Đọc sách cùng bạn: "Cách nhìn cuộc đời thanh thản"

Phạm Xuân Nguyên Thứ sáu, ngày 09/10/2020 08:00 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay tôi cùng bạn đọc tập truyện ngắn "Nằm vạ" của nhà văn Bùi Hiển (1919 – 2009).
Bình luận 0

Đây là một cuốn sách nằm trong bộ sách "Việt Nam danh tác" của Nhã Nam, in lại theo bản in lần đầu năm 1941 ở nhà xuất bản Đời Nay của Tự Lực Văn Đoàn. Cuối sách có một số hình ảnh của bản in hồi đó.

NẰM VẠ

Tác giả: Bùi Hiển

Nhã Nam & Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2017

Số trang: 143

Số lượng: 2000

Giá bán: 48.000

Tập truyện ngắn đầu tay "Nằm vạ" (1941) đã đưa vào văn xuôi Việt Nam buổi đầu hiện đại một giọng điệu văn chương mang tên Bùi Hiển. Trước đó, vào cuối năm 1940, cái truyện mang tên chung cả tập này đã được đăng trên tờ Ngày Nay của Tự Lực Văn Đoàn với lời giới thiệu (chapeau) của nhà văn Thạch Lam: "Ông Bùi Hiển, tác giả truyện ngắn "Nằm vạ" đã miêu tả rất đúng vài nhân vật thôn quê. Đó là bức tranh có giá trị về cảnh sinh hoạt trong làng xóm. Lối viết của ông giản dị và mạnh mẽ, thoáng qua một chút duyên kín đáo và có nhiều nhận xét tinh vi". 

Sau khi tập truyện ra đời, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan đã đưa Bùi Hiển vào bộ sách Nhà văn hiện đại của mình và nhận xét: "Những nhân vật của Bùi Hiển đều dùng tiếng thổ âm làm cho những truyện của ông không giống truyện của một nhà văn nào khác. Ngôn ngữ và cử chỉ của họ tạo nên một dấu ấn riêng, không ai nhầm lẫn được". 

Hai ý kiến đó của hai nhân vật văn học nổi tiếng đương thời đã ghi nhận ngay từ đầu sự đóng góp và cái riêng của Bùi Hiển cho văn xuôi hiện đại Việt Nam thời kỳ 1932 – 1945, khi tác giả chỉ mới 22 tuổi. Nhà văn xuất thân ở một vùng quê xứ Nghệ này đã làm xuất hiện trên trang viết của mình những phong tục, tập quán, những cảnh ngộ, tâm tính của người nông dân bắc miền Trung với một lối viết giản dị, ấm áp, xen chút vui vẻ nhẹ nhàng. 

Như truyện làm tên chung cả tập kể chuyện một chị vợ tên là Đỏ giận chồng nên nằm vạ trong buồng ngủ, tưởng chơi hóa thật, bị bỏ đói, may nhờ có chum khoai khô để cầm hơi, đến khi làm hòa với chồng thì nhân một bữa về nhà mẹ đẻ lén lấy một ít khoai mang về bỏ đầy lại vào chum. Đọc truyện thấy cảnh đời sống thực, tình thực một cách chất phác. 

Hay như truyện "Ma đậu", nhân vật là chị Đỏ Câu lấy chồng mà chê chồng, gặp lúc làng bị dịch bệnh, anh chồng lập mưu nhờ một người làng giả làm ma dịch đi bắt người đã khiến chị vợ phải chịu vào ngủ với anh chồng. Đọc truyện này khi vừa mới ra, lại cũng chính Vũ Ngọc Phan đã cho đó là một truyện tuyệt hay mô tả được "cả những cái hủ lậu, mê tín của người dân quê xứ Nghệ lẫn cái tinh quái ranh mãnh của họ".

Đọc sách cùng bạn: "Cách nhìn cuộc đời thanh thản" - Ảnh 2.

Đó chính là cái mới Bùi Hiển đem đến cho văn xuôi nước nhà đầu thập niên 40 thế kỷ XX. Trước ông, nhân vật là các chàng nàng ở thành thị trong văn xuôi lãng mạn của các tác giả Tự Lực Văn Đoàn hay những người nông dân nghèo khổ vùng đồng bằng Bắc Bộ trong văn xuôi của các tác giả theo phái hiện thực. Nói chung trong văn học hồi ấy còn thiếu vắng hình bóng những người dân quê ở các vùng miền khác ngoài Bắc Bộ. 

Tập truyện "Nằm vạ" của Bùi Hiển đã bổ sung vào đó những nhân vật nông dân vùng quê Nghệ An được tác giả mô tả và thể hiện từ những quan sát cuộc sống hàng ngày quanh mình tại quê mình. Đó là những người dân quê Trung Bộ chất phác, hiền lành, sống một cuộc sống còn gắn nhiều với tự nhiên và bản năng, bị vây bọc trong một môi trường phong tục tập quán còn nhiều tín ngưỡng dân gian. 

Bùi Hiển không phải quan sát cuộc sống của họ để khi viết văn thì phản ánh nó. Ông đã sống nó, cuộc sống của các nhân vật cũng chính là cuộc sống của ông. Như chính ông đã thú nhận, các nhân vật trong tập truyện đều có nguyên mẫu ngoài đời, và nằm vạ là một chuyện có thật ông đã từng chứng kiến. Chính vì thế các truyện trong tập tạo cho người đọc cảm giác gần gũi, sống thực. Người đọc thích thú có cảm giác hương lạ (exotique) của một vùng quê chưa từng biết, được hiểu thêm những tập tục khác lạ, và được truyền thêm những tình cảm, cảm xúc mới mẻ. 

Khác với anh Pha ("Bước đường cùng" của Nguyễn Công Hoan), chị Dậu ("Tắt đèn" của Ngô Tất Tố), Chí Phèo (truyện cùng tên của Nam Cao), các nhân vật nông dân của Bùi Hiển yên phận sống cuộc sống của họ trong một khí hậu làng quê có tự lâu đời. Họ là những con người bình thường, nhỏ nhoi. Họ sống trong cái vũ trụ làng xóm với giăng mắc các mối quan hệ truyền thống. Họ nghèo khổ, lạc hậu, sống thiên về bản năng, nhưng ở họ vẫn có niềm vui sống hồn nhiên mà mạnh mẽ. Giá trị của tập truyện "Nằm vạ" trước hết là ở nội dung này. Có lẽ vì thế nên Vũ Ngọc Phan đã xếp Bùi Hiển vào mục các nhà văn viết về phong tục.

Nhưng giá trị đó lại được khẳng định bằng nghệ thuật viết văn của tác giả. Các truyện trong "Nằm vạ" được viết linh hoạt, sinh động nhờ tác giả biết lựa chọn chi tiết, tạo tình huống, và chọn được giọng điệu nhẹ nhàng, vui vui, khiến đọc truyện thấy ấm áp. Có thể nói văn phong của Bùi Hiển là chân thật, tự nhiên và được định hình ngay ở tác phẩm đầu tay. Cái làng biển trong tập truyện chính là cái làng của tác giả và ông đã mô tả hiện thực của nó "đúng như nó có với với cách nhìn thiện cảm, thân thiết và một nụ cười vui", theo như lời ông thổ lộ. Các truyện được viết tự nhiên, không gò bó theo khuôn mẫu. Lời ăn tiếng nói mang sắc thái ngôn ngữ địa phương dùng cho các nhân vật tạo được không khí truyện nhưng không sa đà nặng nề. Điều này do ông có "cách nhìn cuộc đời thanh thản" (chữ của chính ông). 

Nhìn rộng ra, Bùi Hiển cả một đời văn đã trung thành với cách nhìn và hướng viết đó của mình. Ông nhỏ nhẹ nhưng thâm trầm, đi gần đi sát những con người bình thường, nhỏ bé giữa cuộc đời, tìm thấy ở họ những rung động của cuộc sống, của tình người. Ông đã viết văn ngay từ đầu như vậy và cả cuộc đời như vậy. Không cao giọng lớn tiếng. Không tuyên truyền hô hào một cách lộ liễu, sống sượng. Không theo thời thượng. 

Từ những người dân quê trong "Nằm vạ" cho đến những nhân vật khác trong các sáng tác về sau, nhà văn luôn nhất quán với quan niệm văn chương của mình: "Ở mỗi con người, tôi tin vậy, đều chứa đựng ít hoặc nhiều sự khao khát hướng thiện, mà nhiệm vụ của văn học là phải khơi gợi để nó bừng sáng lên. Không ai tự nguyện làm kẻ ác, triết gia xưa đã nói. Khi cần phê phán, tôi dùng lối văn châm biếm nhẹ nhàng, chen tí hài hước khoan dung, nhằm đánh thức cái lương tri, tính bản thiện sẵn có ở mỗi con người, nó đang ngủ gà ngủ gật vì kém nội lực bản thân hoặc bị khỏa lấp do những eo sèo cuộc sống, và nhằm đừng để trượt dần dù là vô tình vào cái xấu, cái ác".

Đọc lại tập truyện "Nằm vạ" sau 80 năm xuất bản, người đọc hôm nay vẫn có thể thích thú và luyến tiếc. Tiếc vì một hiện thực đã một đi không trở lại. Tiếc hơn nữa là cái khung cảnh, không khí và tình nghĩa đậm chất làng quê đã biến mất. Và như thế giá trị của "Nằm vạ" còn là ở chỗ làm chứng tích văn chương cho văn hóa tập tục truyền thống và lối sống dân dã của một vùng nông thôn Bắc Trung Bộ. Nói tới Bùi Hiển gắn với tác phẩm Nằm vạ là vì vậy.

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.

Hà Nội Thu


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem