Đổi mới đào tạo nghề cho lao động nông thôn, cách làm của Phú Yên là gắn với nhu cầu thực tế
Đổi mới đào tạo nghề cho lao động nông thôn, cách làm của Phú Yên là gắn với nhu cầu thực tế
Lê Hà
Thứ bảy, ngày 03/08/2024 09:02 AM (GMT+7)
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh Phú Yên quan tâm chỉ đạo, thực hiện theo hướng đổi mới, gắn với nhu cầu thực tiễn của xã hội. Qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.
Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững và thực chất, thực hiện Chỉ thị số 37 của Ban Bí thư về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, coi trọng thực hành, nhất là thực tiễn sản xuất, kinh doanh.
Ông Phan Đại Thắng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên cho biết: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà chính quyền các cấp, cả hệ thống chính trị tham gia nhằm tái cơ cấu nông nghiệp nông thôn, giúp lao động nông thôn được nâng cao kiến thức, kỹ năng, tăng năng suất lao động góp phần tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình góp phần xóa đói giảm nghèo cho địa phương.
Để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, Phú Yên đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp bằng nhiều hình thức như: Tập huấn, tuyên truyền, tư vấn học nghề cho lao động nông thôn, phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề; tổ chức khảo sát, điều tra nhu cầu học nghề lao động nông thôn tại các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Phối hợp tuyên truyền sâu rộng về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng như các chủ trương, chính sách mới hướng dẫn thực hiện về công tác đào tạo nghề theo Luật Giáo dục nghề nghiệp cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề và tuyển dụng, củng cố nâng cao chỉ số thành phần về đào tạo lao động.
Đứng chân trên địa bàn huyện miền núi Sơn Hòa, thời gian qua, Trường trung cấp Nghề thanh niên dân tộc Phú Yên (Sở LĐ-TB&XH), luôn chú trọng công tác đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số các huyện miền núi của tỉnh, đáp ứng nhu cầu nhân lực có tay nghề. Năm học vừa qua, nhà trường có 61 học sinh vừa nghề, vừa học văn hóa, trong đó có tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp là 94,7%.
Em La Lan Kiệt ở xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) được học miễn phí nghề theo chính sách ưu đãi, chia sẻ: "Gia đình em thuộc hộ nghèo, nên học xong lớp 9, em đăng ký vào trường để vừa học nghề vừa tiếp tục học phổ thông. Em thấy học hết phổ thông ra trường, lại có tay nghề, có thể tìm được việc làm phù hợp để đảm bảo cuộc sống".
Hỗ trợ nông dân phát triển ngành nghề nông thôn gắn với OCOP
Ông Phan Đại Thắng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên cho biết thêm: Thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, toàn tỉnh hiện có 18 cơ sở đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm 2024, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có tham gia tuyển sinh và dạy nghề, đặc biệt là đào tạo nghề cho lao động nông thôn, với các ngành nghề cụ thể như: Điện công nghiệp, dân dụng, hướng dẫn du lịch, cắt gọt kim loại, kỹ thuật chế biến món ăn, nuôi trùn quế, mây tre đan, kỹ thuật làm bánh Âu Á, lái xe ô tô, trồng rau sạch, nuôi và phòng trị bệnh cho trâu bò, nghiệp vụ nhà hàng, tin học văn phòng cho 2.542 người. Trong đó, đào tạo sơ cấp cho 1.144 người và đào tạo dưới 3 tháng cho 1.398 người.
Bên cạnh triển khai các hoạt động đào tạo nghề thường niên, tỉnh Phú Yên đang tổ chức xây dựng, thực hiện các dự án, mô hình phát triển ngành nghề nông thôn gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, nhằm tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập và góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Theo đó, để phát triển các sản phẩm OCOP, UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành Kế hoạch hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn năm 2024 trên địa bàn tỉnh, nhằm hỗ trợ phát triển sản phẩm ngành nghề nông thôn gắn với Chương trình OCOP, liên kết theo chuỗi giá trị năm 2024. Kế hoạch đặt ra chỉ tiêu trong năm 2024 có ít nhất 4 sản phẩm ngành nghề nông thôn của các địa phương đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên (mỗi dự án có ít nhất một sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên).
Ngoài ra, UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền các chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền qua các kênh truyền thông của tỉnh về Chương trình OCOP, phát triển ngành nghề nông thôn.
Song song với đó, UBND tỉnh cũng công khai các văn bản liên quan đến phát triển ngành nghề nông thôn trên trang thông tin điện tử, website các sở, ban, ngành liên quan và địa phương; tổ chức các hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm ngành nghề nông thôn; giới thiệu các mô hình, hoạt động ngành nghề nông thôn mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn, thân thiện với môi trường.
Việc hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn năm 2024 trên địa bàn tỉnh gắn với Chương trình OCOP được kỳ vọng sẽ góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển sản xuất gắn với tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân Phú Yên cũng như trực tiếp thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế nông thôn, thúc đẩy trách nhiệm và năng lực sản xuất, quảng bá và phát triển thị trường sản phẩm của các chủ thể, nhất là các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp trong tổ chức. Đồng thời, giúp hình thành nền kinh tế "xanh", phát triển các vùng sản xuất nông sản "sạch", nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.
"Từ đây đến cuối năm, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục đa dạng hoá loại hình đào tạo nghề và triển khai thực hiện tốt công tác đào tạo nghề năm 2024. Phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm 2024 lên 78%, trong đó có văn bằng chứng chỉ: 29%; tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề lao động nông thôn tại các địa phương; điều tra nhu cầu sử dụng lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tổ chức mở các lớp bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ quản lý, giáo viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp...", ông Phan Đại Thắng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.