Cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger từng nhận xét Bắc Kinh có chính sách ngoại giao không trực diện nên đôi khi Washington cảm thấy khó hiểu. Các chính phủ phương Tây đã phải thuê các chuyên gia về Trung Quốc để giải thích những tín hiệu mơ hồ phát ra từ Bộ Chính trị nước này.
Cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger từng nhận xét Bắc Kinh có chính sách ngoại giao không trực diện nên đôi khi Washington cảm thấy khó hiểu. Các chính phủ phương Tây đã phải thuê các chuyên gia về Trung Quốc để giải thích những tín hiệu mơ hồ phát ra từ Bộ Chính trị nước này.
Dưới thời lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, chiến lược của Trung Quốc là "náu mình chờ thời". Nhưng giờ đây họ đang chuyển sang chính sách ngoại giao quyết liệt mang tên "chiến lang", đặt theo tên loạt phim hành động nổi tiếng Trung Quốc, trong đó quân đội Trung Quốc thực hiện hàng loạt chiến dịch táo bạo trên toàn cầu.
Một bài xã luận trên báo Trung Quốc Global Times gần đây viết rằng người dân "không còn hài lòng với giọng điệu ngoại giao mềm mỏng" và phương Tây "cảm thấy bị thách thức trước ngoại giao 'chiến lang' của Trung Quốc".
Nhà ngoại giao "chiến lang" nổi bật nhất là Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên trẻ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Ông là người nêu thuyết âm mưu Mỹ có thể đã mang nCoV đến Vũ Hán.
Ông có hơn 600.000 người theo dõi trên Twitter và tận dụng lợi thế đó bằng cách liên tục đăng tweet, chia sẻ và ấn thích những bài đăng bảo vệ và ủng hộ Trung Quốc.
Tất nhiên, đây là điều các nhà ngoại giao ở bất cứ nơi nào trên thế giới phải làm: thúc đẩy lợi ích quốc gia của nước mình, nhưng ít người sử dụng ngôn ngữ không mang tính ngoại giao. Trong khi đó, đại sứ quán Trung Quốc ở Ấn Độ mô tả lời kêu gọi Trung Quốc bồi thường vì để nCoV lây lan là "lố bịch và ngu ngốc". Đại sứ Trung Quốc tại Hà Lan nói Tổng thống Trump "rất phân biệt chủng tộc".
Sau khi Trump bị chế giễu vì bình luận tìm cách 'tiêm thuốc khử trùng diệt nCoV', phát ngôn viên của đảng Cộng sản Trung Quốc tại Bắc Kinh đã mỉa mai trên Twitter: "Ngài Tổng thống nói đúng. Một số người cần được tiêm thuốc khử trùng, hoặc ít nhất là súc miệng bằng nó. Bằng cách đó, họ sẽ không lan truyền virus, những lời dối trá và thù hận".
Tại London, nhà ngoại giao 'chiến lang' của Trung Quốc là Mã Huy, quan chức quyền lực số ba tại đại sứ quán. Ông viết trên Twitter: "Một số lãnh đạo Mỹ đã hạ thấp các tiêu chuẩn đạo đức để nói dối, đưa ra thông tin sai lệch, đổ lỗi và bêu xấu người khác. Điều đó thật đáng khinh, nhưng chúng ta không nên cũng hạ thấp tiêu chuẩn của mình. Họ không quan tâm nhiều đến vấn đề đạo đức, liêm chính nhưng chúng ta thì có. Chúng ta cũng có thể đấu lại sự ngu ngốc của họ".
Đối với Trung Quốc, đây là một thay đổi rất lớn. Nghiên cứu của nhóm chuyên gia tư vấn Đức Marshall Fund cho thấy số tài khoản Twitter thuộc nhà nước Trung Quốc tăng 300% trong năm qua, số bài đăng tăng gấp 4 lần. "Điều này rất khác những gì chúng tôi thường thấy từ Trung Quốc", Kristine Berzina, chuyên gia từ Marshall Fund, nói. "Trước đây, Trung Quốc cố thể hiện hình ảnh tích cực, thúc đẩy tình hữu nghị. Các video về gấu trúc dễ thương phổ biến hơn nhiều những lời công kích. Vậy nên, đây là thay đổi lớn".
Đây rõ ràng là một lựa chọn chính sách của Trung Quốc. Họ lẽ ra có thể chọn tập trung hoàn toàn vào chiến dịch "ngoại giao khẩu trang" - hỗ trợ và bán thiết bị y tế khắp thế giới. Hành động đó thúc đẩy quyền lực mềm của Trung Quốc khi các nước khác đang chật vật đối phó dịch. Nhưng thiện chí từ "con đường tơ lụa y tế" này dường như đã bị tiêu tan bởi sự quyết liệt của các nhà ngoại giao "chiến lang"
Đại sứ Trung Quốc tại Australia Thành Cạnh Nghiệp đấu khẩu với nước sở tại. Khi Australia ủng hộ điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc virus, ông Thành nói với tờ Australian Financial Review rằng "có lẽ người dân bình thường sẽ nói 'tại sao chúng ta cần uống rượu vang Australia, ăn thịt bò Australia", ám chỉ Trung Quốc có thể tẩy chay hàng hóa Australia.
Ngoại trưởng Marise Payne sau đó chỉ trích Trung Quốc "lấy kinh tế làm công cụ đe nẹt". Các quan chức ngoại giao và thương mại Australia gọi cho đại sứ để yêu cầu ông giải thích. Ông phản ứng bằng cách đăng nội dung cuộc hội thoại lên trang web của đại sứ quán, trong đó ông thúc giục Australia ngừng chơi "trò chính trị". Trung Quốc tuần này áp lệnh cấm nhập khẩu đối với một số nhà chế biến thịt bò Australia và đe dọa áp thuế với lúa mạch Australia.
Tại Paris, đại sứ Trung Quốc Lô Sa Dã bị Bộ Ngoại giao nước sở tại triệu tập để giải thích về bình luận trên trang web sứ quán rằng Pháp đã bỏ mặc người già chết vì nCoV tại các viện dưỡng lão.
Tại châu Phi, một số đại sứ ở Nigeria, Kenya, Uganda, Ghana và Liên minh châu Phi đã bị chủ nhà triệu tập trong những tuần gần đây để giải thích về các hành vi phân biệt đối xử với người châu Phi ở Trung Quốc.
Cựu thủ tướng Australia Kevin Rudd lập luận rằng Trung Quốc phải trả giá cho chiến lược mới của mình: "Dù các nhà ngoại giao 'chiến lang' báo cáo kết quả lên Bắc Kinh như thế nào thì thực tế là vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế hứng đòn lớn. Điều trớ trêu là họ đang gây ra thêm tai tiếng chứ không phải cải thiện hình ảnh".
"Tinh thần chống Trung Quốc đã xuất hiện ở nhiều quốc gia như Ấn Độ, Indonesia và Iran. Quyền lực mềm của Trung Quốc có nguy cơ vỡ vụn", Rudd nói thêm.
Chính sách ngoại giao quyết liệt của Trung Quốc có thể khiến phương Tây thêm ác cảm, các nước trở nên không tin tưởng và ít sẵn sàng hợp tác với Bắc Kinh.
Tại Mỹ, Trung Quốc đã trở thành chủ đề thu hút nhiều quan tâm trong cuộc bầu cử tổng thống, hai ứng cử viên sẽ cố tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc hơn đối phương. Tại Anh, các nghị sĩ bảo thủ đang tìm cách giám sát chặt chẽ hơn các chính sách của Trung Quốc.
Câu hỏi được đặt ra là liệu những căng thẳng ngoại giao này có dẫn đến đối đầu nghiêm trọng hơn giữa Trung Quốc và phương Tây, vào thời điểm thế giới cần hợp tác?
Trước mắt, việc nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển và phân phối vaccine Covid-19 cần sự hợp tác quốc tế, bao gồm cả Trung Quốc. Về lâu dài, hầu hết các nhà phân tích mong đợi một số nước phối hợp để vực dậy nền kinh tế thế giới. Nhưng cơ hội đó dường như rất mong manh.
"Nếu Mỹ và Trung Quốc không gạt mâu thuẫn đi để cùng nhau chống lại đại dịch toàn cầu, thật khó tin họ sẽ tìm cách hợp tác để củng cố nền kinh tế", Bonnie Glaser, giám đốc Dự án Quyền lực Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington, nói.
Một số chiến lược gia cho rằng trong khi phương Tây sẽ phải tách khỏi sự phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc sau đại dịch, họ cũng cần tìm khuôn khổ hợp tác mới. Nhưng ngoại giao "chiến lang" có thể làm cho điều đó khó khăn hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.