Đối phó với bệnh tay chân miệng: Phòng ngừa ngay tại nhà

Thứ hai, ngày 06/06/2011 11:01 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Kết quả xét nghiệm trên 2 mẫu bệnh phẩm của 2 bệnh nhi bị tử vong do bệnh tay chân miệng (TCM) ở TP.HCM cho thấy, một phân nhóm virus TCM mới đang gây nguy hiểm là B2 thuộc Enterovirus (EV) 71.
Bình luận 0

Virus có độc lực mạnh

img

Trẻ mắc TCM ở TP.HCM đang được điều trị tại BV Nhi Đồng 1.

Theo TS-BS Lê Trường Giang - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, tính đến thời điểm này, số ca mắc TCM đã tăng lên trên 300 ca/mỗi tuần, cao hơn 100 ca so mỗi tuần của tháng trước. Điều đáng nói, nếu so sánh với cùng kỳ của năm 2010, số ca mắc TCM tăng hơn gấp 3 lần. Nguy hiểm nhất là trong năm 2010, toàn thành phố chỉ có 1 ca tử vong do TCM thì chưa đầy 5 tháng của năm 2011, số ca tử vong đã lên đến 11 trường hợp.

Về nguyên nhân dẫn đến bệnh TCM tăng đột biến, theo ông Giang, nguyên nhân khách quan do có sự biến chủng của virus EV71 có độc lực cao hơn đã xuất hiện tại VN.

Được biết, trước tình hình TCM đang có dấu hiệu bất thường, BV Nhi Đồng 1 đã mời một nhóm vi sinh lâm sàng từ BV Đại học quốc gia Cheng Kung (Đài Loan, Trung Quốc) sang xem xét và đã mang 5 mẫu từ các ca tử vong tại BV Nhi Đồng 1 về phân tích.

Kết quả cho thấy, 2 trong số 5 mẫu bệnh phẩm là virus EV71 thuộc phân nhóm B2. Theo BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi Đồng 1 thì, B2 là phân nhóm lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam.

Trước đây, bệnh TCM chỉ do virus EV71 phân nhóm C1, C4 và C5 gây ra. Theo đánh giá từ phía Đài Loan, sẽ rất khó khăn trong việc phòng chống dịch và điều trị. Năm 2008, lần đầu tiên virus EV71 phân nhóm B5 cũng xuất hiện tại Đài Loan và gây thiệt hại nặng nề.

Vệ sinh khử khuẩn

Quảng Ngãi: Bệnh hoành hành dữ dội

Theo Sở Y tế Quảng Ngãi, gần 1 tháng qua, đã có 3 trường hợp trẻ em bị tử vong do bị bệnh tay chân miệng. Riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bình quân mỗi ngày đã tiếp nhận, điều trị hơn 10 trường hợp bị căn bệnh này. Hành lang của khoa Nhi bệnh viện cũng được “tận dụng” để làm chỗ nghỉ ngơi, chăm sóc cho các cháu. Hiện phần lớn các ca bệnh đang được điều trị tại bệnh viện đều trong tình trạng nhẹ. Có 4 cháu ở giai đoạn cấp độ 2 đang được cách ly điều trị.

Nguyên nhân khác mà Sở Y tế khẳng định chính là biện pháp phòng ngừa và khử khuẩn đang có vấn đề. Bệnh TCM hiện chưa có thuốc phòng ngừa và chữa trị đặc hiệu. Biện pháp chính đến thời điểm này được xác định đó là vệ sinh khử khuẩn môi trường.

Từ năm 2007, TP.HCM chỉ đạo các trường học chiều thứ 6 hàng tuần phải tổng vệ sinh khử khuẩn đồ chơi, bàn ghế. Đến năm 2011, biện pháp trên đã không được các trường duy trì.

Sở Y tế tiến hành thành lập các đoàn kiểm tra tại các trường học trong tháng 4 và phát hiện các trường không tiến hành khử khuẩn. Việc khử khuẩn mới được khởi động lại trong tháng 5 khi Sở Y tế cùng với Sở Giáo dục - Đào tạo có văn bản chỉ đạo. Ngay lập tức, số lượng các ổ dịch tại các trường học giảm mạnh.

Theo thống kê, 70% số trẻ mắc bệnh TCM hiện không đi học. 30% trẻ mắc bệnh có đến trường nhưng khởi phát bệnh mắc từ nhà. Số ca lây lan ở trường học rất ít. Điều này cho thấy, việc khử khuẩn tại môi trường gia đình rất kém. Để đối phó với dịch bệnh TCM, Sở đã yêu cầu các cơ sở y tế các quận huyện phải thực hiện: Vệ sinh hàng ngày, khử khuẩn hàng tuần.

BS Trương Hữu Khanh - trưởng khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 1 cho biết, bệnh TCM thường gặp nhất ở trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh lây qua tiếp xúc chung các dụng cụ sinh hoạt, đồ chơi, bàn ghế... Những nơi tụ tập đông người như nhà trẻ, mẫu giáo… có nguy cơ lây lan cao nhất.

Các biện pháp phòng bệnh: Giữ vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, vật dụng cá nhân, rửa và phơi nắng đồ chơi; cho trẻ ăn thức ăn chín, uống nước đun sôi; rửa tay sạch sẽ; cách ly khi có người nhà hoặc trong lớp học có trẻ nghi ngờ bị bệnh; tăng cường dinh dưỡng đầy đủ và ngủ nghỉ, vui chơi hợp lý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem