Đồng Nai có nhà máy hơn 200 tỷ làm phân compost từ rác thải sinh hoạt

Nha Mẫn Thứ hai, ngày 30/11/2020 21:25 PM (GMT+7)
Tỉnh Đồng Nai đã đưa vào vận hành nhà máy xử lý rác hết sức quan trọng, nhằm xử lý rác thải sinh hoạt làm phân compost với công suất 450 tấn/ngày.
Bình luận 0

Thời gian qua Đồng Nai luôn chú trọng trong công tác xử lý chất thải, nhất là chất thải rắn và đầu tư xây dựng nhiều nhà máy xử lý chất thải. Giai đoạn 2020 – 2025 Đồng Nai định hướng sẽ có 9 khu xử lý chất thải với 16 dự án.

Đồng Nai có nhà máy hơn 200 tỷ để làm phân compost từ rác thải sinh hoạt - Ảnh 1.

Xử lý rác thải tại Đồng Nai

Mới đây, Công ty Cổ phần Môi trường Sonadezi vừa đưa vào vận hành nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt làm phân compost (công suất 450 tấn/ngày), tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Đây chính là công trình bảo vệ môi trường ưu tiên của tỉnh Đồng Nai trong năm 2020.

Nhà máy xử lý rác thải này có quy mô 7,1 ha, bao gồm nhà xưởng 4,2ha và các công trình phụ trợ là: đường giao thông, cây xanh, chiếu sáng, với tổng mức đầu tư hơn 220 tỷ đồng.

Đây là nhà máy rất hiện đại, sử dụng dây chuyền, công nghệ xử lý rác nhập khẩu từ Bỉ. Quy trình vận hành của nhà máy bao gồm 4 công đoạn chính: phân loại rác thải, ủ hiếu khí, ủ chín, tạo mùn tinh chế. 

Khoảng 80% rác hữu cơ tiếp nhận sẽ được xử lý làm mùn compost; khoảng 15% chất thải trơ sau khi đốt đem chôn lấp tại các hố chôn hợp vệ sinh; khoảng 5% túi ny-lông được thu hồi tái chế, tái sử dụng.

Được biết, nhà máy được khởi công xây dựng vào ngày 21/8 vừa qua. Và, việc đưa vào vận hành nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt giúp đảm bảo điều kiện cho khu xử lý hoạt động lâu dài, vừa góp phần cùng tỉnh Đồng Nai thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ chôn lấp rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai dưới 15% vào cuối năm 2020.

Khu xử lý rác thải này có thể tăng khả năng tiếp nhận 700 tấn rác thải sinh hoạt/ngày và giúp giảm áp lực rác thải sinh hoạt dồn về nhà máy xử lý ở xã Quang Trung, huyện Thống Nhất.

Theo Sở TN-MT, Đồng Nai hiện có 5 khu đang tiếp nhận và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nhưng chỉ có 2 khu đảm bảo được chỉ tiêu chôn lấp rác dưới 15% theo quy định là: Khu xử lý chất thải ở xã Quang Trung huyện Thống Nhất do Công ty CP Dịch vụ Sonadezi làm chủ đầu tư, công suất xử lý 11.100 tấn/ngày, tỷ lệ chất thải trơ chôn lấp là 14,5%; Khu xử lý chất thải tại xã Túc Trưng (huyện Định Quán) của Công ty TNHH Thương mại xây dựng Đa Lộc, xử lý khoảng 110 tấn/ngày, tỷ lệ chôn lấp là 10%.

Các khu khác chủ yếu xử lý bằng cách chôn lấp thông thường gây lãng phí tài nguyên, tốn kém chi phí thu gom, gây ra nhiều hệ lụy về môi trường và không đáp ứng yêu cầu của tỉnh trong giai đoạn này.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem