Đồng Nai: Xin ý kiến của UNESCO về việc làm đường xuyên khu dự trữ sinh quyển thế giới

Nha Mẫn Thứ sáu, ngày 22/04/2022 16:46 PM (GMT+7)
Trước phản ứng của dư luận về việc làm đường đi qua vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai, hiện nay tỉnh vừa có văn bản xin ý kiến của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và Tổ chức UNESCO tại Việt Nam.
Bình luận 0

Chiều 22/4, ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết tỉnh vừa có văn bản xin ý kiến của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và Tổ chức UNESCO tại Việt Nam về việc xây dựng quốc lộ 13C. 

Trong đó bao gồm cả việc xây dựng cầu Mã Đà để kết nối tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai đi qua vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai. Bởi thời gian qua dự án quốc lộ 13C đã khiến dư luận xôn xao và xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến dự án này.

Đồng Nai: Xin ý kiến của UNESCO về việc làm đường xuyên khu dự trữ sinh quyển thế giới - Ảnh 1.

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai. Ảnh tư liệu

Theo đó, ngày 20/3/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai và Bình Phước về việc xây dựng cầu Mã Đà để kết nối và nâng cấp tuyến đường Bà Hào - sân bay Rang Rang (tỉnh Đồng Nai) với đường Đồng Xoài - Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) thành quốc lộ 13C đi qua lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai.

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai được hình thành trên cơ sở mở rộng Khu Di sản thiên nhiên thế giới Cát Tiên cũ. Năm 2011, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai thứ 580 của thế giới.

Hiện khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai có 3 vùng là: Lõi, đệm và vùng chuyển tiếp, trải rộng trên địa bàn 5 tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước và Đắk Nông. Trong đó 80% diện tích vùng lõi nằm ở Đồng Nai. 

Nơi đây có hệ sinh thái đa dạng với hơn 2.300 loài thực vật, hơn 1.800 loài động vật, trong đó nhiều loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Số lượng loài, cá thể trong từng loài ngày càng tăng.

Cùng với các giá trị về sinh học, trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai có Di tích quốc gia đặc biệt Vườn quốc gia Cát Tiên; 3 di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia: Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Địa đạo Suối Linh và Khu Ramsar Bàu Sấu. Đây là những địa danh có giá trị lớn về lịch sử và văn hóa, thích hợp cho các hoạt động giáo dục về nguồn.

Tuy nhiên, theo văn bản của UBDN tỉnh Đồng Nai, việc xây dựng cầu Mã Đà sẽ làm ảnh hưởng đến công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn và phục hồi nguyên trạng tự nhiên; bảo tồn và giữ gìn các giá trị lịch sử văn hóa của vùng đất cách mạng Chiến khu Đ. 

Đồng Nai: Xin ý kiến của UNESCO về việc làm đường xuyên khu dự trữ sinh quyển thế giới - Ảnh 2.

Khu Ramsar Bàu Sấu trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai. Ảnh: H.Lộc

Và việc xây dựng cầu Mã Đà xuyên qua rừng của Khu bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai và vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai sẽ đi ngược lại định hướng chung là hạn chế phương tiện và dân cư lưu thông xuyên qua rừng nhằm bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, tránh tình trạng xâm hại đến tài nguyên rừng.

Cũng theo lãnh đạo Đồng Nai, vào ngày 20/1/2022, Ủy ban quốc gia Chương trình con người và sinh quyển Việt Nam (MABVN) đã có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai, Bộ TN-MT, Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội. 

Trong đó, MABVN đã kiến nghị không xây dựng cầu Mã Đà vì việc xây dựng đường, cầu và các hạng mục phụ trợ sẽ kéo theo việc hình thành tuyến đường dài hơn 40km đi xuyên qua vùng lõi của rừng đặc dụng sẽ gây ra những tác động nghiêm trọng tới vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai. 

Đây là các hoạt động vi phạm nghiêm trọng Chiến lược Seville của UNESCO/MAB (chương trình Con người và sinh quyển), đi ngược định hướng của Chiến lược MAB 2015-2025, kế hoạch Hành động Lima 2016-2025. Nếu tổ chức UNESCO can thiệp thì sẽ thu hồi danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Do đó, UBND tỉnh Đồng Nai kính đề nghị Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam và Tổ chức UNESCO tại Việt Nam cho ý kiến về việc xây dựng cầu Mã Đà để kết nối và nâng cấp tuyến đường Bà Hào - sân bay Rang Rang (tỉnh Đồng Nai) với đường Đồng Xoài - Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) thành quốc lộ 13C đi qua lõi của Khu dự trữ sinh quyển thể giới Đồng Nai.

Về vấn đề này Giáo sư Hoàng Văn Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Đất ngập nước Việt Nam, nhận định nếu QL13C thực hiện sẽ vi phạm cùng lúc nhiều luật như Luật Đa dạng sinh học, Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường và các nghị định liên quan. Đồng thời việc làm dự án cầu Mã Đà và đường kết nối xuyên rừng là vi phạm các cam kết quốc tế về khu dự trữ sinh quyển thế giới, sẽ bị UNESCO rút danh hiệu.

Ngoài ra, việc xây dựng QL13C đi qua vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai sẽ làm mất diện tích rừng và phân mảnh cực lớn. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học, các hệ sinh thái và các loài động vật, đặc biệt là các loài quý hiếm trong Sách đỏ Việt Nam và Danh mục đỏ IUCN.

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai được hình thành trên cơ sở mở rộng Khu Di sản thiên nhiên thế giới Cát Tiên cũ. Năm 2011, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai Đồng Nai được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai thứ 580 của thế giới.

Hiện khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai có 3 vùng là: lõi, đệm và vùng chuyển tiếp, trải rộng trên địa bàn 5 tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước và Đắk Nông, trong đó 80% diện tích vùng lõi nằm ở Đồng Nai. Nơi đây có hệ sinh thái đa dạng với hơn 2.300 loài thực vật, hơn 1.800 loài động vật, trong đó nhiều loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Số lượng loài, cá thể trong từng loài ngày càng tăng.

Cùng với các giá trị về sinh học, trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai có Di tích quốc gia đặc biệt Vườn quốc gia Cát Tiên; 3 di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia: Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Địa đạo Suối Linh và Khu Ramsar Bàu Sấu. Đây là những địa danh có giá trị lớn về lịch sử và văn hóa, thích hợp cho các hoạt động giáo dục về nguồn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem