Đóng cửa "phố cà phê đường tàu": Nhiều ý kiến tranh luận nên giữ hay bỏ

Kim Duyên Thứ bảy, ngày 17/09/2022 14:28 PM (GMT+7)
Lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm, Hà Nội tổ chức ra quân, dựng hàng rào barie nhằm ngăn người dân và du khách vào “phố cà phê đường tàu”, nhiều người tỏ ý đồng tình, nhưng cũng có ý kiến phản đối.
Bình luận 0

Phố đường tàu là đoạn nối giữa đường Lê Duẩn, Trần Phú, Cửa Đông và Phùng Hưng dài khoảng 2km. Thời gian vừa qua, nơi đây này trở thành điểm thu hút đông người nước ngoài và du khách đến Hà Nội tham quan, trải nghiệm.

Tuy nhiên, mới đây, ngày 14/9, để bảo đảm tuyệt đối an ninh, trật tự, an toàn giao thông trên tuyến đường sắt đoạn qua quận Hoàn Kiếm và Ba Đình, lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm đã dựng rào chắn, đóng cửa "phố cà phê đường tàu" nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt như bán hàng, cafe, quay phim, chụp ảnh.

Việc dẹp bỏ phố cà phê đường tàu tiếp tục gây ra nhiều ý kiến tranh luận trái chiều. Trong khi nhiều người cho rằng để đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông trên tuyến đường sắt cần quyết liệt dẹp bỏ hàng quán quanh khu vực này. Tuy nhiên cũng có ý kiến mong muốn phát triển con phố này như một nét đặc trưng của Hà Nội.

Vừa ngồi cà phê, vừa lo sập quán

Phố cà phê đường tàu là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là những bạn trẻ ưa khám phá, song hoạt động du lịch cũng cần phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Đóng cửa "phố cà phê đường tàu": Nhiều ý kiến tranh luận nên giữ hay bỏ - Ảnh 1.

Quán cà phê đường tàu hoạt động nhộn nhịp trước thời điểm có lệnh cấm. Ảnh: Vân Anh

Từng đến trải nghiệm uống cà phê đường tàu do bạn bè và người thân giới thiệu, chị Nguyễn Thị Hà (40 tuổi, Cầu Giấy) khẳng định chỉ đi một lần duy nhất. Chị Hà tâm sự: "Đúng, khi phố lên đèn, ngồi trên tầng 2 quán cà phê nhìn người qua lại cảnh rất đẹp. Nhưng đó chỉ là cảm giác khi không có tàu đi qua. Sợ nhất khi tàu qua, mặt đất rung chuyển, tưởng mà ngồi chỉ lo sập quán". 

Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, chị Hà đồng tình với việc dẹp bỏ, đóng cửa các hàng quán, cà phê hoạt động trên con phố này vì "việc người dân buôn bán ở phố cà phê đường tàu và khách đi lại tự do trên đường ray thực sự là mạo hiểm. Sự mạo hiểm đó không chỉ với những cá nhân trực tiếp liên quan mà còn uy hiếp đến sự an toàn của hàng trăm người ngồi trên chuyến tàu".

Cũng giống chị Hà, bạn Đỗ Duy Khánh (sinh viên năm cuối, Đại học Xây dựng Hà Nội) đồng tình với ý kiến dẹp bỏ phố cà phê đường tàu. "Tôi thấy trên mạng xã hội mọi người chia sẻ nhiều về phố cà phê đường tàu. Tuy nhiên, quan điểm của tôi vẫn là đảm bảo an toàn lên hàng đầu. Không thể vì mục tiêu kinh tế mà bỏ qua sự an toàn cho du khách.

Với các tuyến đường sắt đang khai thác, bất kỳ hành vi nào ảnh hưởng đến hành lang an toàn này đều vi phạm pháp luật. Mọi người đến có thể thấy lạ vì tò mò, nhưng việc mở quán cà phê, buôn bán hay quay phim chụp ảnh trên đường ray thực sự rất nguy hiểm", Khánh bày tỏ quan điểm.

Tìm cách phát triển thay vì dẹp bỏ

Trong khi đó, bạn Nguyễn Văn Đức (sinh viên năm 4, Trường ĐH KHXH&NV) muốn các cơ quan quản lý có thể cân nhắc, tìm cách vừa phát triển, vừa đảm bảo an toàn cho con phố này.

Đóng cửa "phố cà phê đường tàu": Nhiều ý kiến tranh luận nên giữ hay bỏ - Ảnh 3.

Du khách ngồi uống cà phê ở phố đường tàu. Ảnh: Vân Anh.

"Mình thấy phố cà phê đường tàu là một hình thức du lịch sáng tạo, độc đáo của Hà Nội. Đây còn là địa điểm check-in có sức hút cực lớn với rất nhiều người, một địa điểm có thể rất nhiều tiềm năng về du lịch. Mình nghĩ rằng, cơ quan chức năng có thể tìm cách phát triển phố cà phê đường tàu theo cách khác, an toàn hơn nhưng vẫn giữ được chất riêng Hà Nội, chứ không nên dẹp phố cà phê đường tàu", Đức chia sẻ.

Chia sẻ góc nhìn ở một người kinh doanh chị Nguyễn Thị Vui (45 tuổi), ở phố "cà phê đường tàu" cho biết, người làm kinh doanh luôn tìm kiếm các sản phẩm, địa điểm mới, độc, lạ thu hút khách lâu dài. Cà phê đường tàu có thể được xem là một sản phẩm lạ với du khách đặc biệt là khách nước ngoài. Bằng chứng là thời gian qua, con phố này luôn thu hút đông khách du lịch.

Tất nhiên, theo chị Vui, việc kinh doanh, phát triển du lịch phải thực hiện đúng pháp luật, đảm bảo an toàn cho du khách, thân thiện với môi trường, "không thể làm bất chấp".

Chị bộc bạch: "Phố đường tàu thay vì cấm, dẹp bỏ, các cơ quan chức năng vẫn có thể có các giải pháp để phát triển du lịch, mang lại nguồn thu cho người dân nhưng vẫn đảm bảo an toàn"...

Tháng 10/2019, quận Hoàn Kiếm ra quân, xử phạt gần 70 quán cà phê lấn chiếm hành lang đường sắt. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 được khống chế, tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt tại khu vực này lại tái diễn.


Tháng 5/2022, UBND TP.Hà Nội chỉ đạo UBND các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm tiếp tục phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xử lý vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt nhưng các hành vi vi phạm vẫn tiếp tục tái diễn, đặc biệt là từ dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 đến nay.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem