Đọc sách cùng bạn: Chân đi sách đến

Phạm Xuân Nguyên Thứ tư, ngày 13/09/2023 17:22 PM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay, tôi đưa đến bạn cuốn sách "Những bước chân hy vọng" của tác giả Nguyễn Quang Thạch.
Bình luận 0
Đọc sách cùng bạn: Chân đi sách đến - Ảnh 1.

Cuốn sách "Những bước chân hy vọng" của tác giả Nguyễn Quang Thạch. (Ảnh: ST)

Hẳn bạn đã có nghe nói tới hay đọc biết về Nguyễn Quang Thạch, người khởi xướng và thực hiện chương trình "Sách hoá Nông thôn" (SHNT) rộng khắp cả nước. Anh đã từng thực hiện cuộc đi bộ từ Thủ đô Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh để truyền bá tạo cảm hứng cho chương trình này. Anh đã thúc đẩy gây dựng được nhiều tủ sách ở nhiều làng quê, nhiều trường học, nhiều dòng họ. Những hoạt động của anh đã lan toả sâu rộng đến nhiều người cùng chung tay góp sức xây dựng các tủ sách cho nhiều người có sách đọc và biết đọc sách. Không những thế hoạt động về sách của Nguyễn Quang Thạch còn vang ra nước ngoài. Chương trình SHNT của anh đang được nhân rộng sang Ấn Độ. Và anh đã được nhận phần thưởng "Phổ biến tri thức" của UNESCO (2016) và của Thư viện Quốc hội Mỹ (2017).

NHỮNG BƯỚC CHÂN HY VỌNG

Tác giả: Nguyễn Quang Thạch

Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam, 2023

Số trang: 424 (khổ 14,5x20,5cm)

Số lượng: 1000

Giá bán: Sách không bán

Cuốn sách "Những bước chân hy vọng" tập hợp những câu chuyện, những bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn của Nguyễn Quang Thạch, cũng như những bài viết về anh của các nhà báo, cho bạn đọc theo dõi những bước chân anh trên con đường đến với sách và đưa sách đến mọi người.

Sinh năm 1975 tại một vùng quê miền núi Hà Tĩnh, Nguyễn Quang Thạch ở tuổi thanh niên đã từng có ước mơ làm nhà văn, làm nhà chính trị, nhưng rồi cuộc sống đã cho anh theo con đường làm cuộc cách mạng thư viện để thay đổi nông thôn Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp ngành tiếng Anh của Đại học Vinh, anh đã xin được làm thủ thư tại Khoa Ngoại ngữ của trường. Sau đó, anh đã đi làm ở nhà máy giày, rồi có 8 năm làm ở một ban quản lý dự án cầu đường. Chính tại đây từ những điều mắt thấy tai nghe trong công việc Nguyễn Quang Thạch càng nung nấu ý định làm tủ sách để những thế hệ kế tiếp không yếu kém như thế hệ mình. Anh đã đọc trong sách. Anh đã lăn vào cuộc sống. Và tháng 3/2007, anh bắt tay vào hành động: Ra mắt Tủ Sách Dòng Họ đầu tiên.

Để chuẩn bị cho việc này, Nguyễn Quang Thạch đã có những suy tư, ngẫm nghĩ của mình. Anh đã viết nhiều bài xoay quanh chủ đề "Thư viện, văn hoá đọc và đẳng cấp quốc gia". Theo anh, "Đẳng cấp quốc gia không thể có trong ngày một ngày hai mà nó được hình thành trên nền tảng tinh thần dân tộc, công cuộc khai trí và các chính sách phát triển vĩ mô đúng quy luật và sáng tạo trong mỗi bước đi. Một trong những yếu tố chính quan trọng đó là phát triển hệ thống thư viện, khuyến khích người dân đọc sách nhằm kiến tạo văn hoá đọc trên bình diện xã hội". (tr. 20-21). Anh tưởng tượng Fukuzawa Yukichi, "Voltaire của Nhật Bản", nhà tư tưởng có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với xã hội Nhật Bản thời cận đại, tác giả cuốn sách "Khuyến học" thúc đẩy to lớn cho thời duy tân của đất nước mặt trời mọc, nếu được luân hồi tái sinh ở Việt Nam thì ông ấy sẽ nói những gì với chúng ta hôm nay. 

Anh đã để ông ấy nói về sự nhậu nhẹt, chơi game; về những nạn nhân của chất độc da cam; về những lý thuyết sinh ra từ các bàn giấy, văn phòng; về việc nên xây những ngôi chùa trong trái tim người. Và tất nhiên ông Fukuzawa Yukichi qua miệng Nguyễn Quang Thạch sẽ nói về Khuyến học: "Chúng ta hãy giúp cho người nghèo bớt nghèo và người kém hiểu biết được hiểu biết bằng cách giúp họ tiếp cận tri thức chính thống hoặc đại chúng từ các tủ sách. Chỉ cần tận tâm, với một cuốn vở và cây bút, bạn đã giúp những trẻ đánh giày biết chữ. Chỉ cần góp 1 cuốn sách cho các lớp học ở nông thôn, bạn đã giúp hàng trăm học sinh đọc cuốn sách ấy. Chỉ cần bớt đi ba bữa nhậu trong một năm, 3 thành viên của một dòng họ đã có thể xây dựng một Tủ Sách Dòng Họ giúp hàng trăm người có cơ hội đọc sách. Khuyến học luôn nằm trong tầm tay của bạn và hãy nói với mọi người rằng "dốt thì không nhục chỉ nhục là không đọc/học cho mất dốt" (tr. 39).

Từ những vấn đề lý thuyết, lý lẽ để nói tại sao cần phải xây dựng các tủ sách, phải khuyến khích mọi người đọc sách, phải xây dựng một xã hội đọc sách, Nguyễn Quang Thạch đã tự thân vận động và kêu gọi mọi người cùng hành động. "Tôi hành động, tôi vận động xã hội và chính quyền" là phần II của cuốn sách, kể rõ những việc cụ thể anh làm để thực hiện được chương trình mình đề ra. Từ sự vận hành của "Tủ Sách Phụ Huynh" đầu tiên áp dụng tại trường THCS An Dục (Quỳnh Phụ, Thái Bình) tháng 5/2010 Nguyễn Quang Thạch đã có kiến nghị gửi Bộ Giáo dục – Đào tạo đề nghị nhân rộng mô hình này. Và Bộ đã có công văn phúc đáp số 6841 ngày 31/12/2015 do một Thứ trưởng ký về việc "Đổi mới thư viện và phát triển văn hoá đọc trong nhà trường phổ thông, miền núi". Kết quả của những hoạt động bền bỉ của Nguyễn Quang Thạch và các cộng sự trong chương trình SHNT chỉ tính đến 2015, tức là sau 8 năm thực hiện, có thể thấy qua các con số: Xây dựng được gần 4.000 tủ sách (bao gồm 5 loại: Tủ sách Dòng Họ, tủ sách Phụ Huynh, tủ sách Lớp Em, tủ sách Giáo Xứ và tủ sách Hậu Phương – quê hương chiến sĩ) tại 25 tỉnh, thành phố, tạo cơ hội cho khoảng 200.000 người dân nông thôn, trong đó có khoảng 100.000 học sinh, được tiếp cận sách (tr. 210).

Đây là những dòng tâm sự của Nguyễn Quang Thạch được in ở bìa 4 cuốn sách: "Mắt trái bị mổ từ 1996 và mờ dần, nhưng bước chân đã tạo nên lớp lớp hy vọng trong tôi như sóng biển về một nông thôn Việt Nam giàu tri thức và tình yêu thương khi hàng chục triệu bản sách đến tay hàng chục triệu trẻ em và người lớn. Bước chân chứa trong đó sự vận động, hành động và mở lối mọi con đường. Tháng 4/2016 tôi bị quỵ ngã và phải bò qua cầu ở Bình Tân trong hành trình đi bộ đến Cà Mau để sách về nông thôn nhanh hơn nữa. Eo đốt sống L5 bị gãy, tôi rơm rớm nước mắt vì ước mơ sang Ấn Độ làm tủ sách dường như tắt hẳn. Nhưng khi điều trị cột sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, một bạn gửi tôi phim về Stephen Hawking, xem phim, tôi thấy đôi tay trên xe lăn sẽ là sức mạnh giúp tôi đưa sách về nông thôn Ấn Độ nếu hai chân không thể bước. Nỗ lực của tôi và các bạn giúp trẻ em trên thế giới này được nghe và đọc sách chính là cách mang yêu thương và hoà bình đến mỗi ngôi nhà chúng ta và ngôi nhà chung có tên Trái Đất".

Những ngày này Nguyễn Quang Thạch đang chuẩn bị những phần việc cuối cùng cho chuyến đi sang Ấn Độ để lan tỏa và nhân rộng chương trình SHNT của mình. Anh đã chuẩn bị tinh thần cho mình thậm chí có thể sống cả phần đời còn lại để đưa sách đến mọi vùng miền trên xứ sở của đức Phật. Cuốn sách "Những bước chân hy vọng" sẽ đưa ta cùng đồng hành với anh trên hành trình nhân văn lớn lao này.

Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.

Hà Nội, 13/9/2023


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem