Đọc sách cùng bạn: "Cái ta còn cũng vẫn đủ vui thôi"

Phạm Xuân Nguyên Thứ ba, ngày 07/11/2023 10:08 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay tôi mời bạn đọc cuốn sách "Anh hùng còn chi" của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (1950 – 2021). Sách được gọi là "di cảo".
Bình luận 0
Đọc sách cùng bạn: "Cái ta còn cũng vẫn đủ vui thôi" - Ảnh 1.

"Di cảo" theo đúng nghĩa là những bản thảo để lại của một tác giả đã qua đời chưa từng được xuất hiện trước đó và chỉ được in ra sau khi nhà văn mất. Hiểu theo nghĩa này thì "anh hùng còn chi" có khác. Tiến sĩ Mai Anh Tuấn, một chuyên gia nghiên cứu về Nguyễn Huy Thiệp, người biên soạn sách này trong lời giới thiệu viết rõ: "Chúng tôi chỉ tìm kiếm, lựa chọn và giới thiệu một số tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp đã hoặc chưa công bố, mà vì nhiều lý do khác nhau, nằm tản mác trên báo chí hoặc trong lưu trữ gia đình, bạn văn. Trong khi chưa thể xác quyết chắc chắn rằng tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp còn có thêm những gì, chúng tôi tạm gọi cuốn sách này là "di cảo"(tr. 8-9).

ANH HÙNG CÒN CHI

Tác giả: Nguyễn Huy Thiệp

Nhã Nam & Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2023

Số trang: 340 (khổ 15,5x24cm)

Số lượng: 2000

Giá bán: 168.000đ

Phần I cuốn sách giới thiệu một số tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp. Bạn đọc sẽ được đọc ở đây lần đầu tiên thơ của nhà văn, mặc dù trong truyện của mình ông đã đưa vào nhiều thơ. Đó là bản thảo tập thơ "Những vần thơ chua xót" viết trong cuốn sổ nhỏ đến nay đã ố vàng ông hoàn thành năm 1977 sau gần tám năm dạy học ở Sơn La sắp chuyển đi một trường khác ở trong tỉnh.

Ngọn đèn hỡi, xin làm minh chứng,

Những điều tôi bày tỏ nơi đây

Thảy ý nghĩ tôi đều chân thực

Không đẽo gọt gì, một vệt thẳng ngay.


Tôi đau cũng hết lòng đau, mơ ước cũng hết lòng,

Tôi tát cạn bản thân mình vào đó

Khi xoè tay để xem không hay có,

Kết cục tất nhiên ư? – Ngọn gió vô hình.

(6/7/1977)

Thật lạ lùng khi thay đổi cả

Lòng ta ơi, ta biết nỗi buồn rồi.

Cái đã mất thì cứ là đã mất

Cái ta còn cũng vẫn đủ vui thôi.

(18/11/1977)

Đó là những vần thơ khi lâm bệnh nặng (2020) viết rải rác trên những tấm bìa các tông nhỏ.

Muốn yêu vợ yêu con

Muốn yêu hết tất cả

Nay chỉ còn mong được

Lòng yêu

 

Viết cho khuây cuộc đời

Thơ không hay cứ viết

Mình lại tự cười thôi

Muốn thoát ra đừng ốm

Làm khổ hết cả nhà

Sinh lão bệnh tử

Quy luật trời ban ra

Không ai tránh khỏi được

Tâm sự viết thế thôi.

Có ba truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp được in lại trong sách "Anh hùng còn chi" vì đến nay còn ít người biết. Đó là truyện "Cô My" (Văn Nghệ, số 18, 3/5/1986) và "Vết trượt" (Văn Nghệ, số 39, 27/9/1986). Hai truyện này trình ra một cái tên Nguyễn Huy Thiệp cho văn giới và bạn đọc nhưng vẫn nằm trong vùng im lặng của sự tiếp nhận. Phải chờ đến truyện "Tướng về hưu" cũng trên báo Văn Nghệ một năm sau đó (1987) thì Nguyễn Huy Thiệp mới vụt sáng và trở thành hiện tượng. Truyện thứ ba in lại là "Những bài hát" (Tuổi Trẻ Chủ Nhật, số 24, 18/6/1989) giữa cao trào "cập thời vũ" của nhà văn.

Những bài tiểu luận, tạp văn của Nguyễn Huy Thiệp chọn vào sách phần lớn lần đầu được in ra. Đọc chúng, bạn đọc hiểu thêm những suy tư trăn trở của nhà văn về cuộc sống và văn chương. Trong bài tiểu luận dài "Văn học là cuộc sống" từng gửi báo năm 1989 nhưng không được đăng, ông viết: "Văn học là gì? Tôi quan niệm văn học là cuộc sống. Cuộc sống thì chỉ nên tìm hiểu, nghiên cứu chứ đừng giải thích nó. Và nếu quan niệm văn học là cuộc sống (chứ không phải là "hiện thực cuộc sống" hay là "phản ánh hiện thực cuộc sống" gì cả) thì hình như văn học có sức mạnh thật." (tr. 86) Bạn đọc cũng sẽ được nghe Nguyễn Huy Thiệp kể việc viết truyện "Tướng về hưu". Theo ông, truyện ngắn này ngoải việc xuất hiện hợp thời gian lịch sử ("cập thời vũ" – mưa đúng lúc) thì "nó đã làm được hai việc rất quan trọng, đáng gọi là "đổi mới" ở trong văn học." Đó là về hình thức: "Đây là tác phẩm đặc sắc có tính chất bạo động về ngôn ngữ", và về nội dung: "Đây là tác phẩm đặc sắc đưa được "Đạo" vào nội dung tác phẩm văn học." (tr. 100)

Truyện "Tướng về hưu" đã được chính Nguyễn Huy Thiệp viết thành kịch bản phim truyện và đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi làm thành phim cùng tên (1988). Sách "Anh hùng còn chi" in lần đầu kịch bản "Tướng về hưu" cùng kịch bản "Không có vua" cũng do chính nhà văn chuyển thể. Đọc hai kịch bản này bạn đọc có thể nhận thấy ở cái đầu Nguyễn Huy Thiệp viết theo lối kịch bản văn học, còn ở cái sau ông đã theo lối mới viết kịch bản kiểu phân cảnh.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ngoài tài văn còn có khiếu hội hoạ, nhưng ông thấy mình không bao giờ trở thành hoạ sĩ. Vì sao? "Tôi đã nghĩ mãi và hiểu ra rằng chính vì tôi đã không bao giờ vẽ được những thứ ở trong lòng mình. Tôi chỉ viết ra được những thứ ở trong lòng mình mà thôi. Đấy là định mệnh." – ông nói vậy trong bài viết "Con vẽ, bố khen hay" (tr. 113) cho cuộc triển lãm đầu tay của con trai cả mình. Tuy thế mà Nguyễn Huy Thiệp vẫn có vẽ, nhất là các ký hoạ chân dung, cho mình và cho bạn bè. Ông thích vẽ trên gốm rồi đem sang Bát Tràng nung làm quà tặng những người ông yêu quý. Phần II sách "Anh hùng còn chi" in một số ký hoạ trên gốm đó của ông. Và phần III là các bức ảnh chụp ông với những người bạn và trong một số sự kiện ông tham dự.

Cuốn sách di cảo của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp in đẹp, trang nhã, với bìa của hoạ sĩ Lê Thiết Cương, một người bạn nghệ sĩ thân thiết của ông, người mà ông đã dành những lời trân trọng tình cảm trong một bài thơ viết khi lâm bệnh nặng:

Lê Thiết Cương tối giản

Tối giản không tối tăm

Đầu óc luôn sáng rỡ

Tư tưởng luôn sáng ngời

Lê Thiết Cương tối giản

Hiếm tìm được một người

Anh hùng trong thiên hạ

Chỉ có một Cương thôi. (tr. 37)

Tên sách lấy từ đoạn thơ trong truyện "Chảy đi sông ơi" của chính nhà văn: "Rồi sông đãi hết / Anh hùng còn chi". Nhà văn mới nằm xuống hai năm. Sự nghiệp và tác phẩm của ông sẽ còn được nhắc nhớ và bàn luận dài lâu vì ông là Nguyễn Huy Thiệp – một nhà văn xuất sắc nổi bật nhất của văn học Việt Nam hiện đại. Cuốn sách di cảo này, vì vậy, nói như Mai Anh Tuấn, "trước hết và chủ yếu, nhằm mục đích cung cấp cho bạn đọc một hình dung đầy đủ, tổng thể hơn về sự nghiệp văn chương, hành trình cuộc đời Nguyễn Huy Thiệp." Rồi ra thời gian và hậu thế sẽ trả lời câu hỏi "Anh hùng còn chi".

Trong khi đó các con của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đang xúc tiến việc lập nhà lưu niệm cho bố mình ở trên chính mảnh đất quê cha đất tổ. Họ đang mong được sự chia sẻ kỷ niệm, kỷ vật của bạn bè, đồng nghiệp, độc giả của nhà văn, như nhà báo Nguyễn Trọng Chức - nguyên Thư ký Toà soạn báo Tuổi Trẻ đã viết trong bài bạt cuối sách “Anh hùng còn chi”. Hy vọng, khi nhà lưu niệm Nguyễn Huy Thiệp khánh thành, đó sẽ là nơi mọi người đến “gặp lại” nhà văn để nhớ ông và tìm hiểu ông.

Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.

Hà Nội, 7/11/2023


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem