Những gói thuốc giết người
Nằm ôm cháu một mình ở Phòng Cấp cứu, bà Nguyễn Thị Bê - bà nội của bệnh nhi Vũ Thành Long (2 tuổi, ở xã Vạn Kim, Mỹ Đức, Hà Nội)- bị ngộ độc chì cấp cho biết: Khoảng 1 tuần trước, khi thấy 2 con có triệu chứng biếng ăn lại bị tiêu chảy, mẹ cháu Long mua hai gói thuốc cam màu xanh đỏ với giá 15.000 đồng/gói ở chợ Sêu tại xã về cho uống và đánh tưa lưỡi. Sau 1 ngày sử dụng, bé Vũ Xuân Thành (7 tháng tuổi, em trai bé Long), có hiện tượng sốc, tím tái, co giật nên mẹ ngừng bôi và cho con đi khám.
|
Bệnh nhi Vũ Thành Long đang cấp cứu ở bệnh viện |
Bác sĩ ở Bệnh viện huyện Mỹ Đức chẩn đoán cháu bị viêm não, khi chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương khám và làm xét nghiệm máu, được kết luận cháu bị ngộ độc chì với tỷ lệ 140mcg/dl (cao gấp 7 lần chỉ số chì cho phép trong máu). Quá lo ngại, mẹ cháu đưa cả con lớn đi khám, không ngờ cả cháu Long cũng bị ngộ độc chì.
Theo lời kể của bà Bê, các loại thuốc cam được bày bán rất nhiều tại các chợ phiên của xã. Rất nhiều gia đình nghèo, không có tiền đưa con đi khám, lại nghe lời truyền miệng thuốc cam có thể chữa nhiều bệnh cho trẻ nên nhiều nhà trong xã đã mua về cho con uống.
Do thuốc cam được sử dụng phổ biến nên khi có thông tin thuốc này nhiễm chì, nhiều gia đình đã đưa trẻ tới Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) để xét nghiệm, gây ra tình trạng quá tải. Mỗi ngày, trung tâm phải khám và xét nghiệm cho khoảng 30- 40 cháu.
Bé Nguyễn Bình Yên (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) đã may mắn thoát cơn nguy hiểm. Chị Đặng Thị Loan – mẹ bé Yên cho biết: “Cách đây hơn 1 tháng, nghe mọi người mách nên tôi đi chợ tại xã mua thuốc cam với giá 30.000 đồng/gói về bôi lưỡi cho con. Không ngờ, sau 6 tiếng, con gái tôi có biểu hiện sốt, tím tái như bị trúng gió, gia đình chuyển cháu đi bệnh viện cấp cứu mới biết cháu bị ngộ độc chì cấp”.
Theo PGS - TS Bế Hồng Thu – Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc: “Từ cuối năm 2011 đến nay, trung tâm đã tiếp nhận 130 trẻ ngộ độc chì. Gần đây, tỷ lệ trẻ ngộ độc ngày càng tăng, mỗi tuần có từ 3-4 trẻ nhập viện điều trị, nhiều nhất là từ Bắc Giang, Nam Định, Thanh Hoá… Cá biệt còn có những cháu được chuyển ra từ Đà Nẵng, Kon Tum… cũng trong tình trạng ngộ độc cấp. Trẻ bị ngộ độc chì nặng sẽ để lại di chứng nghiêm trọng do tổn hại hệ thần kinh trung ương, mất trí nhớ, cơ bắp co rút gây bại liệt, rối loạn hành vi”.
Cơ quan y tế thụ động
Theo ông Nguyễn Hoàng Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Y dược cổ truyền (Bộ Y tế), sau khi có thông tin 2 trẻ em uống thuốc cam mua tại chợ của bà Nguyễn Thị Thế (xã Tiên Dị, huyện Lục Nam, Bắc Giang) và bị ngộ độc chì hồi tháng 11.2011, Vụ đã phối hợp với Sở Y tế Bắc Giang về kiểm tra. Tuy nhiên, bà Thế đã không còn bán thuốc tại chợ. Các cán bộ thanh tra đã phải đóng giả làm người đi mua thuốc cho con mới bắt quả tang bà Thế bốc thuốc tại nhà.
Lang băm học lỏm nên làm liều
Theo lương y Vũ Quốc Trung (Phòng chẩn trị y học cổ truyền chùa Cảm Ứng- Hội Đông y Hà Nội), Đông y có 3 vị thuốc có chứa chì là duyên đơn, duyên phấn và mật đà tăng, đều là khoáng vật, có trong thiên nhiên. Các bài thuốc cam là thuốc bổ tì, tiêu thực giúp trẻ em ăn ngon miệng, tiêu hóa tốt, cải thiện sức khỏe sử dụng các vị thuốc cũng có nguồn gốc tự nhiên như hoài sơn, đan bì, ý dĩ, bạch truật, sa sâm…, hoàn toàn không có vị duyên đơn, duyên phấn. Tuy nhiên, các loại thuốc chữa tưa lưỡi của một số bài thuốc cam của những người bán dạo, làm theo công thức học lỏm và lạc hậu, vẫn cho các vị duyên đơn và duyên phấn vào để trị lở loét. Ông Trung cũng dự đoán, người ta đã không dùng duyên đơn, duyên phấn có nguồn gốc tự nhiên mà dùng luôn các hợp chất tổng hợp như bã quặng (lấy từ lò luyện kim) có hàm lượng chì rất cao, có thể gây ngộ độc cấp tính cho trẻ chỉ bằng liều lượng nhỏ.
Đoàn đã lấy 2 mẫu thuốc bột đưa đến Viện Kiểm nghiệm thuốc T.Ư xét nghiệm. Kết quả, trong sản phẩm “Thuốc bôi tưa lưỡi trẻ em” dạng bột màu đen có hàm lượng chì 4,30mcg/g; ở sản phẩm “Thuốc uống chữa tưa lưỡi trẻ em” dạng bột màu trắng sáng là 1,04mcg/g. Thuốc có 4 vị, trong đó có duyên đơn (còn gọi là hồng đơn) là một loại Đông y chứa chì.
Ông Trần Văn Bản - Chủ tịch Trung ương Hội Đông y Việt Nam, ngạc nhiên: “Bài thuốc cam không hề có vị thuốc nào có liên quan đến chì. Tôi cũng không hiểu tại sao một số lang băm lại cho duyên đơn vào thuốc”.
Trước thực trạng ngày càng nhiều trẻ em bị ngộ độc chì do uống thuốc cam, Vụ Y dược cổ truyền đã có công văn gửi 63 sở y tế yêu cầu tăng cường công tác quản lý hành nghề tư nhân, nghiêm cấm bán thuốc dạo, khám và bốc thuốc không được phép. Tuy nhiên, đến nay mới có 3 sở có báo cáo là Hà Nội đình chỉ 3 cơ sở bán thuốc cam, thuốc tưa lưỡi có chì; Bắc Giang 1 cơ sở và 1 ở Hải Dương. Đây đều là những địa chỉ do người nhà bệnh nhân bị ngộ độc chì cung cấp.
Có 12 tỉnh báo cáo không phát hiện trường hợp cơ sở y dược Đông y nào có thuốc cam nhiễm chì. Ngày 12.4, Vụ Y dược cổ truyền đã đề nghị Trung tâm Chống độc cung cấp danh tính và địa chỉ của 91/130 trường hợp ngộ độc từ đầu năm 2012 để yêu cầu các sở y tế kiểm tra các điểm bán thuốc, cơ sở cấp thuốc gây ngộ độc chì. Như vậy, theo quy trình này, các sở y tế đều ngồi “đợi” có người bị ngộ độc rồi mới đi tìm và kiểm tra!
Diệu Linh – Minh Nguyệt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.