Hoàng Việt Hằng sống ở Hà Nội. Chị đã có 8 tập thơ (tập này là mới nhất) và 12 tập văn xuôi (truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn), đã được nhiều giải thưởng văn chương của Hà Nội và quốc gia.
Hoàng Việt Hằng là một phụ nữ chi chút với đời sống và một nhà thơ chăm chú vào cuộc sống. Thơ chị không cao xa trời mây sông nước, không lớn lời lớn tiếng những sự trọng đại. Đó cũng không phải là thơ thế sự, mà là thơ đời thường. Chị đưa thơ vào những phận đời nhỏ nhoi, những kiếp người mong manh để nói lên nỗi niềm cay đắng buồn vui thường ngày của những con người bé mọn lầm lụi.
Đọc thơ chị bao giờ ta cũng biết cụ thể nơi chốn thời gian chị đi và đến, những người và cảnh chị gặp. Những bài thơ cho thấy chị đi nhiều nơi, nhất là đến vùng núi, có cả những chuyến đi xa ngoài nước, và đến đâu chị cũng lẫn mình vào đời sống rất nhanh.
Tôi đã chứng thực điều này khi có những chuyến đi cùng chị, vừa thoắt xuống xe chị đã vào chợ, vào bản làng, và khi quay lại đã kịp có thông tin, câu chuyện tươi rói về cuộc sống con người nơi đó. Những chi tiết đó được chị đưa nhanh vào các bài báo và sau đó được chắt lọc lại đưa vào thơ như những dữ liệu cảm xúc. Mỗi bài thơ của Hoàng Việt Hằng luôn có thông tin đời sống thực tế cụ thể, và từ trong đó chị biết phát ra thông tin tâm hồn của mình.
Đến Hội An chị nhận ra cái sự yên ả thong thả của đô thị cổ giữa phố giữa quê này ở một chi tiết rất thơ “có giấc ngủ nghe cau mới rụng” và thấy được bình an trong cảm giác “cứ nhà quê thả bước dưới quê nhà” (tr. 7).
Đến chùa Bồ Đà (Bắc Giang) chị lại hình ảnh cảm giác “hình như cau tách nụ sân sau” nói lên cái cảnh chậm rãi lặng lẽ nơi thiền tự và một ao ước bỏ chốn xô bồ phố thị về đây “chỉ lên chùa học thở với nghe kinh” cho tâm người lắng lại (tr. 12-13).
Đến Ky Quan San (Lào Cai) nơi có núi Muối cao chỉ sau Fansipan nhưng nhà thơ không đi nhặt muối mà “nhặt phận người đọc chữ giữa bờ môi” ở em gái Hà Nhì “lấy chồng tuổi mười lăm, học tiếng Kinh lớp Một”. Với chị, đó là sắc xuân ở vùng cao này (tr. 26-27).
Đến Tà Cơn (Quảng Trị) nhà thơ đi cùng những người lính đi tìm đồng đội đã bao năm, đã nhiều năm không về. Mục tiêu đi tìm những người lính thấy rõ. “Chỉ có người không tìm thì nghĩ quanh co”, câu thơ kết bài làm giật mình người đọc (tr. 45)
EM ĐÃ ĐỐT THƠ TÌNH ANH TẶNG
Tác giả: Hoàng Việt Hằng
Nhà xuất bản Phụ Nữ, 2019
Số trang: 146
Số lượng: 1000
Giá bán: 99.000đ
Đến Hawaii trong tâm tưởng người phụ nữ Việt một thời làm thuê xứ người thèm nói tiếng Việt: “Ngày xa xứ, xa quê và như thế / thèm tiếng quê hương, có dấu đã vui rồi”. Trái tim phụ nữ của nhà thơ đã rung lên cộng cảm với nỗi nhớ day dứt những thanh điệu bổng trầm tiếng mẹ đẻ của người phụ nữ tha hương lang bạt mới bắt được niềm vui tiếng nói có dấu này (tr. 106).
Đến Hoàng Liên bước chậm, nhà thơ đặt cho thơ câu hỏi làm gì đây cho những người dân miền núi đang bị đói. Thơ ước chở được những xe hạt giống cây trồng về cho bà con kịp làm vụ ngắn ngày. Thơ “ước nhìn hoa không sợ đói”. Đây là một câu thơ tầm vóc. Tôi liên tưởng tới những câu thơ đã có trước nói về liên hệ đói và hoa. Nguyễn Du trong bài “Tạp ngâm – kỳ nhị” (Thanh Hiên thi tập) có câu: “Song ngoại hoàng hoa tú khả xan” (“Ngoài cửa sổ hoa cúc vàng tươi đẹp tưởng ăn được”). Lưu Quang Vũ trong bài “Những đêm hoa vàng” có câu: “sắc hoa vàng như da mặt chúng ta / một chủng tộc đói nghèo bên biển cả”. Người ta không thể thưởng hoa, thưởng đẹp, thưởng thơ với một cái bụng đói. Ý này Hoàng Việt Hằng chốt lại rất thật ở câu cuối bài “cái bụng no rồi cười mới xinh” (tr. 40-41).
Ở Hà Nội đông đúc chật chội hiện giờ, nhà thơ bảo ta hãy kiếm một chỗ lùi ẩn dật “chỉ để nhìn màu hoa sam đất”. Không biết lùi tránh đám đông thì không nhìn thấy được thứ hoa ấy: “thứ hoa trên mỗi đồng ruộng cạn / nở ngập ngừng trong chân đất tháng ba”. Thấy được thế rồi thì mới nhận ra “đất là hơi thở xa hoa của ta...”. Ôi hai chữ “xa hoa” nhà thơ đặt ở đây sao mà thanh nhẹ lại vừa nặng trĩu. Người thời nay sốt lên vì đất như một thứ bất động sản, chỉ có nhà thơ là còn giữ đất như hơi thở của người (tr. 17).
Thơ Hoàng Việt Hằng là ở sự lùi lại ấy. Lùi lại với một thái độ thung dung tự tại để nhìn sâu vào thời gian, về lại chính mình. Trong thơ chị có hình tượng cái đồng hồ. Cái đồng hồ - một đồ vật cũ của mẹ nhắc kỷ niệm xưa mẹ chờ con về nhà. Nay mẹ không còn, “con về mỗi sớm nhìn dâu bể / thương nhớ còn nguyên nơi gốc tre” – hai câu thơ hay, thấm thía. Và trong ngôi nhà vắng bóng mẹ, người con “chỉ lên giây cót một mình nghe” (tr.16). Cái đồng hồ - một so sánh nói về cách sống chậm: “không chạy đua với cả chính mình / nhìn kim giây thì kim giờ chợt hiện” (tr. 13) – một hình ảnh cũng rất hay. Cái đồng hồ - hình ảnh của cuộc tỏ tình đôi lứa “kim giây thì ngừng chạy / đồng hồ thì không dây” (48). Cái đồng hồ - hình ảnh của người yêu xưa gặp lại, “giờ đây, anh như đồng hồ chưa lên dây cót” (tr. 53). Cái đồng hồ - nhắc thời bao cấp giữa thời hiện đại “tem phiếu của ngày xưa hiện ra / kim giây kim giờ, vẫn bước qua” (tr. 58). Cái đồng hồ - điểm nhịp hoa đào ngày tết: “những cánh đào chưa bao giờ phai / dù tết trôi theo kim giây trôi chậm / kim phút lững thững chờ / kim giờ không sốt ruột / đào vẫn thắm và đào chưa phai” (tr. 95). Cái đồng hồ - tiếng “tích tắc nức nở” nhắc ngày 30/4 “người đi vãn cả” (tr. 98-99). Cái đồng hồ - chứng nhân một phận người tha hương “một chốn dừng chân kim giờ phiêu bạt” (tr. 103). Nói cái đồng hồ nhà thơ muốn nhắc mình nhắc người “đời người / tiêu thời gian dễ dàng cho phía trước / lại khó vô cùng khi lùi lại phía sau” (tr. 54). Tôi chợt nhớ câu cách ngôn của nhà văn Võ Hồng: “Từ khi có đồng hồ con người thêm lật đật / Từ khi biết xem lịch cuộc đời như ngắn đi”. Và mời bạn đọc một bài này.
chiếc đồng hồ đã cũ
con vẫn giữ chiếc đồng hồ đã cũ
không thể bỏ đi, thanh lý hết năm
đồng hồ báo thức trăng còn sáng
mẹ chờ mẹ đợi con về thăm.
vai áo gầy. mưa phùn hòa hơi thở
chuông đổ canh giờ như hôm xưa
mẹ vẫn ngồi chờ nơi bậc cửa
nhìn đồng hồ cũ với trời trưa.
vài năm sau đó mùa hoa nở
báo thức không nghe. rỗng bóng hè
con về mỗi sớm nhìn dâu bể
thương nhớ còn nguyên nơi gốc tre.
không tượng đồng phơi, không hình vẽ
chỉ lên giây cót một mình nghe…
Biết lùi lại để biết mình ngày tết “không còn quê để về” ngay giữa thủ đô vì “nhà thờ họ bán đi rồi chia chác / làng đã trở thành dự án”, giờ nói đến quê may chỉ còn trong lý lịch nhà văn (tr. 66). Quê nội đã thế, quê ngoại cũng vậy. Giếng đất của làng bị lấp đi, rồi lại khoan giếng khác lấy nước. Về làng giờ đã mất hết những cảnh quan đặc trưng của làng như cây rơm cây rạ bóng cau. “Ngay cả mùi khói cũng không còn nữa”, thơ thốt lên một câu kinh hoàng đau đớn. Làng bị mất mùi! Hỏi còn gì kinh khủng hơn. Và nhà thơ đi giữa làng quê ngoại với “trái tim như đá ong giếng cạn / tìm vệt giếng quê lâu rồi bỏ rơi” (tr. 46-47).
Biết lùi lại để đi vào phía trong cánh cửa, nơi chị có một góc bảo tàng với hăng gô, cái rút dép, chiếc võng dù, chiếc khuy áo ngực, hộp thuốc cá nhân, những vật dụng thời chiến tranh của người lính – người chồng, nhà văn Triệu Bôn. Người vợ giữ lại nằm lòng những thứ đó ngoài nghĩa tao khang vợ chồng còn là tấm lòng biết ơn những người lính đã quên mình vì dân (tr. 60-61).Thơ nhắc nhở ai hôm nay quên máu xương đổ xuống ngày qua. Mỗi dịp 30/4 nhìn những vật dụng đó mà ám ảnh chiến tranh, thương nhớ chồng cùng các bạn lính bạn văn của anh đã đi vãn cả (tr. 98-99).
Biết lùi lại để lắng sâu vào những cuộc tình trong mình ngoài mình, xót xa và hy vọng. Bài thơ lấy làm tên chung cả tập nói một nỗi niềm thời con gái khi thành thiếu phụ dễ bị viết thành nức nở nhưng Hoàng Việt Hằng đã viết một cách sâu lắng. Nói với người cũ về quá khứ phải buông bỏ mà “đã trăng vàng / vằng vặc ướp mưa thu” (tr. 25) thì nỗi buồn còn đọng mãi. Chuyện đốt thơ này còn được nhà thơ nói lần nữa trong bài “vẫn giẫm lên thủy tinh vỡ” (tr. 88) nhưng lần này là nói với người nay. Từ nỗi mình đến nỗi người, nhà thơ chia sẻ với cô gái Dao ở huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) đi chợ tình không gặp người yêu: “Chìu Xí Mùi như trăng trong trẻo khóc / nước mắt rơi ngụp lặn chiếc hôn vàng” (tr. 39). Nhà thơ thương cho anh đội sỏi và cô bán cá ở bến sông (tr. 100), thương cho thầy trò Boxing (tr. 104), những phận người những muốn vá víu vào nhau. Anh đội sỏi tưởng chỉ mặc cả với cô bán cá “để cộng hai cơ thể” một đêm. Ngờ đâu sau đêm đó cô đã bỏ đi đến một khúc sông khác chết và
“anh đứng mặc cả với gió:
-năm mươi ngàn đồng đi với anh không?
anh khóc”.
Thơ Hoàng Việt Hằng hay và xúc động ở những câu như vậy.
Hoàng Việt Hằng ở tập thơ này cũng như các tập trước đã tạo cho mình một lối thơ “điệu nói” riêng như lời trò chuyện tâm tình. Những bài thơ không viết hoa cả đầu đề, cả đầu dòng. Ngay chấm câu giữa dòng sau đó cũng không viết hoa (“hoa sấu non lưu trữ cũ. và buồn”; “vai áo gầy. mưa phùn hòa hơi thở”; “báo thức không nghe. rỗng bóng hè”). Từ trong câu chuyện kể những câu nói mộc mạc, giản dị vang lên những câu thơ xúc động, lấp lánh. Ví như kể chuyện “mùa lá đổ” ở Hà Nội cho người nhìn lá cuốn đi rào rạt trên phố chợt thấy “có những thứ đã buông mà không mất / đổ theo mùa ký ức chẳng tàn phai” (tr. 74).
Thơ Hoàng Việt Hằng là thơ của người tự biết “tôi thuộc phía bầy cừu và váng cỏ / lững đững chiều tôi khóc với cơn mưa” (tr. 35). Cơn mưa đây không phải mưa buồn gợi sầu thiếu nữ mà là những cơn mưa bão quăng quật dân lành khiến đau đớn thương xót lòng nhà thơ. Hai tiếng “lững đững” hình như chưa có ai dùng như thế này, nghe như chiều cũng khóc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.