“Đối tác chung nhà”, Tiki và Sendo toan tính gì?

Huyền Anh Thứ bảy, ngày 06/06/2020 15:44 PM (GMT+7)
Nằm trong top 4 sàn thương mại điện tử có lượng truy cập lớn nhất Việt Nam cùng với Shopee và Lazada, Tiki và Sendo toan tính gì khi trở thành “đối tác chung nhà”?
Bình luận 0

Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số cho biết, cơ quan này đã nhận được thông báo về việc sáp nhập của Tiki và Sendo.

Việc Tiki và Sendo sáp nhập không quá bất ngờ với người tiêu dùng bởi hồi cuối tháng 4, việc Tiki bất ngờ lập một gian hàng trên Sendo với tên gọi Tiki Trading Platinum Mall cũng đã khiến nhiều người đồn đoán về khả năng sáp nhập. Đồn đoán này xuất phát từ thực tế, việc một sàn thương mại điện tử mở gian hàng trên nền tảng của đối thủ vốn là chuyện chưa có tiền lệ tại Việt Nam.

Được biết, Tiki và Sendo đang nằm trong top 4 sàn thương mại điện tử có lượng truy cập lớn nhất Việt Nam cùng với Shopee và Lazada. Câu hỏi đặt ra Sendo và Tiki toan tính gì khi lựa chọn phương án sáp nhập vào thời điểm này?

“Đối tác chung nhà”, Tiki và Sendo toan tính gì? - Ảnh 1.

Tiki và Sendo "song kiếm hợp bích" để trở thành "gã khổng lồ" thương mại điện tử? (Ảnh ITC)

Tiki và Sendo toan tính gì?

Có lẽ chỉ những người trong cuộc là Tiki và Sendo mới có thể đưa ra được câu trả lời chính xác nhất. Tuy nhiên, từ những dữ liệu thực tế vẫn hé mở được phần nào lý do của cú bắt tay này.

Điểm đầu tiên có thể nhìn thấy đó chính là tham vọng chiếm lĩnh thị trường.

Trên thực tế, dù là đối thủ cạnh tranh trực tiếp nhưng ngay từ đầu, chiến lược thị trường của Tiki và Sendo lại khá khác biệt. Trong khi Tiki có những lợi thế ở khu vực thành thị, tập trung vào các thành phố lớn thì Sendo với chiến lược "lấy nông thôn vây thành thị" lại tập trung chú trọng đến hàng hóa đa dạng, giá mềm để dễ tiếp cận với người dùng ở ngoại thành, nông thôn và xây dựng hình ảnh tốt với khách hàng ở các khu vực nông thôn.

Bằng chứng là theo báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường Q&Me chỉ ra: Tiki được người dùng đánh giá cao nhất về chất lượng sản phẩm và dịch vụ, đặc biệt trong các ngành hàng điện tử - di động vốn có thị phần cao ở các đô thị lớn.

Trong khi đó, một số liệu của iPrice chỉ ra rằng Sendo đang có số thiết bị truy cập web hằng tháng từ tìm kiếm tự nhiên cao nhất, 44% lượng truy cập vào website của Sendo là đến từ các trang tìm kiếm như Google hoặc Cốc Cốc, cho thấy khả năng tiếp cận nhanh chóng đến các tỉnh thành của chợ thương mại điện tử này.

Điểm khác biệt của Tiki và Sendo trong chiến lược thị trường có thể sẽ bổ trợ nhau khi Tiki và Sendo về "chung nhà". Bởi sau khi sáp nhập, đồng nghĩa với việc Tiki và Sendo bớt đi 1 đối thủ cạnh tranh, giảm được lượng lớn chi phí vận hành, liên thông về công nghệ, mở rộng tệp khách hàng...

Chưa hết, sức mạnh cạnh tranh của Tiki và Sendo được kỳ vọng sẽ được củng cố khi tạo ra một thương mại điện tử mới có "sức nặng" từ thế mạnh của sàn thương mại điện tử trước đó. Thậm chí, M&A giữa Tiki và Sendo để tạo nên một "gã khổng lồ mới" của ngành thương mại điện tử đủ lớn để cạnh tranh đường dài với doanh nghiệp ngoại.

Giải bài toán về nguồn vốn cho Tiki và Sendo

Một lý do cho thấy sự hợp lý khi Tiki và Sendo trở thành "đối tác chung nhà" và có vai trò quyết định đó chính là vấn đề về nguồn vốn.

Bán hàng online từng được ví là một "cuộc chơi đốt tiền" của các "đại gia" khi mà biên lợi nhuận thấp và các chi phí liên quan đến bán hàng, logistics, khuyến mãi thu hút người dùng... lại rất lớn.

“Đối tác chung nhà”, Tiki và Sendo toan tính gì? - Ảnh 3.

Tiki và Sendo đang nằm trong top 4 sàn thương mại điện tử có lượng truy cập lớn nhất Việt Nam cùng với Shopee và Lazada.

Thời gian qua, thị trường cũng ghi nhận không ít doanh nghiệp đã phải rời "cuộc chơi đốt tiền" này đơn cử như Thế giới Di động (MWG) đóng cửa trang Vuivui.vn vào tháng 12/2018, sau đó là Central Group đóng cửa trang Robins.vn vào giữa năm 2019 và Adayroi của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vào cuối năm ngoái 2019.

Thực tế cũng cho thấy, các trang thương mại điện tử tại Việt Nam "sống sót" phải là những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh. Đơn cử như, Lazada và Shopee được hậu thuẫn bởi "ông lớn" Alibaba và SEA.

Quay trở lại với câu chuyện sáp nhập của Tiki và Sendo, nếu nhìn vào bức tranh tài chính của Tiki và Sendo trong thời gian qua thì thấy, Tiki và Sendo có lẽ không phải là ngoại lệ.

Được mệnh danh là "Amazon của Việt Nam" nhưng Tiki được ví là "kẻ đốt tiền" của kỳ lân tỷ USD VNG của CEO Lê Hồng Minh. Bằng chứng là, đến cuối năm 2019, riêng khoản đầu tư của VNG vào CTCP Ti Ki (đơn vị vận hành sàn thương mại điện tử Tiki) là 506,27 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ sở hữu ở mức 24,25%. Tuy nhiên, khoản lỗ sau thuế của Tiki lên tới 1.765 tỷ đồng. Hay như Sendo, lỗ lũy kế gần 1.300 tỷ tính đến cuối năm 2018. Kết quả, cả Tiki và Sendo liên tục gọi vốn để tiếp tục duy trì.

Do đó, nếu Tiki và Sendo sáp nhập có thể giải tỏa đáng kể áp lực vốn này, vừa có thể mở rộng thị trường. Và quan trong không kém chính là nhà đầu tư cũng có thêm cơ sở để mở hầu bao trong bối cảnh quỹ đầu tư nào cũng đang thắt lưng buộc bụng.

Còn nhớ, để trở thành đế chế thương mại điện tử lớn nhất thế giới, Alibaba đã thâu tóm khoảng 100 doanh nghiệp khác nhau. Có lẽ "song kiếm hợp bích" giữa Tiki và Sendo có thể cũng sẽ trở thành bước ngoặt quan trọng của thương mại điện tử Việt Nam.  

Tuy nhiên, liệu rằng cú bắt tay giữa Tiki và Sendo có thực sự trở thành kỳ lên trong lĩnh vực thương mại điện tử hay không vẫn là câu hỏi ngỏ bởi thị trường đã từng chứng minh: không phải lúc nào sáp nhập cũng mang về trái ngọt.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem