Đông Nam Bộ tăng tốc công nghiệp hóa nông thôn

Trần Cửu Long Thứ bảy, ngày 08/02/2020 15:20 PM (GMT+7)
Thời gian qua, các tỉnh miền Đông Nam Bộ đã đẩy mạnh những chính sách, kế hoạch đầu tư phát triển công nghiệp khu vực nông thôn và đã có những kết quả khả quan.
Bình luận 0

Nắm bắt cơ hội có nguồn lao động và các điều kiện cơ sở hạ tầng khá tốt, nhất là đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương đi qua trong tương lai, huyện Tân Phú (Đồng Nai) đang thực hiện quy hoạch lại các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến đầu tư.

Dân hưởng lợi

UBND huyện Tân Phú vừa đề xuất tỉnh Đồng Nai chủ trương thực hiện một số hệ thống hạ tầng giao thông nhằm thúc đẩy kinh tế địa phương: Mở rộng đường Tà Lài - Trà Cổ, đường Nguyễn Tri Phương, quy hoạch CCN xã Phú Bình…

img

Lao động nông thôn ở Đồng Nai dần trở thành công nhân nhà xưởng.  Ảnh: T.C.L

HTX May gia dụng Tân Hiệp Phát đi vào hoạt động có nhiều thuận lợi bởi trên địa bàn xã Tân Hiệp chưa có khu công nghiệp. HTX chủ yếu nhận may đồng phục học sinh, công nhân, bảo hộ lao động… trong và ngoài xã và giao cho xã viên may tại nhà.

Theo ông Nguyễn Văn Nghị - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phú, trên địa bàn hiện có KCN Tân Phú và CCN Phú Thanh (xã Phú Thanh). Nhờ một số dự án giao thông trọng điểm kết nối với các trung tâm kinh tế trong vùng mà nhiều nhà đầu tư đã đến với Tân Phú.

Để đón các nhà đầu tư, huyện vừa đề xuất UBND tỉnh mở rộng KCN Tân Phú lên tổng diện tích 300ha, đầu tư các hạng mục về hạ tầng, giao thông tại KCN, CCN.

Đồng thời, quy hoạch thêm CCN Phú Bình có vị trí nằm gần điểm giao giữa Quốc lộ 20 và đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, vị trí này giúp doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa thuận tiện hơn.

Gần đây, KCN Tân Phú đã được Công ty TNHH Chang Shin Việt Nam chọn là nơi mở rộng sản xuất với dự án xây dựng nhà xưởng có quy mô lớn cho khoảng 12.000 lao động phổ thông, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm nay. Sau khi Công ty TNHH Chang Shin Việt Nam đi vào hoạt động sẽ nâng tổng số lao động địa phương làm việc trong KCN Tân Phú lên khoảng 17.000 người. Đến nay, tổng nguồn vốn các doanh nghiệp đầu tư vào KCN Tân Phú đạt trên 113 triệu USD.

Nếu Đồng Nai tập trung phát triển KCN-CCN nông thôn, thì Bình Dương lại đi vào ngách hẹp hơn là đầu tư ngành nghề công nghiệp cho nông thôn. Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) tỉnh Bình Dương, thời gian qua Trung tâm đã triển khai nhiều chương trình, đề án hỗ trợ phát triển công nghiệp nông thôn.

Nhiều đơn vị khi được thụ hưởng sự hỗ trợ từ chương trình khuyến công đã nâng cao năng lực hoạt động, tạo ra sản phẩm công nghiệp chất lượng, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

Theo đó, đầu tháng 6/2018, HTX May gia dụng Tân Hiệp Phát (xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo) chính thức đi vào hoạt động. Việc thành lập HTX nhằm tạo việc làm ổn định, tăng thêm thu nhập cho chị em phụ nữ, góp phần thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Văn Dũng -  Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp cho biết, HTX May gia dụng Tân Hiệp Phát mặc dù mới được thành lập nhưng đã hoạt động rất hiệu quả. Việc ra đời HTX không đơn thuần để hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới của xã mà quan trọng hơn là giải quyết việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế địa phương.

Khai thác tiềm năng

Theo ông Phạm Thanh Dũng - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp tỉnh Bình Dương, việc thực hiện Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong may trang phục” tại HTX May gia dụng Tân Hiệp Phát không chỉ nhằm đổi mới, thay thế máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu, tiết kiệm chi phí sản xuất… từ đó hạ giá thành sản phẩm, mà còn tận dụng nguồn lực 80% dân số sống bằng nghề nông, tạo việc làm thường xuyên cho người lao động trên địa bàn, nhất là lao động nữ nhàn rỗi.

“Hiệu quả của đề án rất thiết thực. Không những đồng bộ máy móc thiết bị cho đơn vị mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy ngành may mặc phát triển đúng với mục tiêu chương trình khuyến công của tỉnh đề ra đến năm 2020” - ông Dũng chia sẻ.

Trong khi đó, về tiềm năng phát triển của huyện Tân Phú, UBND tỉnh Đồng Nai nhận định, huyện còn nhiều tiềm năng phát triển cả về công nghiệp, nông nghiệp, du lịch và dịch vụ trong tương lai. Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Đồng Nai Hồ Văn Hà cho rằng, Tân Phú cần rà soát lại các quy hoạch trên địa bàn huyện, nhất là đối với những đề xuất mở rộng, đầu tư mới CCN một cách chính xác để quá trình phát triển cơ cấu công nghiệp phù hợp với địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem