Cuốn sách "Đọc Radio" vừa được phát hành vào dịp đầu năm với sự hợp sức của Ban Văn học nghệ thuật (VOV6) - Đài Tiếng nói Việt Nam và Nhà xuất bản Văn học. Ấn phẩm là tập hợp những tác phẩm đặc sắc trong các chương trình phát thanh có thương hiệu của Ban Văn học Nghệ thuật, Đài Tiếng nói Việt Nam sau một chặng đường dài.
Cái tên "Đọc Radio" để lại nhiều ấn tượng cho độc giả ngay khi cầm vào cuốn sách. Chia sẻ với PV Dân Việt, nhà báo Trần Nhật Minh, Trưởng ban Văn học Nghệ thuật (VOV6) cho biết: "Radio là để nghe, còn đây là Đọc Radio, nghĩa là ta đọc lại những tác phẩm đã được nghe trên sóng phát thanh.
Cái tên này nảy ra bất ngờ khi tôi đang ngồi bàn ý tưởng thiết kế bìa cho chính ấn phẩm này cùng với họa sỹ. Khi đó, tôi chợt nghĩ đến một chuyên mục trước đây mình đã đặt cho mục điểm báo trên sóng phát thanh: "Nghe báo". Cũng bởi vậy, tôi bật ra cái tên ngược lại là Đọc Radio. Khi tôi nói ra, mọi người chốt: Không còn cái tên nào hay và độc hơn thế!"
Gần 500 trang sách chứa nhiều tác phẩm ở những giai đoạn khác nhau giúp độc giả hình dung phần nào những chặng phát triển của văn chương, nghệ thuật. Bên cạnh những tên tuổi gạo cội như Nguyễn Huy Thiệp, Hữu Thỉnh, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa..., cuốn sách còn có sự góp mặt của những cây viết nổi tiếng ở thế hệ sau như Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, Lữ Mai... Sự xuất hiện của họ đã góp phần tạo nên một loạt chương trình phát thanh đi vào ký ức của độc giả: Tiếng thơ, Sân khấu truyền thanh, Đọc truyện đêm khuya...
Trong "Đọc Radio", sự phong phú và đa dạng về cả thể loại lẫn nội dung được thể hiện rất rõ. Người đọc có thể lựa chọn tác phẩm theo từng thể loại như truyện ngắn, tùy bút, tản văn, thơ, kịch bản sân khấu truyền thanh, tư liệu văn học... trong đó nhiều mục được đặt tên tương đồng hoặc trùng khớp với các chương trình phát thanh trên sóng.
Với nhà báo Trần Nhật Minh, các trang sách trong "Đọc Radio" là "sự tri ân những người viết đã luôn tin cậy gửi gắm tác phẩm của mình cho làn sóng phát thanh văn nghệ; những thính giả chung thủy chung tình không những luôn ủng hộ mà còn "nghiêm khắc" với các chương trình; những thế hệ cán bộ, phóng viên, nghệ sỹ, kỹ thuật viên đã góp phần làm nên hình ảnh đẹp lâu bền của phát thanh Văn nghệ".
Sau "Đọc Radio", những người làm VOV6 đang ấp ủ nhiều dự định trong việc đa dạng hóa hình thức truyền tải các sản phẩm của mình. Nhà báo Trần Nhật Minh khẳng định: "Chúng tôi đang thay đổi các chuyên mục, cách chọn tác phẩm, cũng như ưu tiên các tác giả trẻ, tiệm cận các xu hướng văn nghệ.
Các chương trình tương tác hơn với thính giả và phục vụ nhu cầu của người nghe. Hiện tại, các chương trình Văn nghệ đã được đưa lên nhiều nền tảng. Trong đó, "Đọc truyện đêm khuya" đã đạt nút Bạc trên YouTube, đang tiến tới nút Vàng. Chúng tôi sẽ phát huy đưa công nghệ vào những sản phẩm tiếp theo, có thể là những cuốn sách nói…"
"Sự xuất hiện của công nghệ hiện đại đang góp phần "giết" văn hoá đọc, báo giấy, sách bị giảm thị phần. Nhà văn, nghệ sỹ nhiều người chuyển sang viết cho báo điện tử, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng tác phẩm.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn nhận được sự cộng tác của các văn nghệ sỹ giàu tâm huyết, nhiệt thành với văn chương, nghệ thuật nước nhà. Họ vẫn có những thính giả, độc giả trung thành, nhờ đó mà cảm hứng viết vẫn dào dạt trong họ. Chúng tôi làm cuốn "Đọc Radio" cũng mong muốn góp một phần nhỏ trong việc đánh thức tình yêu dành cho văn chương, nghệ thuật, nhất là với lớp trẻ ngày nay" - nhà báo Trần Nhật Minh chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.