Đồng Lan: Kẻ dại khờ bên góc phố đông

Thứ hai, ngày 03/06/2013 20:23 PM (GMT+7)
Tôi không biết Lan nhìn thấy gì, cảm gì về tôi, nhưng việc đó cũng không ảnh hưởng gì đến việc tôi như lạc vào đâu đó giữa những góc cạnh cuộc đời khi nhìn thấy nàng tung tẩy hát bâng quơ dăm ba câu giữa phố phường, mặc kệ dòng người trên phố qua lại rất đông.
Bình luận 0
 Tôi gặp Đồng Lan vào một đêm Sài Gòn ít gió, ngày tháng bao nhiêu đó thì không còn nhớ rõ, nhưng đó là thời điểm đầu mùa hạ năm 2011. Đó cũng là nơi gắn bó với một câu chuyện tình cũ của tôi, mà tôi thì hay có thói quen tìm đến những nơi chốn cũ để hồi tưởng những điều đã qua.
 
img
 
Và trong một thời khắc như vậy, Đồng Lan xuất hiện, mặc một chiếc váy đen, dây dợ quấn quanh người, "trông có vẻ bóng bẩy lung linh", tôi thầm tặc lưỡi vì tôi vốn ghét những thứ rườm rà và sáng chói quá, may sao tôi đã kịp nhìn thêm một thứ nữa ở Lan, mà tôi nghĩ thứ này mới có sức mạnh níu được chân người ngay tại những giây phút đầu tiên của cuộc gặp gỡ, đó là quả đầu xù bông lên, không theo một trật tự nào cả, ngay lập tức tôi liên tưởng đến hình ảnh cô nàng Emily đứng lạc lõng giữa trời đông và thầm thì hát "Big big world".

"Bạn này là Lan, ca sĩ", cô bạn tôi giới thiệu vậy./ "Cái gì Lan?", tôi quay sang hỏi Lan./ "Cứ gọi là Lan thôi".

Lan trả lời với nụ cười mỉm nhiều ẩn ý, và đôi mắt "trải đời" như nhìn xuyên thấu tâm can kẻ lạ. Tôi là kẻ lạ của nàng lúc ấy. Sau này tôi mới biết, đó là lời chào từ Lan cho hành động rít thuốc liên tục từ tôi, hết điếu này đến điếu khác, và không một hơi thuốc nào được nhả ra trọn vẹn.

img
 
Lan lạ lùng, đó là cảm giác cho những lần gặp gỡ kế tiếp, những lần gặp gỡ mà nói với nhau thì ít, mà nhìn thấy nhau giữa cuộc đời thì nhiều. Tôi không biết Lan nhìn thấy gì, cảm gì về tôi, nhưng việc đó cũng không ảnh hưởng gì đến việc tôi như lạc vào đâu đó giữa những góc cạnh cuộc đời khi nhìn thấy nàng tung tẩy hát bâng quơ dăm ba câu giữa phố phường, mặc kệ dòng người trên phố qua lại rất đông. Lúc ấy, Lan hoàn toàn là một đứa trẻ thơ, nếu có dịp nhìn thấy Lan như vậy đừng hỏi nàng đang suy nghĩ gì, nàng có thể nghĩ ra một câu trả lời bâng quơ vừa được nhặt từ một xó xỉnh nào đó mà bạn và nàng vừa đi qua để thỏa mãn câu trả lời của bạn, nhưng kỳ thực, nàng ta chả nghĩ gì. Đứa trẻ bao giờ cũng chỉ biết hành động tức thời theo cảm xúc, và trong veo trong tâm thức.

Ấy là khi nàng vui, khi nàng nhặt được những điều dễ thương trong đời. Thế nào là dễ thương với nàng thì tôi cũng không rõ lắm, tôi cũng dễ thương, nhưng thấy nàng có vui mấy đâu.

Nhưng cuối cùng tôi cũng chạm được đến những góc khuất lúc ẩn lúc hiện của Đồng Lan, và ngỡ ngàng nhận ra, một phần lớn trong con người Lan để dành cho những nỗi đau buồn của một người đàn bà thực thụ, ấy là lúc tôi nghe nàng kể về dăm ba chuyện tình cũ, dăm ba người đã đến rồi đi trong đời. Lan kể, lơ đễnh và bình thản.

"Có tình mà cứ như không/ Kiếp sau làm lúa trên đồng./ Có lòng mà biết ai để cho/ Kiếp sau làm cánh lan dại" (Cánh lan dại - Une chanson triste)

img
 

Đôi ba câu hát trong bài "Cánh lan dại" mà nhạc sỹ Quốc Bảo viết riêng cho Lan là như vậy. Ừ thì Lan đúng là như vậy. Lan từng thắc mắc "sao lại là lúa trên đồng", tôi đành tặc lưỡi, ậm ừ, coi như không hiểu gì.

"Kiếp sau làm lúa trên đồng"

Lúa trên đồng còn làm được thóc cho gà ăn. Kiếp này làm người, là đàn bà, là Đồng Lan, nên có tình rồi cũng như không, có lòng mà chẳng biết ai để cho, để cuối cùng cho vào hư vô, vào nắng, gió, vào những lúc mơ hồ cười rồi hát trên sân khấu, hát đôi câu vui mà cũng làm người ta day dứt.

Bạn bè và khán giả, nhiều người thích hình ảnh của nàng mỗi lần hát trên sân khấu, hát như "lên đồng", như đúng cái tên "Đồng Lan", nàng hoang dã như một đứa trẻ được sinh ra giữa cánh đồng. Và chỉ có những người nghệ sỹ thực thụ mới có được điều đó. Lan sinh ra để làm nghệ sỹ, để đứng giữa ánh đèn sân khấu, để ca hát cho người nghe, đời nghe, rồi đi về với hư vô. Tôi cũng như bao người đã từng nghe Lan hát, si mê nàng vì cái lẽ như vậy. Sau những giây phút ấy, tôi lại si mê nàng hơn ở những khoảnh khắc nàng nhận tiền cát-sê mà chưa một lần đếm tiền, dạo ấy, mỗi tối nàng hát rong rêu ở hai, ba phòng trà có tiếng, mỗi tụ điểm hát hai, ba bài và nhận về đâu đó trên dưới 200 nghìn cho một tụ điểm. Tôi hỏi, sao ít quá vậy, Lan cười hiền lành, bảo "chỉ thế thôi".

Cũng có những lúc hiếm hoi như thế, tôi thấy tiền bạc thật phù du. Lan thì chưa bao giờ thấy tiền là phù du, vì hơn ai hết, nàng hiểu bản thân mình nhiều lúc bỗng chạnh lòng nhường nào khi phải tự bươn chải cho một cuộc sống mưu sinh đủ đầy, và vất vả vay mượn tiền để làm album, nhưng nàng cũng không nghĩ nhiều đến tiền. Còn xoay sở được qua ngày, còn hát được cho mọi người nghe, thế là cũng sẽ vui.

Tôi bảo, làm album giờ chỉ có lỗ thôi, Lan lại cười. Nói không quá, tài sản của nàng nhiều lúc chỉ là hai bàn tay trắng, một tiếng ca, và một tâm hồn. Thời đại này, người ta không còn tin vào chuyện "một túp lều tranh và hai trái tim vàng" nữa, Lan chỉ có một trái tim, không được bọc vàng (vì nếu là vàng, ắt nàng sẽ moi ra để nuôi tiếng ca của mình), nhưng được bao quanh bởi một dòng máu nóng, nặng mùi vị của đam mê. Lan đã tạo ra được một thế giới cổ tích của riêng nàng, cũng không mấy quan tâm có ai thấy nó, nàng tự tại với thế giới của mình. Những điều kỳ diệu đã có cũng đến từ đấy thôi.

"Kìa em vẫn mong làm cho người vui, đời vui mà riêng em thì, em cứ đi vòng quanh tìm quanh một tình yêu vĩnh hằng. Ngày đã qua kìa em, tuổi đã qua kìa em..."

Mai Khôi viết riêng bài hát "cho em được yêu thương" dành cho Lan là như vậy. Câu hát chạm tới trái tim của nhiều người đàn bà, đã lỡ mang kiếp rong chơi hoang hoải trong đời.

Theo Linh Lê/Đời sống gia đình

 

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem