Đường dây đẻ thuê ở Nam Định sẽ phải chịu án phạt thế nào?
Đối tượng trong đường dây “đẻ thuê” ở Nam Định sẽ phải chịu án phạt thế nào?
Bảo Yến
Thứ tư, ngày 21/04/2021 15:08 PM (GMT+7)
Đường dây “đẻ thuê” vì mục đích thương mại lên tới hàng tỷ đồng vừa bị Công an tỉnh Nam Định triệt phá. Các đối tượng trong đường dây mang thai hộ này sẽ phải đối mặt với án phạt như thế nào?
Như Dân Việt đưa tin, Công an tỉnh Nam Định vừa triệt phá một đường dây đẻ thuê ở Nam Định với tổng số tiền giao dịch lên tới hàng tỉ đồng.
Theo đó, sau một thời gian lập án đấu tranh, Công an tỉnh này đã điều tra, làm rõ và bắt giữ Bùi Thị Hiền (SN 1988; ngụ số 63, đường Nguyễn Khánh Toàn, phường Lộc Hòa, TP Nam Định, tỉnh Nam Định) - kẻ cầm đầu, và Khổng Thị Lan (SN 1987; ngụ xã Văn Lãng, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) để làm rõ hành vi "Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại".
Theo điều tra, Hiền sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo để tìm kiếm những người hiếm muộn, có nhu cầu thuê người mang thai hộ, đồng thời tìm kiếm những phụ nữ có nhu cầu "đẻ thuê".
Mỗi vụ đẻ thuê do Hiền sắp đặt có giá dao động từ 830 triệu đồng -850 triệu đồng. Trong đó, người đẻ thuê được Hiền trả cho 250 triệu đồng.
Tại thời điểm bị bắt, Công an tỉnh Nam Định xác định, Hiền và Lan đang chăm sóc 9 phụ nữ "đẻ thuê", trong đó có 3 người đang mang thai từ 12 đến 16 tuần tuổi".
Hiện vụ việc đang được Công an tỉnh Nam Định mở rộng điều tra, làm rõ.
"Đẻ thuê" vì mục đích thương mại bị phạt thế nào?
Trao đổi với Dân Việt về vụ việc trên, luật sư Phạm Quang Xá – Giám đốc Công ty luật XTVN, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho hay: Theo quy định của Bộ luật Hình sự tại Điều 187, hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, với mức phạt tương ứng như sau:
Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Trường hợp tổ chức mang thai hộ đối với 2 người trở lên, hoặc phạm tội 2 lần trở lên, hoặc lợi dụng danh nghĩa của cơ quan tổ chức, hoặc tái phạm nguy hiểm thì sẽ bị phạt tù từ một năm đến 5 năm.
Bên cạnh đó, hình phạt bổ sung đối với những đối tượng tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại là bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm.
Đối với người mang thai hộ, theo quy định tại Khoản 1 điều 60, Nghị định 82/2020 thì hành vi này bị xử phạt hành chính từ 5 triệu đồng – 10 triệu đồng.
Ngoài ra, các đối tượng sẽ phải chịu mức hình phạt bổ sung là nộp lại số tiền thu lợi bất chính.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.