Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Bạn nhớ cái tên Phan Thúy Hà chứ? Đó là tác giả hai cuốn sách "Đừng kể tên tôi" và "Tôi là con gái của cha tôi" viết về những người đi qua cuộc chiến và sống trong cuộc chiến ở cả hai miền Bắc Nam mà tôi đã giới thiệu với bạn trong bài đọc sách "Một cách viết sử chiến tranh" đăng ở mục này trên Dân Việt ngày 17.3.2020.
Cuốn "Gia đình" là sách mới của Hà, vẫn là một cuốn sách phi hư cấu, vẫn viết theo đúng nguyên tắc của cô: Ghi lại chuyện người trong cuộc kể và viết lại một cách tối đa theo lời kể, giọng kể. Câu chuyện lần này là về cuộc Cải cách ruộng đất (CCRĐ) diễn ra ở miền Bắc cuối những năm 1950, khoanh vùng ở ở hai tỉnh vùng quê tác giả là Nghệ An và Hà Tĩnh (18 chuyện), chỉ có chuyện 19 cuối cùng là ở Nam Định.
CCRĐ là cuộc cách mạng cho người nghèo có ruộng do Đảng phát động và lãnh đạo. Bên cạnh thắng lợi to lớn đã đạt được thì trong quá trình thực hiện đã phạm phải những khuyết điểm, sai lầm trầm trọng. Đề cương báo cáo của Bộ Chính trị tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 10 (10/1956) có đoạn viết về sai lầm, khuyết điểm trong CCRĐ: "Trong lúc thi hành thì một mực nhấn mạnh chống hữu khuynh trong khi những hiện tượng tả khuynh đã trở nên trầm trọng… từ khu trở xuống thì hệ thống cải cách ruộng đất trở nên một hệ thống ở trên cả Đảng và chính quyền. Tác phong độc đoán chuyên quyền, do đó mà trở nên phổ biến, không đi theo đường lối quần chúng, mà thực tế đã trấn áp quần chúng, nhẹ tuyên truyền giáo dục, buộc quần chúng làm những điều trái với ý muốn, với lương tâm của họ, có khi trái với chân lý và chính nghĩa". Đoạn viết này đã được đại tá an ninh, nhà văn Thái Kế Toại nhắc lại trong lời giới thiệu đầu sách.
Phan Thúy Hà viết về những nỗi đau cùng cực của các người dân quê khi họ bị chịu đựng những sai trái trong CCRĐ. Đặt tên cuốn sách là "Gia đình" tác giả hẳn ý muốn nói các thành viên trong cái tế bào cơ bản đó của xã hội – ông bà cha mẹ vợ chồng con cái họ hàng với những rường mối vững chắc của gia phong, truyền thống dòng họ và làng mạc – đã bị cơn cuồng phong xã hội vùi dập và cuốn phăng. Họ là những người nông dân hiền lành chăm chỉ biết làm ăn, biết thương yêu gia đình, chòm xóm. Họ là những người dân yêu nước, tin Đảng, một lòng theo cách mạng, kháng chiến. Họ là những đảng viên, cán bộ, bộ đội được thử thách, tôi luyện và đã từng được tin tưởng, giao trọng trách.
Nhưng khi "Đội" (Cải cách) về, họ bị biến thành kẻ thù của nhân dân, bị đấu tố, tra tấn, bị kết tội phản động và bị đày đọa thân xác, bị sỉ nhục nhân phẩm. Họ không được đi học đi làm vì lý lịch xấu. Họ bị buộc phải sống chui nhủi ở làng quê. Họ bị buộc phải tìm đường bỏ quê, có khi bỏ cả nước, mà đi tìm một nơi sống khác, để rồi về già nhớ quê day dứt và cay đắng. Nhiều người đã chết, những cái chết thương tâm, ai oán. Nhiều người bị xử tử hình. Họ chết trong sự oan ức, nhưng vẫn tin là Bác và Đảng sẽ thấu hiểu, sẽ minh oan cho mình.
19 câu chuyện trong sách là lời kể của những người hồi CCRĐ là con cháu trong các nhà bị quy là địa chủ và do đó ký ức của họ về nỗi trầm luân khổ ải của gia đình mình được nói ra là để cho vợi nỗi đau canh cánh trong lòng và để mong là kinh nghiệm cho những lớp người sau không phạm phải những sai lầm như thế, không phải chịu những trái ngang như thế nữa.
Một người con dâu kể chuyện chồng mình khi về già khóc cha chết thảm trong CCRĐ: "Ông đi lang thang. Ông đi ra cánh đồng. Ông đi giữa cơn mưa gió. Ông đi tìm cha. Cha ơi cha ơi mênh mông giữa đồng không. Một buổi sáng như buổi sáng năm nào. Người ta thấy ông nằm dưới gốc cây khế. Sau một đêm mưa to gió lớn. Trên mình là quần đùi áo mỏng. Ông đã chết. Giữa cơn mưa trần thế" (chuyện 2, tr. 32).
GIA ĐÌNH
Tác giả: Phan Thúy Hà
Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam, 2020
Số trang: 275
Số lượng: 2000
Giá bán: 100.000đ
Một người cốt cán đến xin lỗi nhà người họ hàng vì mình đã vu oan khiến cho chủ nhà bị xử bắn: "Sáu tháng sau được về, người cốt cán họ hàng mang một cơi trầu xuống gặp mẹ tôi. Ông khóc. Bác tha tội cho con. Con sợ bị bắn như ông Hỏa. Con khai ông là chủ mưu" (chuyện 5, tr. 48).
Một người bị quy tội "Quốc dân đảng" kiên quyết không khai vì trước sau vẫn là Đảng viên Cộng sản. Ông không sợ bị giam, bị chết. Trong cảnh giam hãm ông xin nắm lạt tre đan thành một cái rây bột. "Tôi đến, cha trao cho tôi cái rây mang về nhà. Dưới đáy rây bột cha kết hình một từ OAN" (chuyện 11, tr. 81).
Một đảng viên bị bắn ở tuổi ba mươi sáu để lại cho vợ bốn câu trăn trối: "Ai ngờ vô tội mà chết oan. Âu cũng là số kiếp. Gắng mà nuôi con. Sau này Đảng có hỏi thì trình bày đến nơi đến chốn". Ông đã không bỏ trốn ra Bắc như bạn bè khuyên vì ông nghĩ mình không có tội gì cả. Con gái ông kể lại chuyện cha mình có chi tiết tìm ảnh cha để thờ vì mọi ảnh của cha đã đốt hết. "Sau này có người đưa cho tôi bức ảnh có cha là một trong bảy người đang trong một buổi họp. Tôi mang bức ảnh đến gặp ông du kích. Tôi chọn ông để hỏi. Vì ông nhớ nhất. Ông bắn cha tôi mà. Ông sẽ in sâu khuôn mặt cha tôi. Bác cho con biết cha con là người nào. Đây là cha con. Ông buồn bã chỉ vào người đàn ông trẻ trung đứng ngoài cùng, một tay đặt trên mép bàn. Cha mặc áo trấn thủ, khuôn mặt thư sinh" (chuyện 16, tr. 177). Người bị bắn đó là cháu nội của vị quan thượng thư triều Nguyễn - Cao Xuân Dục.
Một người chắt của Quận công Hoàng Cao Khải sau này về lại quê trong nỗi ngậm ngùi nhớ tiếc dinh thự cụ Quận như một công trình kiến trúc bề thế đã bị phá tan trong CCRĐ và hồi tưởng những tháng ngày kinh hoàng khiến ông sau đó ra Bắc sống. "Tôi quen dần khí hậu xứ Bắc, quen thức ăn miền Bắc. Tôi nói giọng Bắc". Nghe như có vẻ ghét quê, thù quê. Nhưng đã thế sao anh lại để bản nhạc chờ điện thoại là bài "Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh", vợ ông hỏi. Và đây là câu trả lời của ông: "Tôi từng kể với nàng về một làng Đông Thái gạo trắng nước trong, có dòng sông La trong vắt, có bến đò Tam Soa bên ngã ba Linh Cảm, có các thôn nữ chăm chỉ hái dâu nuôi tằm dệt lụa, đêm đêm rộn ràng tiếng dệt cửi để sáng ra có những tấm lụa tơ vàng óng ánh mang ra chợ Hạ, chợ Thượng bán cho kẻ giàu sang. Về một làng Đông Thái có cụ Phan Đình Phùng, có cụ Hoàng Cao Khải. "Tuy là mỗi người đi mỗi ngả khác khác nhau, nhưng trong giấc mộng hồn vẫn thường thấy nhau không xa xôi gì" (chuyện 18, tr. 258).
Đó có lẽ cũng là điều Phan Thúy Hà muốn hướng tới ở cuốn sách này. Những chuyện cô được nghe kể còn khủng khiếp hơn nhiều những gì cô đã viết ra. Nhưng cuốn sách này của cô không phải là thêm một bản tố khổ thời CCRĐ. Sự kiện lịch sử đó ngày càng lùi xa vào thời gian. Cố nhiên không được phép quên những bài học lớn lao và khủng khiếp nó đã để lại trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Nhưng nói chuyện CCRĐ không phải để hận thù. "Tôi có ý chờ cu Hậu đến nhà cho vài cân gạo, để chú biết là tôi không ghét chú, nhưng không thấy" (chuyện 13, tr. 122), đó là lời một người con nhà địa chủ kể về một người hồi trước là cốt cán đã phá hoại nhà mình nhưng vì lười nhác nên cả đời túng đói.
Không ai viết lại được lịch sử nhưng viết tiếp lịch sử thì mỗi người đều phải có ý thức. Ý thức đầu tiên là tránh lặp lại sai lầm của quá khứ. Mỗi quyết sách đường lối chủ trương can hệ đến đời sống con người đều phải được cân nhắc, suy tính kỹ càng, phải luôn đặt quyền sống của người dân lên trên hết. Đọc "Gia đình" của Phan Thúy Hà, vì vậy, có thể hiểu rộng ra cả đất nước là một gia đình lớn, cái Gia Đình Việt Nam này đã cố kết yêu thương bao đời nay, đừng bao giờ có ai gây chuyện tàn ác để phá hoại gia đình, chia rẽ con cái trong một nhà, phải làm sao cho "gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau". Những người nông dân tố khổ địa chủ thì vẫn là nông dân thôi, trong hoàn cảnh bị lịch sử xô đẩy phải làm ác, vẫn có người trong họ có tình yêu thương đồng loại, lén lút giúp bát cháo hớp nước cho người gặp thảm họa. Những người như thế có nỗi sợ nhưng tình thương trong họ phút chốc mạnh hơn và giúp họ giữ được cái thiên lương trong mình ngay cả khi ở vào những tình cảnh tưởng như không thể nào sống tốt được. Lòng tốt được đáp đền lòng tốt. Con cái địa chủ về sau biết ơn những người nông dân đó: "Chồng tôi kêu các con lại, nói cho các con biết làng mình người nào ác người nào hiền… Ông xúc gạo mang đi cho một bà nghèo khổ trong làng. Ông nói với các con, bà tốt bụng lắm, thương gia đình mình nhiều lắm" (chuyện 2, tr. 31).
Phan Thúy Hà, bằng cuốn sách này, cũng như ở hai cuốn trước, còn gợi ý cho ta một điều này: Hãy biết cách hiểu và học lịch sử từ chính nơi mình sống, quanh những người bên mình. "Mỗi con người chứa một phần lịch sử", nếu bạn biết cách tìm mở cuốn sử đời của mỗi người, bạn sẽ đọc được những điều thú vị và ý nghĩa từ đó để giúp mình hiểu sâu hơn cuốn sử lớn của xã hội.
Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.