéo dài, trượt giá, đặc biệt 1 số địa phương không cho xây dựng nhà máy nhiệt điện than do sợ ô nhiễm nên chậm đầu tư là điều khó tránh khỏi.

Giải pháp khắc phục thiếu điện

Về giải pháp khắc phục thiếu điện, đối với El Nino, theo chuỗi thủy văn thì sau vài chục năm xuất hiện 1 lần cũng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Kinh nghiệm 1 số quốc gia có nhiều thủy điện như Nauy gần 100%, New Zealand khoảng 90%, Canada khoảng 70% thì họ phải xây dựng nguồn điện dự phòng. Ở những nước này dân sẵn sàng trả tiền phần công suất dự phòng đấy nhưng cũng rất đắt. Theo tính toán sơ bộ nếu xây dựng 1 nhà máy chạy dầu DO công suất 4.000 MW bù đắp công suất thiếu hụt do El Nino có tổng chi phí khoảng 4 tỷ USD, giá điện khoảng 18 cent/kWh.

Về phương án xây dựng đường dây tuyền tải điện, trước đây Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng đường dây siêu cao áp 500kV đầu tiên. EVN nhờ đó đã xây dựng thành công thêm 2 đường dây 500kV mạch 2&3 đang phát huy tác dụng rất tốt.

Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp về truyền tải vừa qua cho thấy cần nghĩ đến một phương án mới, có thể nghiên cứu xây dựng sớm đường dây siêu cao áp một chiều 800-1000 kV để hỗ trợ điện Bắc- Nam. Tính toán sơ bộ tổng chi phí cho đường dây này một chiều khoảng 4,5 tỷ USD, tải được công suất khoảng 6.000 MW. Sau này theo tính toán TSĐ điện 8, khi công suất hệ thống điện lên đến 150.000 MW (vào năm 2030), thì tất yếu phải có các đường dây này.

Với các dự án nguồn điện chưa được xây dựng trong TSĐ điện 7 và điện 7 hiệu chỉnh, cơ quan chức năng cần tổ chức hội thảo lắng nghe ý kiến chủ đầu tư để xem đâu là những vấn đề bị tắc nghẽn từ lâu mà chưa có giải pháp, đâu là những vấn đề thuộc trách nhiệm chủ quan của chủ đầu tư để từ đó có giải pháp xử lý dứt điểm từng dự án.

Điện phát triển nhanh, vì sao thiếu điện và lý giải của nguyên Chủ tịch EVN - Ảnh 4.

Triển khai nhanh thị trường điện cạnh tranh cũng là một giải pháp quan trọng để thúc đẩy đầu tư. (Nguồn: Vietnam+)

Triển khai nhanh thị trường điện cạnh tranh cũng là một giải pháp quan trọng để thúc đẩy đầu tư. EVN là doanh nghiệp Nhà nước được giao nhiệm vụ cấp điện cho dân nên phải tích cực xây dựng nguồn và lưới điện theo đúng TSĐ điện và mua điện kể cả giá cao. Cụ thể giá điện mặt trời 9,35 cent/kWh = 2.200 đồng/1kWh, trong khi giá bán lẻ điện bình quân là 1.882 đồng/kWh, lỗ 318 đồng/kWh và khi thiếu điện phải huy động hết tất cả các nguồn điện chạy dầu DO&FO, với giá thành từ 2.500-4.000 đồng/kWh.

Nhưng với các doanh nghiệp ngoài EVN thì hoàn toàn khác. Phải giải cho được bài toán lợi nhuận thì họ mới làm, điều đó không có gì đáng trách. Bởi vấn đề lớn mà các chủ đầu tư thường hay than vãn đó là việc đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp khi giá điện đầu ra thấp quá, không có lãi thậm chí lỗ; trong đó có 2 nhà máy BOT chạy than nhập khẩu chào giá 14-18 cent/kWh, giá quá cao, nhiều lúc phải dừng. Nếu là doanh nghiệp Nhà nước thì sẽ bị xử lý trách nhiệm. Cụ thể hơn là giá đầu ra phải theo thị trường, vấn đề này phải được người dùng điện đồng thuận, theo nguyên tắc lợi ích hài hòa.

Tóm lại, có thể tạm gọi EVN là con chim đầu đàn trong việc cung cấp điện, đánh gãy cánh thì hậu quả khó lường. Lúc này hơn lúc nào hết, chúng ta cần các giải pháp đặc biệt. Có ý kiến cho rằng "cắt điện giống như cháy nhà", nếu lối ví von đấy là đúng, thì cộng đồng hãy chung tay cứu đám cháy, phải khuyến khích các nhà đầu tư, hãy đừng chỉ trích họ (như chỉ trích EVN hiện nay) mà trải thảm mời họ vào xây dựng. Như vậy, may ra mới cứu được hệ thống điện đang dậm chân tại chỗ, trong khi nhu cầu tăng trưởng không ngừng của Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem