Đời đàn ông “chui gầm chạn” chẳng nhẽ... vứt đi?

Thứ hai, ngày 28/11/2011 08:16 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bố mẹ vợ tôi buôn bán giàu có, còn bố mẹ tôi là nông dân nghèo. Vì thế, nhà vợ chồng tôi ở là do bố mẹ vợ cho, việc của tôi cũng nhờ bố vợ xin... Nhưng tôi không thể ngẩng mặt lên được với gia đình vợ.
Bình luận 0

Khi tụ họp gia đình, tôi ngồi y ên không nói thì bố vợ mắng: "Kém giao tiếp", "ít kiến thức xã hội", mà nếu tham gia vài câu thì chị vợ lại bảo: "Cậu có phải bươn chải đâu, cái gì cũng được dọn sẵn". Vợ tôi cũng tỏ thái độ coi thường chồng ra mặt, mua sắm hay làm ăn gì cũng chỉ thích về bàn với bố mẹ đẻ để được hỗ trợ, tôi có góp ý thì vợ tôi nạt nộ: “Anh không có khả năng kinh tế thì ngồi yên đấy cho tôi nhờ”.

Chính vì sự coi thường của vợ mà hai đứa con tôi cũng láo hỗn với bố. Khi con trai mải chơi game, tôi dạy dỗ cháu thì nó phẩy tay: “Bố biết gì mà nói”. 15 năm nay, tôi sống “vơ vất” trong gia đình, chẳng có vai trò gì. Tôi chán quá nhưng trót "há miệng mắc quai" rồi. Chẳng nhẽ cả đời tôi vứt đi...? (Lê Văn Bảo, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh)

Bố mẹ nghèo khó không phải là lỗi hoặc điểm yếu của bất cứ ai. Việc nhận sự giúp đỡ của bố mẹ vợ khi chưa có điều kiện kinh tế cũng không phải là điểm đáng chê trách. Tuy nhiên, của cho không bằng cách cho, của nhận không bằng thái độ nhận.

Có thể thấy, ngay từ đầu, anh đã yên phận và dễ dàng thoả hiệp với việc cung cấp, hỗ trợ vật chất của bố mẹ vợ. Anh không để ý đến thái độ của bố mẹ vợ, họ cho nhà, giúp anh xin việc chỉ là do thương con gái hay còn nghĩ rằng con rể kém cỏi, thiếu năng lực, không thể lo cho con họ một cuộc sống sung túc, đầy đủ. Anh cũng hài lòng với cuộc sống mà bố mẹ vợ đặt sẵn và không có sự nỗ lực vươn lên, chứng minh khả năng của mình.

15 năm chưa phải là đã muộn để anh có sự bứt phá. Anh có thể tiếp tục học tập để nâng cao trình độ, có một vị thế vững vàng hơn. Cũng không phải biết kiếm tiền mới oai phong, có vị thế. Nếu vợ bận làm kinh tế, anh là giáo viên thì phải đảm nhiệm việc dạy dỗ con trở thành trò giỏi, con ngoan.

Muốn chỉ bảo, dạy dỗ được con thì ngoài kiến thức văn hóa trên sách vở, anh cũng cần nâng cao hiểu biết của mình về xã hội, không chỉ làm bố, làm thầy mà còn làm bạn của con mỗi khi con gặp rắc rối trong cuộc sống. Có như vậy con mới nghe lời, mới kính trọng bố. Nếu con cái nhờ anh mà giỏi giang, ngoan ngoãn, vợ anh sẽ hiểu được giá trị của chồng trong gia đình.

Ngoài ra, anh cũng nên nói chuyện để vợ thông cảm với nỗi niềm của chồng, để chị tế nhị hơn. Anh cũng nên chịu khó gần gũi, lắng nghe tâm sự của bố mẹ vợ, kịp thời giúp đỡ các cụ việc nặng nhọc, lúc ốm đau, đừng vì bố mẹ vợ chưa hiểu mình mà xa lánh thì các cụ càng giận. Rất nhiều người con rể vì chân thành, nhiệt tình mà được bố mẹ vợ yêu mến, trân trọng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem