Đồng Nai: Thiếu nhân viên y tế học đường ảnh hưởng đến công tác chống dịch Covid-19

Nha Mẫn Chủ nhật, ngày 08/05/2022 06:00 AM (GMT+7)
Hiện nay, trên địa bàn Đồng Nai, nhiều trường học thiếu nhân viên y tế nên không được cấp kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu từ quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT), công tác phòng chống dịch Covid-19 gặp khó khăn.
Bình luận 0

Thiếu nhân viên y tế học đường, chăm sóc sức khoẻ cho học sinh gặp khó

Mới đây, ông Nguyễn Duy Tân, Phó chủ tịch UBND TP Biên Hòa, Đồng Nai cho biết, TP Biên Hòa hiện có 88 trường học với gần 148.000 học sinh tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 98% tổng số học sinh toàn thành phố.

Đồng Nai: Thiếu nhân viên y tế trong trường học - Ảnh 1.

Nhiều trường học bị thiếu nhân viên y tế học đường. Ảnh: Nha Mẫn

Tuy nhiên, hiện nay hệ thống y tế học đường trên địa bàn TP Biên Hòa đang gặp nhiều khó khăn, thiếu nhân lực hỗ trợ y tế tại các trường học nên lo sợ khi sự cố xảy ra tại trường thì học sinh, giáo viên sẽ không được xử lý kịp thời.

Cụ thể, toàn TP Biên Hòa mới chỉ có 43/55 trường tiểu học và 27/33 trường THCS có nhân viên y tế trường học. Như vậy, có đến 18 trường tiểu học, THCS trên địa bàn TP Biên Hòa chưa có nhân viên y tế học đường. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến an toàn dịch bệnh trong trường học, nếu có sự cố khó có thể xử lý sơ cứu, hỗ trợ ban đầu.

Đáng nói trong số các trường có nhân viên y tế, nhiều người không có chứng chỉ hành nghề nên trường học không được cấp kinh phí từ quỹ BHYT để tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh.

Năm 2019, các trường học trên địa bàn TP Biên Hòa không được cấp 2,5 tỷ đồng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu từ quỹ BHYT, còn năm 2020 không được cấp 4,1 tỷ đồng.

Đồng Nai: Thiếu nhân viên y tế trong trường học - Ảnh 2.

Học sinh và giáo viên sẽ bị thiệt thòi khi không có nhân viên y tế tại trường. Ảnh: Nha Mẫn

“Như vậy học sinh, giáo viên trong môi trường học đường đã phải chịu thiệt thòi, vì vậy để đảm bảo quyền lợi cho học sinh khi tham gia BHYT và tăng tỷ lệ học sinh tham gia BHYT đạt 100%, chúng tôi kiến nghị Sở Y tế hỗ trợ đào tạo cho đội ngũ nhân viên y tế trường học để cấp chứng chỉ hành nghề cho những nhân viên y tế trường học chưa có chứng chỉ. Hoặc cử nhân viên y tế của các trạm y tế, trung tâm y tế hợp đồng với các trường học trong công tác khám, chữa bệnh BHYT để có kinh phí phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh tại các trường học”, ông Tân nhấn mạnh.

Tâm sự của nhân viên y tế học đường

Được biết không chỉ TP Biên Hòa mà nhiều địa phương trong tỉnh Đồng Nai cũng xảy ra tình trạng thiếu nhân viên y tế trong trường học và thời gian qua phải loay hoay tìm phương án xử lý, giải quyết tình trạng này.

Đồng Nai: Công tác phòng chống dịch Covid-19 gặp khó do thiếu nhân viên y tế học đường - Ảnh 3.

Nhân viên y tế học đường hỗ trợ các địa phương trong mùa Covid-19. Ảnh: Tuệ Mẫn

Chị N.T.H.T - nhân viên y tế tại một trường tiểu học thuộc TP Biên Hoà cho biết, trong trường học, nhân viên y tế thực hiện nhiệm vụ kiểm tra sức khỏe, đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho học sinh.

Ngoài ra, nhân viên y tế còn tư vấn cho học sinh, giáo viên, cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh về các vấn đề liên quan đến bệnh tật, phát triển thể chất và tinh thần của học sinh; hướng dẫn cho học sinh biết tự chăm sóc sức khỏe; sơ cứu, cấp cứu những tai nạn bất ngờ có thể xảy ra ở trường.

Bên cạnh đó còn hướng dẫn tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, đa dạng thực phẩm, phù hợp với đối tượng và lứa tuổi đối với các trường có học sinh nội trú, bán trú. Tổ chức hoạt động tiêm chủng, giám sát các điều kiện học tập, vệ sinh trường lớp, an toàn thực phẩm, cung cấp nước uống, xà phòng rửa tay trong các trường học.

Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay, khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhân viên y tế trường học có ý nghĩa đặc biệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

"Công việc của nhân viên y tế học đường nhiều, áp lực, trách nhiệm cao nhưng đãi ngộ lại chưa tương xứng nên nhiều người đến rồi đi, không muốn gắn bó lâu dài. Đáng nói, hiện lương của nhân viên y tế học đường chỉ được tính theo ngạch bậc nhân viên trong đơn vị hành chính, hệ số rất thấp nên giữ chân họ ở lại rất khó. Vì vậy, tôi nghĩ ngành giáo dục cần cho nhân viên y tế học đường được hưởng đủ mọi quyền lợi, phụ cấp đặc thù của một nhân viên y tế, được hỗ trợ, nâng cao nghiệp vụ", chị T cho hay.

Đồng Nai: Công tác phòng chống dịch Covid-19 gặp khó do thiếu nhân viên y tế học đường - Ảnh 4.

Nhân viên y tế học đường cũng phải xử lý nhiều loại sổ sách,... Ảnh: Tuệ Mẫn

Chị T cũng cho biết, nhiều khi chị muốn xin nghỉ việc vì quá mệt mỏi với công việc nhưng lương nhận về lại không xứng đáng.

"Nhân viên y tế học đường có rất nhiều thiệt thòi không biết bày tỏ cùng ai. Tôi ra trường cả chục năm, đi làm cho rất nhiều trường nhưng chưa khi nào thuộc diện được xét thăng hạng, lương vẫn ì ạch có mấy triệu đồng, không đủ trang trải cuộc sống", chị T nói thêm.

Tương tự chị N.T.L, nhân viên kế toán Trường tiểu học T.H cho biết, hiện chị đang kiêm nhiệm luôn nhiệm vụ làm nhân viên y tế do trường không tuyển được người. Tuy nhiên, nếu nhân viên y tế "đứng chân một mình" thì buộc phải có chứng chỉ hành nghề. Mà nếu có chứng chỉ hành nghề, thường họ không chọn điểm dừng chân là trường học mà sẽ đến làm việc tại cơ sở y tế để nhận lương, đãi ngộ tốt hơn.

"Do không tuyển được người nên chúng tôi đành phải kiêm nhiệm để xử lý công việc của một nhân viên y tế. Nhiều khi không có chuyên môn nên phải tự tìm hiểu trên mạng, học hỏi nhân viên y tế trường khác để tự trau dồi, hỗ trợ các em học sinh được tốt hơn", chị L bộc bạch.

Cũng theo chị L việc kiêm nhiệm này không ai muốn nhưng chị và nhiều người khác đều phải làm vì không làm thì sẽ không ai hỗ trợ học sinh khi cần thiết. May mắn là đa số các vấn đề xảy ra tại trường học không quá lớn và khi cần thiết thì còn có y tế địa phương phối hợp hỗ trợ nên an toàn của học sinh cơ bản vẫn được đảm bảo khi học tập tại trường.

Ngoài ra, còn có nhiều trường như THCS BĐ, Tiểu học NĐC,... đều không có nhân viên y tế, các trường đều gặp khó khăn trong khâu tuyển dụng vì không thu hút được nhân lực.

Nhiều hiệu trưởng các trường (xin không nêu tên) đều bày tỏ mong muốn ngành giáo dục có những cơ chế riêng cho nhân viên y tế học đường. Mục đích để các trường dễ dàng tuyển dụng được nhân viên y tế có chứng chỉ hành nghề, chấp nhận cống hiến lâu dài với trường.

Hơn nữa, khi có nhân viên y tế có chứng chỉ hành nghề công tác tại trường thì trường mới được cấp kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu từ quỹ BHYT để tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh.

Về vấn đề này, đại diện Sở GD-ĐT Đồng Nai cho biết, việc thiếu nhân viên y tế học đường đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chăm sóc sức khỏe và phòng chống dịch Covid-19 trong trường học thời gian qua.

Tuy nhiên việc tuyển nhân viên y tế của các trường gặp rất nhiều khó khăn do tiêu chuẩn, điều kiện và mức thu nhập quá thấp... Đấy là chưa nói đến việc sắp xếp và tuyển dụng nhân sự. Ngành giáo dục cũng đang cố gắng tìm phương án, nhờ y tế địa phương hỗ trợ trong việc chăm sóc sức khỏe học sinh để đảm bảo an toàn cho các em.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem