Đọc sách cùng bạn: "Đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh"

Phạm Xuân Nguyên Thứ sáu, ngày 19/03/2021 09:00 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay tôi đưa đến bạn tập ký "Hồn thiêng Nam Giới" của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Ngọc Vượng đang công tác tại báo "Lao Động & Xã Hội". Đây là tập sách thứ hai của tác giả, sau tập thơ "Dự cảm tháng Giêng" (2005).
Bình luận 0
Đọc sách cùng bạn: "Đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh" - Ảnh 1.

Đây là tập ký gồm 16 bài viết tập trung về quê hương Hà Tĩnh của tác giả trong vòng mười năm lại đây. Nghề làm báo đã đưa chân Ngọc Vượng đến nhiều miền quê trên vùng đất núi Hồng sông La. Anh viết ký để phản ánh cuộc sống hiện tại của người dân quê mình với những buồn vui trăn trở trong cuộc sống hôm nay. Do đó trong các bài ký của Ngọc Vượng có các số liệu cụ thể, con người cụ thể, có những sự kiện mang tính thời sự của thời điểm viết ra. Thí dụ như bài "Xuân về bên đôi bờ Ngàn Mọ" (tr. 164) ở cuối tập sách là nói về cơn lụt mới vừa xảy ra hồi tháng 10/2020 khi hồ Kẻ Gỗ phải xả lũ do mưa to nhiều ngày. Đó là tính tân văn của thể loại ký báo chí mà công việc của một nhà báo phải đáp ứng.

HỒN THIÊNG NAM GIỚI

Tác giả: Nguyễn Ngọc Vượng

Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2021

Số trang: 170

Số lượng: 1000

Giá bán: 120.000

Nhưng hầu hết các bài ký của Ngọc Vượng trong tập sách này đều đã đăng trên báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Điều này cho thấy ký của Ngọc Vượng không chỉ mang tính báo chí. Tác giả không muốn cái viết của mình trôi đi theo dòng sự kiện thời sự. Anh muốn những bài ký mình viết ra còn neo lại với thời gian, với người đọc. Vì vậy đến với mỗi địa danh trong tỉnh nhà để viết về cái hôm nay nhưng Ngọc Vượng luôn dẫn đưa người đọc tìm về cái hôm qua, cái lịch sử của nơi chốn đó. Anh tìm hiểu sự tích của từng tên gọi đất đai, gốc rễ ngọn nguồn của những miền quê, lịch sử khai khẩn của mỗi vùng đất. Ở bài "Hồn thiêng Nam Giới" lấy làm tên chung tập sách, Ngọc Vượng cho ta biết dãy núi Nam Giới ở huyện Thạch Hà với ngọn Cụp Cờ cao nhất 373 mét so với mực nước biển "quanh năm sương trắng phủ mờ" từng là địa giới phía nam của An Nam đô hộ phủ. "Trước đây, vào những ngày hè trời trong xanh, đứng tại tỉnh lị Hà Tĩnh ta có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các suối khe trên núi như những dải lụa trắng thật mềm mại vắt từ chỏm núi này đến chỏm núi khác, tạo thành những nét chấm phá hết sức uyển chuyển giữa sắc biếc mây trời. Nổi tiếng hơn cả trong những dải lụa đó là khe Hươu Hươu hay còn gọi là khe Hao Hao, một trong ba con khe có nguồn nước ngọt nhất và trong lành nhất ở xứ Hà Tĩnh, gắn với giai thoại về thi sỹ Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu từ những năm đầu thế kỷ 20 khi ông mang một bầu nước từ trên khe núi này rong ruổi về kinh đô Huế để tặng bạn thơ." (tr. 80). Ở Nam Giới có nhiều đền thờ thần linh thần nhân trong đó nổi tiếng nhất là đền Chiêu Trưng Đại Vương thờ Thượng tướng quân Tư Mã Lê Khôi (cháu gọi Lê Lợi là chú ruột). Đọc những dòng viết khơi gợi lịch sử văn hóa về Nam Giới của Ngọc Vượng tôi lại bồi hồi nhớ lại tuổi học trò những năm bảy mươi thế kỷ trước từng được thầy giáo dạy văn quê ở đây dẫn về nhà thầy chơi và cho đi thăm đền Chiêu Trưng. Ngày đó, ngót nửa thế kỷ rồi, thầy trò đi một con thuyền nhỏ ra biển lên đền. Ông coi đền đang làm việc dọn dẹp ngoài đền nói mình đang "bẩn người" không thể dẫn khách vào thắp hương cho Ngài được, nên chỉ mở cửa rồi mời khách vào hành lễ. Tôi nhớ mãi sự cung kính thành tâm ấy của một người dân thường đối với các đấng bậc thiêng liêng. Nay có lần về quê tôi đến lại đền thì cảnh xưa đã mất, đền đã sát bờ, mở mang huyên náo, không còn nữa không khí huyền hoặc cổ kính của một chốn thiêng thờ tự. Thật buồn! Ngọc Vượng cũng đã buồn như tôi khi anh kết lại bài ký bằng những dòng này: "Nắng hạ dần chùng xuống, núi càng nghiêng mình hắt xuống rặng chân chiều như nói lên bao điều oán trách! Tiếng mìn, tiếng khoan lẫn tiếng búa vẫn vang lên lở đất, long trời! Đáp lại lời khẩn cầu của hồn thiêng ngọn núi chỉ còn lại những cánh hải âu thờ ơ bay lượn, và từng đợt sóng buồn vô vọng vỗ về một cách mệt mỏi từ phía biển khơi!..." (tr. 89). Và không chỉ một lần anh có tâm trạng này trước sự biến thiên đảo lộn của văn hóa. Tôi đã đồng cảm với Ngọc Vượng nỗi tiếc xót Nhà hát Nhân dân ngoài trời – một công trình văn hóa mang tính biểu tượng đẹp đẽ ở Thị xã Hà Tĩnh đã bị xóa đi thay bằng Trung tâm Văn hóa tỉnh khi thị xã được nâng cấp lên thành phố (tr. 162).

Từ thiên nhiên lịch sử, Ngọc Vượng kéo núi Nam Giới về gần với cuộc sống con người bằng kỷ niệm hòn đá muối cà của mẹ lấy từ núi này. "Những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, gia đình tôi phải dời nhà cửa đi sơ tán nhiều nơi. Gồng gánh chạy bom đạn tới đâu mẹ tôi cũng không quên quảy theo đầu trôn gióng hòn đá dằn cà được bà ngoại lấy từ rú Nam Giới, thứ đá muối cà, muối dưa không bao giờ bị hôi cú. Hòn đá là của hồi môn duy nhất mà bà ngoại tặng mẹ tôi ngày mẹ cưới chồng. Năm chị em trong gia đình tôi đã lớn lên và trưởng thành theo vại cà, vại nhút của mẹ. Cho tới nay đã gần 80 tuổi mẹ tôi vẫn giữ hòn đá ấy muối hết vại cà này sang nhút khác. Niềm vui sướng của mẹ là tự tay phân phát cho con cháu những đùm cà, vắt nhút do tay mẹ muối ra. Không biết mai này trước khi quy tiên mẹ tin cậy trao hòn đá ấy lại cho đứa con dâu, hay con gái nào? Nhưng hòn đá từng thấm mặn mồ hôi nước mắt trở nên linh hồn của mẹ đã gom về niềm hạnh phúc đơn sơ cho gia đình tôi từ dạo đó tới nay, thấm thoắt đã ba thế hệ rồi." (tr. 83-84). Bài ký như vậy mở ra những vỉa tầng ẩn sâu dưới những xao động của cuộc sống hôm nay, cấp thêm cho người đọc những hiểu biết địa dư văn hóa của vùng đất, và lắng vào lòng họ nỗi nhớ quê hương.

Như vùng quê bên con sông Rào Trổ ở Kỳ Anh, huyện cực nam Hà Tĩnh. Kỳ Anh có Đèo Ngang ai đi qua đều nhớ bài thơ nổi tiếng của Bà Huyện Thanh Quan. Kỳ Anh có khu kinh tế Formosa trở thành điểm nóng về môi trường một dạo. Ngòi bút báo chí của Ngọc Vượng không bỏ qua sự kiện ấy. Nhưng viết về Kỳ Anh tác giả còn mách cho ta biết nơi đây có một giống quýt đặc biệt – quýt Khốp ở xã Kỳ Thượng. Anh dẫn truyền thuyết từ cuộc nam tiến của chúa Nguyễn Hoàng để cho biết vì sao có tên Khốp đặt cho loại quýt này. Và nhà báo thoắt trở thành nhà tự nhiên học khi mô tả cây quýt: "Quýt khốp cũng là danh từ chung chỉ hai loại quýt đặc trưng mà người dân bản địa trước đây thường gọi là quýt đực và quýt cái. Quýt đực hay còn gọi là quýt xốp, còn quýt cái thường gọi là quýt sáp. Rất khó có thể phân biệt được thế nào là thân cây quýt xốp và quýt sáp, nhưng nếu quan sát kỹ về lá và quả của nó thì rất dễ nhận thấy những khác biệt. Đối với lá quýt sáp bao giờ cũng dày hơn, xanh hơn, to hơn và hơi nhọn hơn so với quýt xốp; trái quýt sáp thường to hơn và ngoài da trơn hơn, và đặc biệt vị quýt sáp cũng ngọt hơn. Ngược lại lá quýt xốp mỏng hơn, tù hơn và nhạt màu hơn so với lá quýt sáp; trái của nó nhỏ hơn một chút và ngoài da trông sần sùi hơn và vị của nó chua hơn." (tr. 138). Tôi đã được Ngọc Vượng một lần chở xe về thăm quê quýt này và mua tặng một cân vỏ quýt phơi khô về ngâm rượu. Nay đọc sách như còn ngửi thấy mùi thơm quýt Khốp!

Ký của Ngọc Vượng, như vậy, là cả một miền yêu quê thương quê. Dòng tình cảm cảm xúc của tác giả chảy tràn trang viết, nhiều khi phá vỡ cả câu chữ. Anh yêu quê và thương nhà. Bài "Bà về từ thuở dấu thương" (tr. 9) mở đầu tập sách kể những hồi ức kỷ niệm đối với bà nội mất khi đứa cháu mới lên ba thời chiến tranh đọc lên rưng rưng xúc động. Từ lòng yêu thương đó tập ký của Ngọc Vượng còn là nỗi niềm đau đáu với người và đất quê Hà Tĩnh. Còn với mình, anh khắc khoải thân phận làm một con người, làm một người con, như bốn câu thơ tác giả đề ở bìa gấp: "Con từng nghe dế gặm thời trai / Thi thể hồ Dâu quê ta không nhắm mắt / Mẹ lóng ngóng dắt con về cửa Phật / Mưa lạc loài bến nước lỗi giờ sinh".

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.

Hà Nội 18.3.2021

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem