Đọc sách cùng bạn: "Về Thủy Nguyên điều chi cũng lạ"

Phạm Xuân Nguyên Thứ ba, ngày 26/07/2022 19:59 PM (GMT+7)
Chào bạn, ta lại gặp nhau. Hôm nay, tôi đưa đến bạn cuốn sách "Muôn dặm sóng kình" của nhiều tác giả viết về vùng đất Thuỷ Nguyên (Hải Phòng).
Bình luận 0
Đọc sách cùng bạn: "Về Thủy Nguyên điều chi cũng lạ" - Ảnh 1.

Cuốn sách "Muôn dặm sóng kình" của nhiều tác giả viết về vùng đất Thuỷ Nguyên (Hải Phòng). (Ảnh: ST)

Bạn có thể chưa nghe cái tên Thuỷ Nguyên bao giờ. Nhưng bạn hẳn nhớ chiến công oanh liệt của cha ông thuở xưa ba lần lập trận Bạch Đằng đánh tan quân xâm lược phương Bắc. Kế đóng cọc nhọn xuống lòng sông và dựa theo con nước thuỷ triều để dìm tàu chiến giặc trên sông Bạch Đằng bắt đầu từ thời vua Ngô Quyền đánh quân Nam Hán năm 938. Đến năm 981 đại tướng quân Lê Hoàn lặp lại kế đó để đánh tan quân Tống. Và năm 1288 Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã lần thứ ba sử dụng kế hiểm này đánh bại chiến thuyền của quân Nguyên, chấm dứt mộng xâm lăng nước Đại Việt của đội quân hùng hậu nhất thế giới thời bây giờ. Ba trận Bạch Đằng lẫy lừng ấy đều diễn ra ở con sống chảy qua huyện Thuỷ Nguyên bây giờ thuộc thành phố Hải Phòng. Hiện nay trên khúc sông lịch sử ấy đã có khu di tích với ba bức tượng của ba vị anh hùng dân tộc đã làm nên ba trận thuỷ chiến Bạch Đằng ấy.

MUÔN DẶM SÓNG KÌNH

Nhiều tác giả

Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2021

Số trang: 438 khổ (16x24cm)

Số lượng: 1000

Sách không bán

Điều này và những điều khác nữa bạn sẽ được biết khi đọc tập sách "Muôn dặm sóng kình". Tên sách là lấy theo câu thơ trong bài phú về Bạch Đằng giang nổi tiếng của Thám hoa Giang Văn Minh: "Bát ngát sóng kình muôn dặm/ Thướt tha đuôi trĩ một màu". Các bài trong sách là các tác phẩm văn, thơ, nhạc của các văn nghệ sĩ cả nước viết về Thuỷ Nguyên. Sách do Ban liên lạc Hội đồng hương huyện Thuỷ Nguyên tại Hà Nội và Huyện uỷ, Uỷ ban Nhân dân huyện Thuỷ Nguyên phối hợp xuất bản.

Bạn có thể biết được truyền thống của vùng đất này qua các bài ký của Uông Triều ("Mạch nguồn đất học Thuỷ Nguyên"), Đinh Phương ("Một ngày làm người của chợ"), Phạm Thanh Khương ("Âm vang đống cọc Cao Quỳ"), Nguyễn Quang Hưng ("Vụn vàng gom thành câu hát"), Trần Quang Quý ("Cảng cá mắt rồng và nghề biển Lập Lễ")… Bạn có thể sống lại với hào khí của cha ông trên chiến trường sông nước xưa qua các truyện ngắn của Trần Thanh Cảnh ("Hoàng hôn trên sóng Bạch Đằng"), Phùng Văn Khai ("Bạch Đằng")…

Thơ là thể tài chuyên chở được nhiều nhất cảm xúc của người viết khi đến với một vùng đất mới. Các nhà thơ đến với Thuỷ Nguyên đã bắt gặp những vỉa tầng lịch sử, văn hoá, phong tục đủ sức khơi dậy những liên tưởng, suy nghĩ ngược dòng lịch sử, nối về hiện tại, vọng tưởng tương lai.

Nhà thơ Trần Kim Hoa thấy ở Thuỷ Nguyên một sự đối lập mà thống nhất trong hình sông thế núi, trong tính cách tâm hồn người. Thuỷ Nguyên trong con mắt người thi sĩ là "thanh gươm và dải lụa". Thanh gươm thì đã rõ, còn dải lụa là đây:

Mây trắng cuộn đỉnh Hoàng Tôn

cau Cao Nhân cay nồng từ mối tình cổ tích

hương Kiến Bái thơm ngát xóm dưới làng trêm

câu hát Đúm đung đưa

cô gái Phục Lễ mở khăn trùm khoe má hồng môi thăm

những trái tim trai trẻ Lập Lễ hồi hộp ra khơi…

Nhà thơ Kim Chuông ngẩn ngơ "Một chiều":

Thuỷ Nguyên như ngọn sóng đầy

Hồn tôi hoá khúc hát ngày đang yêu…

Nhà thơ Trần Quang Quý "nghe ca trù ở Đông Môn" mà vương tình ca nương như đã thuở nào:

Người đất Thuỷ Nguyên những thế kỷ dài biên ải sóng

biết chi chi thì đã biết chi chi

mắt ca nương níu trầm sương gió

níu hồn làng qua cung bậc thời gian

Nhà thơ Văn Công Hùng từ Pleiku (Gia Lai) thì "Cứ Thuỷ Nguyên mà về" từ một tin nhắn mời gọi trên Facebook:

Hải Phòng như một con tàu

Thuỷ Nguyên chỗ nào trên con tàu ấy

tìm gúc gồ để hỏi

cứ thấy cái lúm đồng tiền ẩn hiện Đằng Giang.

Nhà thơ Nguyễn Thuỵ Kha quê Hải Phòng nhưng đến Thuỵ Nguyên mới thấy:

Tôi như một cái neo

Bùng vào lòng sông cổ

Thấm tận cùng hơi thở

Mùi cọc loang Bạch Đằng

Nhà thơ Đỗ Mai Hoà quê chính Thuỷ Nguyên vẫn lạ quê mình:

Thuỷ Nguyên một chút vấn vương

Gì ơi, một chút nhớ thương thôi mà

Còn nhiều nữa những vần thơ, câu thơ viết về Thuỷ Nguyên, viết cho Thuỷ Nguyên. Kể cũng ít một địa phương cấp huyện mời gọi được các hồn thơ đồng cảm đến vậy. Đọc thơ mà cứ thấy xốn xang, thúc giục người tìm đi, tìm về. Nói như nhà thơ Trần Quang Đạo "Về Thuỷ Nguyên thấy điều chi cũng lạ". Tiếc là vì tập sách chỉ chọn những bài viết về Thuỷ Nguyên nên chưa có phần cho những sáng tác của các văn nhân thi sĩ người Thuỷ Nguyên về những đề tài khác. Ví như nhà văn Bùi Ngọc Tấn, một người con của Thuỷ Nguyên. Nhưng đó có lẽ đã là đề tài của một cuốn sách khác, kiểu như sáng tác của những người gốc ở Thuỷ Nguyên.

Sách "Muôn dặm sóng kình" đọc thấy hấp dẫn. Một cuốn sách về một miền quê không theo kiểu địa chí mà văn thơ nhạc như thế này là một món quà tri ân quê hương của những người làm sách và như là một tấm "danh thiếp" trao cho người ở những vùng quê khác.

Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác!

Hà Nội, 26/7/2022

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem