Đọc sách cùng bạn: "Tự do là việc của con người"

Phạm Xuân Nguyên Thứ ba, ngày 09/03/2021 08:00 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay tôi mời bạn đọc vở kịch 3 hồi "Ruồi" của nhà triết học, nhà văn Pháp Jean-Paul Sartre (1905 – 1980) qua bản dịch từ nguyên ngữ "Les Mouches" của nhà văn, dịch giả Châu Diên (1932 – 2020).
Bình luận 0
Đọc sách cùng bạn: "Tự do là việc của con người" - Ảnh 1.

Bạn chắc đã từng nghe đến cái tên J-P. Sartre, một "chủ soái" của triết thuyết hiện sinh chủ nghĩa có tác động lớn đến đời sống tư tưởng và tinh thần của nhân loại thế kỷ XX. Ông là một nhà triết học đã dùng văn chương để truyền đạt và phổ biến các tư tưởng của mình. Năm 1964 J-P. Sartre đã được trao giải Nobel Văn chương nhưng ông đã từ chối nhận giải. Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của ông "Buồn nôn" ("La Nausée", 1938) là một tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa hiện sinh và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trong đó có tiếng Việt từ sớm. Ngoài "Buồn nôn" Sartre còn xuất hiện trong tiếng Việt ở các tác phẩm "Văn học là gì" ("Qu'est-ce que la littérature?") , "Ngôn từ" ("Les Mots", 1963)…

Vở kịch "Ruồi" được Jean-Paul Sartre viết năm 1943 (bản dịch của Châu Diên in lần đầu năm 1989, nay tái bản). Xét về thể loại, nó là một vở kịch triết học. Nền móng của vở kịch là huyền thoại cổ Hy Lạp về việc chàng hoàng tử Orestes cùng em gái Électre giết mẹ mình là Clytemnestre cùng tình nhân của bà ta là Égisthe để báo thù cho cha mình là nhà vua Agamennon của xứ Agos đã bị hai kẻ này giết chết khi từ cuộc chiến tranh Troy trở về. Trong nhiều thế kỷ đây đã là chủ đề yêu thích của nhiều nhà viết kịch, kể từ các tác gia Hy Lạp cổ đại như Sophocles, Aesyles, Euripides. Trong vở kịch của Sartre, lịch sử cổ xưa như một thế giới, được chứa đầy một ý nghĩa triết học mới. Nhà hiện sinh Pháp đã dùng hình tượng người anh hùng Orestes thời xưa để phân tích các vấn đề hiện sinh đương thời.

"Ruồi" là vở kịch gồm ba hồi. Kết cấu kịch đơn giản và logic. Trong hồi đầu các nhân vật chính xuất hiện trên sân khấu (Orestes, Jupiter, Électre và Clytemnestre) và tiền sử của câu chuyện được kể - nó cũng là lời giải thích về những gì đang xảy ra ở Argos (mười lăm năm ăn năn hối hận của toàn thể người dân vì tội ác của vua và hoàng hậu hiện tại), khơi lên một vấn đề (khả năng báo thù của Orestes về vụ sát hại cha mình - vua Agamemnon). Hồi hai đầy các hành động: Égisthe, theo đường lối chính trị đã chọn, đe dọa người dân bằng cách hàng năm làm một ngày lễ đón vong hồn người chết trở về; Électre tìm cách nói với người dân Argos rằng họ có thể sống trong hạnh phúc và vui vẻ; Jupiter giúp Égisthe đẩy đám đông vào nỗi sợ hãi; Électre bị trục xuất khỏi thành phố và bị kết án tử hình; Oreste nói rõ thân phận mình cho em gái biết và quyết định báo thù. Các sự kiện của phần hai tác phẩm lớn lên như một quả cầu tuyết và vỡ ra trước cái chết của Clytemnestre và Égisthe. Sau khi thực hiện sự báo thù công bằng, những nhân vật còn sống chỉ còn việc là suy ngẫm về quá khứ và tương lai của họ, về mong muốn và thực tế, về thế giới xung quanh và cuộc sống của bản thân.

RUỒI

Tác giả: Jean-Paul Sartre

Dịch giả: Châu Diên (từ tiếng Pháp)

Công ty TNHH Sách Thật & Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2020

Số trang: 136 (khổ 14,5 x 20,5 cm)

Số lượng: 1.000

Giá bán: 120.000

Hồi đầu của "Ruồi" là câu chuyện kể thong thả, đầy tính hiện thực về quá khứ và hiện tại. Hồi hai giống như một bộ phim kinh dị hơn là một vở bi kịch Hy Lạp cổ đại hay kịch hiện đại. Hồi ba không còn kể gì nữa và cũng không chuyển động đến đâu. Nó là một chuỗi suy tư triết học về vấn đề tự do của con người. Và đây là chủ đề chính mang tính hiện sinh mà J-P. Sartre muốn nêu lên trong vở kịch.

Oreste, nhân vật chính trong kịch, là người tự do. Chàng đến Argos là một con người không có quá khứ, với một tâm hồn như "một khoảng không tráng lệ." Vào lúc này của cuộc đời mình, chàng tự do thoát khỏi ký ức, con người, tình cảm. Chàng chỉ biết những gì Sư Phó đã dạy mình: thế giới, thành phố, đất nước, văn hóa, nghệ thuật. Nhưng tự bản thân mình, với tư cách là một cá nhân, chàng chẳng là gì cả. Chàng không có sự níu kéo mà cũng chẳng có ham muốn. Chỉ với sự xuất hiện của ý thức báo thù thì Orestes mới có một nhận thức mới về tự do. Đó là sự tự do lựa chọn con đường đi xa của mình, từ chối tuân theo ý muốn của các vị thần, họ đã từng tạo ra con người tự do, nhưng rồi đã quyết định tước bỏ của con người sự nhận biết tự do đó. Khi thực hiện hành động tội ác, Oreste không cảm thấy cắn rứt lương tâm, bởi vì, theo ý chàng, chàng đang làm một việc đúng đắn. Khi đã quyết định giết mẹ mình, chàng cũng quyết định là sẽ luôn mang gánh nặng này trên mình. Ở một khía cạnh nào đó, điều đó thậm chí còn khiến chàng vui mừng, vì rốt cuộc, nhân vật đã có cái gì đó của riêng mình – lịch sử của mình, tội ác của mình, gánh nặng của mình. Khác với Oreste, Électre, cũng như tất cả các cư dân của Argos, bị tước đoạt sự hiểu biết thực sự về tự do. Cô chỉ có thể mơ về nó, nhưng sống với nó thì cô không đủ sức. Électre mơ giết người thân như những cô bé mơ về búp bê. Cô hạnh phúc trong những tưởng tượng của mình, nhưng khi chúng hiện ra trong cuộc sống thì cô lại căm ghét.

Cuộc tranh luận kết thúc kịch giữa Jupiter và Oreste (tức giữa Thánh Thần và Con Người) nêu lên luận điểm hiện sinh cơ bản của vở kịch: con người sợ tự do, bởi vì nó cho họ thấy ý nghĩa thực sự của sự tồn tại của họ. Theo Jupiter, tự do mở ra cho con người thấy tất cả sự vô nghĩa của cuộc đời hắn, phần nhiều là xấu xí và cô đơn. Oreste coi bổn phận của mình là chia sẻ với mọi người điều chàng đã nhận thức được. Chàng giải thoát cho các công dân xứ Argos bằng cách nhận về mình sự ăn năn của họ, nhưng chàng không tham vọng đóng vai vị thần cứu chuộc mọi tội lỗi của thế gian. Đối với chàng, chỉ cần giải phóng cho mọi người là đủ - mọi thứ còn lại là tùy thuộc vào chính họ. Thậm chí chàng còn không thể giúp được cho cô em gái Électre, bởi vì cô ấy đau khổ theo ý mình. Những đau khổ mà Électre trải qua sau cái chết của mẹ mình, cô chỉ có thể tự mình vượt qua khi nhận ra rằng cuộc sống thực sự bắt đầu ở "phía bên kia của sự tuyệt vọng."

Như vậy, đọc "Ruồi" là đọc về triết học hiện sinh được thể hiện dưới hình thức kịch. Jupiter vị thần tối cao tạo ra con người nhưng đã phải nói lên nỗi niềm sâu kín và đau đớn của các thần linh và vua chúa là con người tự do. Một khi con người đã biết mình tự do thì không thể gì đè bẹp được nó nữa. Oreste biết mình tự do. Và hãy đọc đoạn đối đáp của nhà vua và vị thần về điều này (tr. 96):

Esgisthe (nổi nóng): Nó biết nó tự do. Vậy thì cùm gông nó lại cũng chưa đủ. Một con người tự do trong một thành bang, cũng như một con chiên ghẻ trong cả bầy. Nó sẽ làm cho cả vương quốc tôi lây bệnh và hủy hoại toàn bộ sự nghiệp của tôi. Hỡi thần linh toàn năng, còn đợi gì mà Người không giáng sấm sét lên đầu nó? Jupiter: Một khi tự do đã bùng cháy trong tâm hồn con người, thì không thần linh nào còn có thể chống lại họ. Bởi vì tự do là việc của con người, và bổn phận của những người khác, chỉ duy những người khác, là để cho con người tự do hoặc bóp nghẹt nó."

Những lời thoại, câu văn tiếng Pháp của J-P. Sartre đã được dịch giả Châu Diên chuyển dịch ra tiếng Việt uyển chuyển và sâu sắc để người đọc được thử thách lần theo một tư tưởng cốt lõi của triết học hiện sinh. Tái bản "Ruồi" lần này cũng là một cách để tưởng nhớ dịch giả Châu Diên (tức nhà giáo Phạm Toàn) – "người trọn đời luôn ý thức và miệt mài thực hiện sự tự do của mình bằng hành động" (Bùi Văn Nam Sơn).

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.

Hà Nội 6.3.2021

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem