Đồng bào Dao, Tày học đan rọ tôm

Thứ năm, ngày 05/04/2012 10:31 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhờ nghề đan rọ tôm, đời sống của đồng bào dân tộc Tày, Dao ở xã Phan Thanh, huyện Lục Yên, Yên Bái đang đổi thay từng ngày. Từ vài hộ, đến nay toàn xã đã có trên 70% số hộ đan rọ tôm, với tổng thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Bình luận 0

Nằm cách trung tâm huyện gần 30km, những năm trước trên 50% số hộ ở xã vùng cao Phan Thanh thuộc diện nghèo. Người dân nghèo là do cả năm chỉ biết trông chờ vào 2 vụ lúa. Mùa nước hồ Thác Bà dâng, đói ăn, bà con lại kéo nhau ra hồ bắt tôm...

img
Thành viên trong gia đình bà Nhân nay đã trở thành những “nghệ nhân” đan rọ.

Những “nghệ nhân” đan rọ

Gia đình bà Hoàng Thị Nhân, thôn Bản Rầu được mệnh danh đan rọ giỏi nhất xã và là những người đầu tiên đem nghề về bản. Căn nhà sàn 3 gian của bà Nhân trở nên chật chội bởi rọ tôm. Đang lúc nông nhàn, cả gia đình bà tập trung ở nhà đan rọ bán. Vừa xem ti vi, những thành viên trong gia đình bà vừa thoăn thoắt đan rọ.

Trước đây, gia đình bà Nhân nghèo lắm. Bà cùng chồng lênh đênh trên hồ Thác Bà bắt cá, tôm. Cách đây hơn chục năm mặc dù cá, tôm trên hồ Thác Bà rất nhiều, nhưng không có dụng cụ đánh bắt nên gia đình bà cũng như nhiều hộ trong xã chỉ kiếm đủ 2 bữa ăn mỗi ngày.

Chứng kiến người dân các xã Xuân Lai, Tân Nguyên... biết đan rọ nên bắt được rất nhiều tôm, cá, không những vậy, họ còn đan rọ để bán, bà Nhân đến tìm hiểu. Bà tâm sự: “Thấy họ thả rọ bắt được rất nhiều tôm lại không vất vả. Rọ đan bằng nứa, những thứ đó trong xã có rất nhiều, tôi mua khuôn về đan. Từ đó, gia đình không những bắt được nhiều tôm để bán mà còn đan rọ bán cho dân đánh tôm trên hồ”.

Mở lớp dạy đan rọ

Từ gia đình bà Nhân, nghề đan rọ tôm ngày càng phát triển ở Phan Thanh. Không những phục vụ nhu cầu của địa phương mà rọ Phan Thanh còn được xuất đi nhiều nơi như Sơn La, Chiêm Hoá (Tuyên Quang)...

Ông Hoàng Văn Hoà – Chủ tịch UBND xã Phan Thanh cho hay, xã có hơn 400 hộ thì trên 300 gia đình tham gia đan rọ tôm. Đan rọ đang thu hút đông lao động tham gia, là nghề có thu nhập ổn định. Nhiều gia đình mỗi năm thu hai, ba chục triệu đồng từ nghề đan rọ. Nhờ đan rọ, rất nhiều hộ đã thoát nghèo.

“Ngày trước, tôi chỉ biết làm ruộng làm nương thôi, không có tiền đâu. Nay ngồi nhà đan rọ bán, không vất vả lại có tiền chi tiêu hàng ngày”.

Vợ chồng ông Hoàng Văn Kịch, thôn Thuỷ Văn đã ngoài 60 tuổi nhưng mỗi ngày cũng kiếm được hơn 100.000 đồng từ đan rọ. Ông Kịch cho biết, mỗi ngày một người trong gia đình ông đan được từ 15-20 chiếc rọ tôm, mỗi chiếc bán từ 3.000-3.500 đồng. “Ngày trước, tôi chỉ biết làm ruộng làm nương thôi, không có tiền đâu. Nay ngồi nhà đan rọ bán, không vất vả lại có tiền chi tiêu hàng ngày”- Ông Kịch phấn khởi nói.

Đan rọ rất thuận tiện, người dân có thể tham gia đan rọ lúc nông nhàn hay buổi trưa, buổi tối và những ngày trời mưa không ra đồng được. Không những vậy những năm trở lại đây nhu cầu thu mua rọ rất lớn, có rọ là sẽ có người đến tận nhà để mua ngay.

Theo ông Hoà, mỗi ngày cả xã cung cấp cho thị trường khoảng 3.000 chiếc rọ tôm. Năm 2011, tổng thu từ bán rọ tôm của xã gần 200 triệu đồng. Xã xác định đây là nghề có điều kiện phát triển. Chính quyền địa phương đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề Lục Yên mở nhiều lớp đan rọ cho người dân. Đến nay đã có hàng trăm lao động trong xã được đào tạo nghề. Xã ngày càng có nhiều nhà khang trang, con em dân tộc được đến trường cũng nhờ nghề đan rọ...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem