Đọc sách cùng bạn: Thương nhớ đồng quê

Phạm Xuân Nguyên Thứ sáu, ngày 21/02/2020 08:00 AM (GMT+7)
Chào bạn đọc thân mến. Từ hôm nay, trong mục này, tôi và bạn sẽ cùng nhau đọc những cuốn sách văn chương để cùng thưởng thức, cùng hiểu về cuộc sống và ngẫm thêm con người, và để cùng thích sách và việc đọc sách.
Bình luận 0

Mở đầu tôi cùng bạn đọc cuốn "Tôi và làng tôi" (Nxb Hội Nhà Văn, ra lần đầu 2017, tái bản 2019) của Lê Bá Thự. Đây là một cuốn hồi ức của tác giả về tuổi thơ và tuổi mới lớn ở vùng quê mình. Ông viết ra những kỷ niệm với độ lùi thời gian hơn bảy mươi năm bằng một giọng kể chuyện hồn nhiên tự nhiên, một ngữ điệu nói, khiến người nghe người đọc được lây cái bồi hồi buồn vui của ông, từ ông và qua ông mà được sống lại thấy lại tuổi nhỏ của mình. Thì lớp người như ông và sau ông ít nhiều, như tôi chẳng hạn, trước khi về phố là con của làng, là một người nhà quê. Mà nhà quê nước Việt ta đều có chung một cảnh quan địa lý, một khí hậu văn hoá, những lề thói phong tục giống nhau phần nhiều. Từ đó mỗi người nhà quê sẽ sống cái riêng của mình đậm đà và thấm thía suốt cả cuộc đời.

img

Cái làng Nguyệt Lãng ở huyện Thiệu Hóa, xứ Thanh Hoá của Lê Bá Thự cũng bình thường phổ biến như bao làng quê Bắc Trung Bộ khác. Cũng có đồng cạn đồng sâu, có ao có hồ. Cũng có cây đa cổ thụ và bãi tha ma chôn cất người làng. Cũng có những chiều câu cá bắt chim mót khoai mót lạc, những đêm đập lúa ca hát dưới trăng. Cũng có chiến tranh thời Pháp, cải cách ruộng đất thời bình. Cũng có... một làng như mọi làng. Và ở đó có một bà mẹ sinh một cậu con trai và đặt tên cho con là Thự theo tên một người gác chợ Vạc để quỷ thần khỏi nhòm ngó. Bà mẹ đó mỗi khi đưa con về quê ngoại đi ngang bãi tha ma đều lấy nước đái của mình xoa vào mặt cậu bé để tránh ma bắt. Một chi tiết rất thực rất đời chan chứa tình mẫu tử, đọc mà thấm thía thương mẹ ta xưa.

Cậu bé Thự lớn lên biết làm các việc nhà nông, biết giúp cha đỡ mẹ như bao cậu trai quê, học ở trường làng trường tỉnh cho đến khi rời nhà đi học đến tận phương trời xa ngoài đất nước. Từ làng Nguyệt Lãng cậu đã đi đến Ba Lan học tập, đã thành thạc sĩ khoa học, đã từng giữ chức Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan (1996 – 2000), đã làm nhiều việc nhiều chức khác nữa. Nhưng cuối đời cậu trở lại với làng quê chôn nhau cắt rốn Nguyệt Lãng vẫn là cậu bé Thự ngày nào, ân tình và thủy chung.

"Tôi và làng tôi":

Tác giả: Lê Bá Thự

NXB Hội Nhà văn

Năm tái bản: 2019

Số lượng in: 1.000 cuốn

Số trang: 340.

Cuốn sách "Tôi và làng tôi" sinh động ở giọng kể như đã nói. Nó còn sinh động ở các chi tiết cụ thể của cuộc sống nông thôn trong cái làng Nguyệt Lãng mà tác giả còn nhớ như in và kể lại chi tiết, tỉ mỉ. Nào các thứ cây quả, nước nôi. Nào các thứ bánh trái, cơm khoai. Nào các cách câu cá. Nào các bài hát từ thời kháng Pháp. Tất cả cứ tươi rói như mới hôm qua, như sờ tay lên trang giấy, chạm vào con chữ là gặp được. Khi kể lại những chuyện ở làng hồi nhỏ của mình, cậu bé Thự ngày nào đã sống lại trong ông Thự gần bát thập hôm nay. Cậu bé ấy đã dắt ông đi lại từng đường làng ngõ xóm, chỉ cho ông thấy những mảnh vườn khu ruộng khi xưa, và vui vẻ cùng ông ca hát chuyện làng mình quê mình. Thế nên Lê Bá Thự mới đặt tên sách là "Tôi và làng tôi", không như thường lệ là để làng, nói rộng ra là để cái chung, lên trước cá nhân. Làng là chung cho mọi người làng, nhưng mỗi người làng có một làng riêng của mình trong cái làng chung của bao người trong một cộng đồng làng. “Tôi và làng tôi” là Lê Bá Thự và cái làng Nguyệt Lãng riêng của Lê Bá Thự, không giống của ai.

Hồi ức là sự ngoái lại, nhớ lại quá khứ trong khi người nhớ đứng ở hiện tại. Kỷ niệm luôn đẹp trong tâm tưởng. Và vì thế trong so sánh với hiện tại, tác giả không khỏi ngậm ngùi luyến tiếc cho những cái đẹp thời trước nay đã một đi không trở lại. Cái giống lúa thông nấu rượu làm bánh đa bánh đúc ngon có tiếng của làng còn đâu nữa. Cái bể nước mưa mát lành tận ruột cậu bé còn đâu nữa. Cây đa cổ thụ cũng đã mất lâu rồi. Và mẹ đã mất ở tuổi 93 để cậu bé Thự đã thành người ông, một dịch giả có tiếng, vẫn cảm thấy bơ vơ, mồ côi. Những dòng hồi ức ông viết ra sau hơn mười năm mẹ mất vẫn trĩu nỗi lòng thương nhớ mẹ: "Thỉnh thoảng, đêm nằm chiêm bao, tôi lại được gặp mẹ. Trong chiêm bao, tôi lấy làm mừng khi thấy mẹ tôi vẫn như ngày xưa. Chỉ có điều, khi tôi giang hai tay ôm chầm lấy mẹ thì mẹ tôi biến mất ngay lập tức. Trước mắt tôi chỉ còn bóng đêm..." (tr.118). Mẹ đã nhập vào hồn làng Nguyệt Lãng để sống mãi trong lòng cậu bé Thự hôm qua và trở về hôm nay trên trang sách của nhà văn Lê Bá Thự góp thêm một nốt trầm xao xuyến vào bản nhạc pastoral nostalgia (luyến tiếc đồng quê) của những tác phẩm viết về tuổi thơ làng quê hay và xúc động trong văn học Việt Nam hiện đại như "Miền thơ ấu" (Vũ Thư Hiên), "Dòng sông thơ ấu" (Nguyễn Quang Sáng), "Tuổi thơ im lặng" (Duy Khán), "Khúc đồng dao lấm láp" (Kao Sơn)... 

Tôi mượn tên truyện "Thương nhớ đồng quê" của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp làm đầu đề cho bài viết này đọc sách cùng bạn cuốn "Tôi và làng tôi" của Lê Bá Thự. Một cái đầu đề không thể thích hợp hơn. Và tôi cũng thấy rất là thích hợp trong ngữ cảnh này đưa lại đây tặng bạn đọc bài thơ “Tuổi thơ” của nhà thơ Nguyễn Duy, một người đồng hương xứ Thanh của nhà văn Lê Bá Thự.

Tuổi thơ tôi bát ngát cánh đồng

cỏ và lúa, và hoa hoang quả dại

vỏ ốc trắng những luống cày phơi ải

bờ ruộng bùn lấm tấm dấu chân cua

 

Tuổi thơ tôi trắng muốt cánh cò

con sáo mỏ vàng, con chào mào đỏ đít

con chim trả bắn mũi tên xanh biếc

con chích choè đánh thức buổi ban mai

 

Tuổi thơ tôi cứ ngỡ mất đi rồi

năm tháng trôi qua không bao giờ chảy lại

cái năm tháng mong manh mà vững chãi

con dấu đất đai tươi rói mãi đây này

 

Người ở rừng mang vết suối vết cây

người mạn bể có chút sóng chút gió

người thành thị mang nét đường nét phố

như tôi mang dấu ruộng dấu vườn

 

Con dấu chìm chạm trổ ở trong xương

thời thơ ấu không thể nào đánh đổ

trọn kiếp người ta chập chờn nguồn cội

có một miền quê trong đi đứng nói cười

 

Tuổi thơ nào cũng sẽ hiện ra thôi

dầu chúng ta cứ việc già nua tất

xin thương mến đến tận cùng chân thật

những miền quê gương mặt bạn bè.

 

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem