Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Nghe cái tên sách bạn có đoán được nhà văn viết về ai không? Đó là một vĩ nhân ở thế kỷ XV, người đã sát cánh bên vị thủ lĩnh Lam Sơn làm cuộc kháng chiến mười năm chống quân Minh giành lại độc lập dân tộc cho nước Đại Việt, người đã cùng với Lê Lợi trở thành anh hùng lịch sử dân tộc, hơn thế còn là một anh hùng văn hóa, nhưng là người sau ngày thắng lợi vinh quang đã bị triều thần hãm hại và phải cùng ba họ chết dưới lưỡi đao ác nghiệt của những kẻ ngu dốt và tàn bạo. Vâng, chắc bạn đã đoán ra: "Thảm kịch vĩ nhân" viết về Ức Trai Nguyễn Trãi (1380 – 1442).
Thảm kịch đó là gì? Đất nước thanh bình, Nguyễn Trãi muốn đem hết tài sức mình cống hiến cho triều đại mới để xây dựng một nền thịnh trị cho muôn dân. Võ công hiển hách đánh đuổi kẻ thù ngoại xâm, giải phóng non sông, nhưng để có một cuộc sống an vui thời bình thì phải có một nền chính trị tốt, mà chính trị tốt là phải "yêu thương và chăn nuôi muôn dân khiến cho trong thôn cùng xóm vắng, không có một tiếng hờn giận oán sầu" như lời ông đã tâu với vua Lê Thái Tông khi được hỏi về việc làm lễ nhạc. Nguyễn Trãi nung nấu thực hiện điều đó. Nhưng ông đã gặp phải những nghi kị, cản phá từ những người mới hôm qua còn chung lưng đấu cật, nếm mật nằm gai cho đến đời các quan lại khác trong triều. Ông đã phải từ quan, về Côn Sơn ở ẩn, nhưng cũng không yên. Từ trong cung đình một hoàng hậu và những kẻ gian thần đã quyết truy bức và tiêu diệt ông. Và thảm kịch đã xảy ra ở Lệ Chi Viên (Vườn Vải) khi chúng lấy cái chết của vua Lê Thái Tông để vu cho bà Nguyễn Thị Lộ, người thiếp yêu của Nguyễn Trãi, từ đó khép ông tội đại nghịch và kết án tru di tam tộc. Nguyễn Trãi và ba họ đã bị chém vào ngày 19.9.1442 (16/8 Nhâm Tuất).
Cái án oan khốc lòa trời mây này đã thành một nỗi đau nhức nhối khôn nguôi trong lịch sử nước nhà. Mặc dù mấy chục năm sau vua Lê Thánh Tông đã minh oan cho Nguyễn Trãi nhưng nỗi đau con người thì còn mãi với lịch sử và cuộc đời. Nhất con người đây lại là một vĩ nhân đức độ sáng ngời, tài năng xuất chúng. Nỗi đau đó được các thế hệ truyền đời nhắc lại và suy ngẫm. Nhiều tác phẩm văn chương nghệ thuật từ lâu đã viết về Nguyễn Trãi, về vụ án Lệ Chi Viên. Cuốn tiểu thuyết lịch sử "Thảm kịch vĩ nhân" của Hoàng Minh Tường tiếp tục chiếu rọi ánh sáng vào điểm đen lịch sử này.
Cuốn sách có tên ban đầu là "Nguyên khí". Tên sách khi in được sửa lại lấy theo câu mà nhà văn đặt làm đề từ: "Tấn thảm kịch thực sự của Nguyễn Trãi là tấn thảm kịch của bậc vĩ nhân sống trong một xã hội quá ư nhỏ bé". Đó là câu của nhà văn Pháp Yveline Féray đã viết cuốn tiểu thuyết "Vạn Xuân" (Dix Mille Printemps, 1989) nghìn trang về Nguyễn Trãi (cuốn này đã dịch sang tiếng Việt). Cuốn "Thảm kịch vĩ nhân" có 19 chương đặt theo tên người và một phần kết. Đầu mỗi chương có hai câu thơ của Nguyễn Trãi trong "Quốc âm thi tập".
Tiểu thuyết lịch sử, như tên gọi thể loại cho thấy, là hư cấu ức đoán về lịch sử dựa trên những sự kiện lịch sử có thực. Vụ án Lệ Chi Viên là có thực. Nguyễn Trãi và ba họ bị chém đầu là có thực. Nhà văn viết tiểu thuyết về những sự thực lịch sử đó là mong tìm kiếm sự thật ẩn sau chúng cho người đương thời đọc văn mà hiểu rõ hiểu sâu hơn về sử. Mở đầu sách Hoàng Minh Tường dẫn người đọc đến với một tư liệu cổ có tuổi hơn năm trăm năm vừa được phát hiện: đó là Long Thành tạp ký, tập ghi chép về thành Thăng Long của Ứng Nhân Đoàn Khâm, viết ngay sinh thời Ức Trai tiên sinh. "Nếu "Long Thành tạp ký" được dịch và công bố thì đây sẽ là sự kiện chấn động cả nước. Ứng Nhân Đoàn Khâm sẽ xuất hiện như một nhà văn hóa lớn. Hình như quan Hành khiển Nguyễn Trãi và Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ đã hiển linh báo mộng. Gần sáu trăm năm qua, vụ thảm án Lệ Chi Viên với cái án tru di tam tộc đối với hai ngài là một ẩn số tàn độc chưa có lời giải. Thì đến nay, bằng tác phẩm "Long Thành tạp ký", nhà văn kiêm sử gia Đoàn Khâm đã xé toang bức màn đen dối trá và vô nhân tính của quyền lực để đưa sự thật ra ánh sáng. Bằng kiệt tác này, Ứng Nhân đã làm được một việc mà không ai làm nổi, đó là chiêu tuyết hoàn toàn cho Ức Trai tiên sinh, và đặc biệt là Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ…" (tr. 20). Từ sự hư cấu một tác giả và một tác phẩm cổ như một thủ pháp nghệ thuật này, cuốn tiểu thuyết diễn ra song hành hai tuyến nay và xưa theo quá trình dịch thuật tìm hiểu cuốn Long Thành tạp ký để mở ra sự thật vụ án Lệ Chi Viên. Dồn nén sự kiện lịch sử chỉ trong 27 ngày từ khi Hoàng tử Lê Tư Lành (vua Lê Thánh Tông sau này) ra đời đến khi Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ bị chém, nhưng bằng cách đưa cả đời nay vào đời xưa, đem quá khứ tham gia hiện tại, nhà văn đã mở không-thời gian cuốn tiểu thuyết rộng dài hơn thế. Ông đưa vào truyện cả chuyện thời nay như ở cuộc đối thoại của giáo sư Hoàng Nguyên (mang hình bóng một dịch giả nổi tiếng ngoài đời) đang dịch Long Thành tạp ký và trung tá an ninh Phan Lân (tr. 130-137) hay ở một cuộc sinh hoạt và hoạt động của Nguyễn Trãi Club (chương 17, tr. 320-333). Ông để cho các nhân vật thời nay phán xét cả các sử gia thời trước. Như nói về chuyện chép sử, một nhân vật đang lo việc dịch thuật Long Thành tạp ký đã hạ một câu về tác giả bộ sử lớn của nước Việt là "Đại Việt sử ký toàn thư" rằng: "Ngô Sĩ Liên không phải là trường hợp hiếm hoi của loại trí thức chỉ biết tung hô, ca tụng". Và một nhân vật khác thông cảm cho sử gia xưa nhưng vẫn ngậm ngùi: "Đau đớn nhất cho kẻ sĩ là lúc nào miếng cơm manh áo cũng chẹn ngang cổ họng họ"(tr. 55). Đến cả như ông vua sáng vĩ đại nhất triều Lê là Lê Thánh Tông cũng bị các nhân vật thời nay trong tiểu thuyết nghi ngờ vì sao đã minh oan được cho Ức Trai mà vẫn để cho chính sử thời mình chép sai như vậy về Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, không dám chiêu tuyết và tuyên trắng án cho cả hai người (tr. 128). Nhà vua đã không thể bước qua được thời đại mình. "Buồn nhất là một xã hội không sòng phẳng, một xã hội xử lý mọi vấn đề quốc gia đại sự bằng những hộp đen. Cụ Phan Phu Tiên, cụ Ngô Sĩ Liên cũng cùng một giuộc như kẻ sĩ chúng ta bây giờ mà thôi. Nhà cầm quyền coi vương triều và quyền lực như một cái hộp đen, chỉ riêng họ biết và định đoạt. Mọi nhà nước độc tài bây giờ cũng là một phiên bản khác của phong kiến mà thôi. Họ muốn cha truyền con nối, muốn duy trì quyền lực vĩnh viễn. Họ đâu cần một xã hội công dân…" (tr. 130). Như thế chuyện xưa chuyện nay đan cài nhau tạo nên nhiều tầng lớp ẩn hiện của cuốn tiểu thuyết. Tạo ra cuốn sách cổ Long Thành tạp ký để lần lại thảm kịch oan khốc của Nguyễn Trãi và gia đình ông, Hoàng Minh Tường muốn chỉ ra trách nhiệm của cả triều đại, chính thể, của cả giới sĩ phu, trí thức trong cái chết của bậc vĩ nhân. Nguyễn Trãi và ba họ rơi đầu do mưu kế thâm độc của hoàng hậu Nguyễn Thị Anh và bè lũ. Nhưng nỗi oan khuất và đau đớn của ông, nhất là của bà Nguyễn Thị Lộ, vẫn dai dẳng còn là do sự hèn nhát, vô trách nhiệm, và cả vô lương tâm, của những sử gia, những bậc sĩ phu về sau đã không dám nói hết, nói đúng sự thật. Do đó bi kịch của Nguyễn Trãi không chỉ là ở thời Nguyễn Trãi.
THẢM KỊCH VĨ NHÂN
Tác giả: Hoàng Minh Tường
Nhã Nam & Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2019
Số trang: 400
Số lượng: 2000
Giá bán: 117.000đ
Dẫn dắt người đọc đi hết cuốn tiểu thuyết tin là có thật một Long Thành tạp ký thư tịch cổ, đến phần kết tác giả mới cho hay nó là thủ thuật của nhà văn, nhưng lại để trong một khung cảnh rất thời sự: bản gốc cuốn sách cổ ấy bị lấy trộm, như thế những người có nó và tổ chức dịch nó, phổ biến nó, rất dễ bị can tội "ngụy tạo lịch sử, bóp méo lịch sử". Cho nên, một công cuộc tìm kiếm bản gốc cuốn sách cổ đó đang diễn ra và hy vọng tìm thấy lại. "Rất may, bản phô tô "Long Thành tạp ký" vẫn có giá trị như một kỳ thư. Nhờ sự bảo trợ của các cơ quan văn hóa, của Nguyễn Trãi Club, đặc biệt là sự tận tình, dám chịu trách nhiệm của Nhà xuất bản Hội Nhà văn, cuối cùng Long Thành tạp ký, phần cốt lõi của tiểu thuyết Thảm kịch vĩ nhân, đã đến tay bạn đọc" (tr. 395). Cuốn sách khởi viết năm 2012 và được sửa chữa, xuất bản năm 2019 kết lại ở câu này. Nghệ thuật viết thực hư hư thực của Hoàng Minh Tường ở đây đã làm cho tiểu thuyết "Thảm kịch vĩ nhân" đọc cuốn hút, hấp dẫn, đặc biệt là rất mang tính thời sự, giúp cho bạn đọc từ một tác phẩm văn chương mà hiểu xưa biết nay hơn.
Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.