Siết chặt quy định xuất khẩu lao động
"Lần đầu tôi đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan vào năm 1999. Mặc dù hợp đồng với công ty xuất khẩu lao động trong nước ghi rõ các điều khoản về công việc, thời gian lao động, tiền lương… nhưng mới làm được vài tháng đã hết việc. Thế là tôi lang thang.
May mắn tôi được một người bạn giới thiệu cho vào làm việc ở một nhà máy dệt, gặp được chủ tốt nên thu nhập ổn định. Tôi đã chứng kiến không ít trường hợp khi ký hợp đồng thì bảo làm trong nhà máy, nhưng khi sang đây lại bị đẩy vào vùng sâu, vùng xa khai thác gỗ; có trường hợp ký hợp đồng làm giúp việc gia đình, nhưng khi sang đây lại bắt chăm sóc người già ốm liệt.
Có trường hợp công ty phá sản, thất nghiệp mà chẳng được bồi thường đồng nào. Không ít công ty đưa người sang đây rồi đem con bỏ chợ. Tôi nghĩ Bộ LĐTBXH cần siết chặt quy định xuất khẩu lao động để tránh rủi ro cho người lao động, mà phần lớn đều là con em nông dân nghèo".
(Bạn đọc Mai Thị Sao - Công ty Zhong Shan, Đài Loan, Trung Quốc)
Sớm rà soát lại quy trình thanh lý xe ôtô
"Mấy ngày qua, việc bán thanh lý xe ôtô công đang làm dậy sóng dư luận, bởi giá rẻ như bèo. Việc thanh lý tài sản nhà nước được quy định tại Điều 22, Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Theo đó, Khoản 3 điều này quy định: Việc thanh lý theo hình thức bán tài sản nhà nước được thực hiện công khai, theo cơ chế thị trường. Còn phương thức, trình tự thủ tục thanh lý tài sản nhà nước được quy định rất cụ thể tại mục 7 chương 2 Nghị định 52/2009/NĐ-CP.
Trong đó quy định: Việc thanh lý tài sản nhà nước theo phương thức bán được thực hiện đấu giá theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp được bán chỉ định theo quy định. Bởi vậy để minh bạch, theo tôi cơ quan chức năng cần sớm rà soát lại toàn bộ việc thanh lý ôtô vừa qua có đúng quy định của pháp luật không? Trường hợp “đúng quy trình” thì những ai được mua xe đó? Sau khi có kết luận phải công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Có như vậy mới yên lòng dân.
(Luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Luật Đại Nam, Hà Nội)
Một biển hiểu tẩm quất, bấm huyệt lớn được tháo dỡ, chất lên xe trong cuộc ra quân giành lại vỉa hè tại Hà Nội ngày 10.3. Ảnh Hồng Phú
Đòi lại vỉa hè là xây dựng chính quyền liêm chính
"Thời gian qua, câu chuyện mà người dân đang hết sức quan tâm là “đòi” lại vỉa hè cho người đi bộ. Theo quy định tại Khoản 2, mục II, phần 1, Thông tư 04/2008/TT-BXD thì hè (hay vỉa hè, hè phố) là bộ phận của đường đô thị, phục vụ chủ yếu cho người đi bộ và kết hợp là nơi bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị dọc tuyến”.
Vỉa hè là của công cộng, phục vụ mục đích công cộng. Như vậy ai dám “đụng” vào nếu như không có người có chức, có quyền cho phép? Đúng như Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận định, đằng sau những quán vỉa hè, bãi gửi xe đều có bảo kê của cán bộ. Như vậy việc đòi lại vỉa hè không chỉ làm đẹp văn minh đô thị, lập lại trật tự giao thông mà sâu xa hơn còn là làm trong sạch bộ máy, xây dựng một chính quyền liêm chính. Mong rằng tinh thần này thấm đến từng cán bộ chính quyền cơ sở”.
(Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, Hà Nội)
Phải có cơ chế giám sát để tránh vẫn đi xe công mà tiền thì bỏ túi
"Tôi ủng hộ việc Bộ Tài chính đề xuất khoán xe công 6,5 triệu đồng/tháng và chuyển sang đi taxi đối với một số chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên. Nếu sử dụng tiết kiệm anh sẽ được hưởng lợi, do đó mỗi khi cần đi đâu cũng phải cân nhắc. Nếu sử dụng xe công thì “tiền chùa”, cứ xài vô tội vạ. Tuy nhiên nếu không có cơ chế giám sát chặt chẽ với những quy định công khai, minh bạch thì sẽ tạo nên kẽ hở: Xe công vẫn đi mà tiền thì vẫn đút túi"
(Bạn đọc Vũ Hoàng Cung, TP. Nam Định)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.