Đồng bằng sông Cửu Long: Hạn, mặn bất thường

Thứ năm, ngày 28/02/2013 06:58 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Không chỉ hạn nặng ở Tây Nguyên, miền Trung, tình trạng này cũng đang xảy ra tại ĐBSCL. Chưa năm nào tình trạng hạn, mặn lại đến sớm, độ mặn cao bất thường và lấn sâu vào nội đồng như hiện nay.
Bình luận 0

Hiện tượng này được coi là bất thường và khắc nghiệt nhất trong lịch sử…

Không kịp trở tay

Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng thủy văn Bến Tre, so với năm 2012 thì năm nay mặn xâm nhập sớm hơn khoảng 2 tháng. Tại 3 huyện ven biển là Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, nông dân trồng lúa trở tay không kịp vì bất ngờ.

img
Cánh đồng lúa tại xã Tân Xuân (Ba Tri, Bến Tre) bị ảnh hưởng bởi mặn xâm nhập.

Ông Huỳnh Đông Hà - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú cho biết: Lúa trên địa bàn xã mới chỉ từ 30 – 45 ngày tuổi nên khả năng chịu mặn rất kém. Ở độ tuổi này, cây lúa sợ nhất nước mặn. Trong khi đó, trên địa bàn xã cũng như một số xã lân cận như Quới Điền, Tân Phong, Phú Khánh, tình trạng sâu cuốn lá gây hại cũng đang làm đau đầu nông dân.

Ông Hà cho hay đây là năm thứ 2 người dân địa phương làm lúa vụ 3. Vụ đầu tiên bà con trúng đậm nhưng không ngờ năm nay nước mặn vào sớm. “Nếu nước ngọt được thêm chừng 15 – 20 ngày nữa thì cây lúa chống chịu được, chứ sớm như năm nay thì chịu thua” – ông Hà nói.

Tại huyện Ba Tri, huyện có diện tích lúa lớn nhất tỉnh Bến Tre, những diễn biến bất thường của hạn mặn đang làm đau đầu nông dân. Ông Trương Quốc Khánh - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, trên địa bàn huyện có khoảng 600 ha lúa bị nước mặn ảnh hưởng, tập trung nhiều tại các xã Tân Xuân, Bảo Thạnh, Bảo Thuận. Nguyên do là năm nay nước thượng nguồn đổ về ít, trong khi gió chướng hoạt động mạnh, đưa nước mặn vào sâu nội đồng.

Đưa chúng tôi đi thực tế tại cánh đồng xã Tân Xuân, bà Trần Thị Ngọc Thảo - cán bộ kinh tế - kế hoạch xã cho biết phần lớn diện tích lúa được gieo sạ khoảng 50 ngày tuổi, nước mặn vào sớm kết hợp với gió quá mạnh gây cháy lá, thêm vào đó là tình trạng sâu cuốn lá gây hại. Theo bà Thảo, năng suất lúa vụ này ước đạt chỉ 3 – 3,5 tấn/ha. “Các năm trước năng suất bình quân vụ này khoảng 4 – 4,5 tấn/ha mà nông dân còn than lỗ. Năm nay không biết ra sao nữa”.

Theo Sở NNPTNT Bến Tre, từ nay đến tháng 5, mặn 4‰ xâm nhập sâu 55 – 60km tính từ cửa sông, mặn 1‰ xâm nhập toàn tỉnh. Trước những diễn biến bất thường của thời tiết cộng với thực tế hệ thống thủy lợi chưa được khép kín, Sở NNPTNT Bến Tre yêu cầu các đơn vị chức năng theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước trên các sông, quản lý chặt chẽ các vùng giáp ranh trồng lúa và nuôi thủy sản. Đồng thời vận động người dân tại các địa phương chưa có đê bao ngăn mặn, trữ ngọt cục bộ phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.

Đe dọa cả đồng bằng

Từ giữa tháng 2.2013, nhiều vùng cách biển khoảng 30km gần như không có khả năng lấy nước ngọt từ các cửa sông; kể từ tháng 3, 4 và 5, các vùng cách biển trong phạm vi từ 45-50km có thể thiếu nước sinh hoạt.

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, hiện nay độ mặn trên các cửa sông Tiền và sông Hậu đang tăng cao và đã xâm nhập vào nội đồng 40km đến 50km. Các ngành chức năng nhận định xâm nhập mặn ở ĐBSCL tới sớm và khắc nghiệt nhất trong lịch sử bởi mùa lũ năm trước nhỏ và gió chướng hoạt động mạnh.

Tại Tiền Giang, hiện đang có hơn 30.000 ha lúa đông xuân khu vực ven biển bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn. Không chỉ cây lúa ngắc ngoải vì thiếu nước, người dân sông ven biển cũng khốn khổ vì thiếu nước sinh hoạt. Ông Nguyễn Thiện Pháp - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Tiền Giang cho biết: Giải pháp giúp dân không thiếu nước ngọt sinh hoạt là chi cục chỉ đạo cho hệ thống trạm cấp nước 2 huyện nói trên, bắt đầu từ đầu tháng 3 mở 60 vòi cấp nước miễn phí cho bà con đến lấy, phục vụ 24/24 giờ đến hết tháng 5.2013 khi có mưa.

Tại Sóc Trăng, hạn và mặn đang ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng của hàng chục ngàn hecta lúa đông xuân ở các tuyến giáp ranh huyện Ngã Năm với tỉnh Bạc Liêu. Bên cạnh đó, trên 20.000ha lúa ở một số xã dọc theo tuyến kênh Long Phú - Tiếp Nhật ở các huyện Trần Đề, Long Phú, Mỹ Xuyên... cũng đang có nguy cơ cao bị ảnh hưởng của mặn xâm nhập và khô hạn.

Trong khi đó, tại Trà Vinh, độ mặn ở các cống đầu mối tăng cao so với cùng kỳ từ 0,8-8‰. Để bảo vệ hơn 60.000ha lúa đông xuân và hơn 25.000ha nuôi trồng thủy sản, trong đó khoảng trên 30.000ha lúa đông xuân đang giai đoạn trổ đòng có khả năng bị thiếu nước và nhiễm mặn, ngành chức năng tỉnh Trà Vinh chủ động ngăn mặn, tiếp ngọt, kết hợp ngăn triều cường tại các cống đầu mối Cần Chông (sông Hậu), Láng Thé (sông Cổ Chiên), hạn chế thấp nhất mặn xâm nhập.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem