Đối tượng dùng súng khống chế nữ điều dưỡng phạm tội gì?

Đình Việt Thứ hai, ngày 30/10/2017 12:52 PM (GMT+7)
Luật sư nhận định, đối tượng dùng vũ súng và dao để khống chế và bắt giữ nữ điều dưỡng viên của Bệnh viện tâm thần Trung ương 1 đã có dấu hiệu cấu thành của tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật.
Bình luận 0

Liên quan đến vụ việc một nam thanh niên dùng súng và dao khống chế, bắt giữ chị Lê Thị Hà, một nữ điều dưỡng của Bệnh viên tâm thần Trung ương 1 (Thường Tín – Hà Nội) làm con tin.

Sáng nay (30.10) để bạn đọc có cái nhìn khách quan về vụ việc dưới góc độ pháp lý, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Tuấn Anh – Cty luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

Luật sư Trần Tuấn Anh nhận định, đối tượng dùng vũ súng và dao để khống chế và bắt giữ nữ điều dưỡng viên của Bệnh viện tâm thần Trung ương 1 đã có dấu hiệu cấu thành của tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật.

Theo luật sư Trần Tuấn Anh, người nào thực hiện hành vi phạm tội này có thể phải đối mặt với mức hình phạt "cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Trong trường hợp hành vi phạm tội gây ra hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

img

Lực lượng cảnh sát hình sự giải cứu an toàn chị Hà vào 11h15 phút ngày 29.10. Cảnh sát cũng bắt giữ đối tượng gây án là Trần Đức Anh.

Ngoài ra, luật sư Tuấn Anh cũng phân tích, trong sự việc này cơ quan công an cũng đã xác định, đối tượng gây án đã dùng súng để khống chế chị Hà, như vậy đối với hành vi này sẽ có hai trường hợp xảy ra.

Thứ nhất, trong trường hợp cơ quan điều tra xác định đối tượng đã dùng súng để khống chế chị Hà thì đối tượng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự theo quy định tại Điều 230 BLHS với hành vi cụ thể là sử dụng trái phép vũ khí, quân dụng.

Thứ hai, nếu cơ quan điều tra xác định khẩu súng mà đối tượng sử dụng để khống chế chị Hà không phải là vũ khí, quân dụng mà chỉ là vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ thì đối tượng cũng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ theo quy định tại Điều 233 BLHS.

img

Luật sư Trần Tuấn Anh. Ảnh: NVCC

Trước đó, như Dân Việt đã thông tin, chiều nay 29.10, trao đổi với phóng viên, Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng phòng CSHS (Công an TP.Hà Nội) cho biết, vào khoảng 9h30 sáng nay, Phòng cảnh sát hình sự nhận tin báo từ Công an huyện Thường Tín về việc, tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương xảy ra vụ việc một nam thanh niên mặc áo khoác, vào khu thăm hỏi, tiếp tế cho các bệnh nhân.

Đối tượng này yêu cầu cho gặp bạn đang điều trị tại đây tên là H. Khi không được đáp ứng, đối tượng này rút khẩu súng dạng K59 cùng một dao găm khống chế một nhân viên điều dưỡng rồi đưa ra ngoài đường, chặn một chiếc xe taxi lại, cùng về cửa hàng bán hoa ở thị trấn Thường Tín.

Cũng theo Đại tá Giáp, trong vụ việc này, bị hại là chị Lê Thị Hà - điều dưỡng viên tại Bệnh viện tâm thần Trung ương 1.

“Do chị Hà đã tiếp xúc với nhiều đối tượng ngáo đá, tâm thần nên rất có bản lĩnh. Mặc dù bị đối tượng kề súng và dao vào cổ nhưng vẫn hết sức bình tĩnh, không hoảng loạn hay khóc lóc van xin đối tượng này cũng như gây khó khăn cho công tác giải cứu con tin, khống chế đối tượng của lực lượng chức năng”, Đại tá Giáp nhận định.

Ngoài ra, ông Giáp cũng cho biết thêm, nữ điều dưỡng viên bị bắt cóc vào sáng 29.10 đã được lực lượng cảnh sát hình sự giải cứu an toàn vào 11h15 phút cùng ngày. Cảnh sát cũng bắt giữ đối tượng gây án là Trần Đức Anh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem