Kháng đa thuốc vì nhiễm lao và HIV/AIDS
Bệnh nhân Chu Sơn Minh, 32 tuổi (Từ Liêm, Hà Nội), từng ngồi tù và anh mắc bệnh lao trong thời gian này. Anh Sơn cho biết: “Ngày tôi ở trong trại giam, có rất nhiều người cũng bị lao. Vì nhiễm HIV nên hệ miễn dịch kém trong khi không có điều kiện chữa trị dứt điểm nên bệnh lao cứ tái phát nhiều lần”. Giờ đây, sau 2 tháng ra tù, anh được gia đình động viên nên mới đến bệnh viện điều trị.
|
Bệnh nhân đồng nhiễm lao - HIV/AIDS cần được chẩn đoán và điều trị bệnh sớm. |
Bác sĩ Nguyễn Hữu Trí - Phó Trưởng khoa Bệnh cơ hội, Bệnh viện Phổi T.Ư cho biết: “HIV là bạn đồng hành của lao. Khi virus HIV gây suy giảm miễn dịch ở người sẽ tạo điều kiện cho cơ thể mắc các bệnh nhiễm khuẩn, điển hình là bệnh lao. Kết quả là ngày càng nhiều người bị nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS đã mắc lao, chủ yếu là lao ngoài phổi”. Cũng vì vậy mà điều trị lao-HIV/AIDS rất khó khăn, tốn kém, ít hiệu quả. Bệnh nhân lao-HIV/AIDS thường tử vong trong vòng 2-3 tháng mặc dù đã được dùng cả thuốc đặc trị lao và thuốc ARV.
Theo bác sĩ Trí, bệnh lao của bệnh nhân Chu Sơn Minh đã ở vào giai đoạn nặng. Anh Minh đã được chẩn đoán mắc lao hạch cổ cách đây 1 năm nhưng vì không được điều trị kịp thời nên lao tái phát khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Hiện giờ bệnh lao của anh đã kháng đa số thuốc điều trị.
Tương tự như anh Minh, 3 bệnh nhân khác đồng nhiễm lao- HIV/AIDS cũng mắc các thể lao ngoài phổi, bệnh lao ở giai đoạn nặng kháng đa thuốc điều trị. Ngoài việc điều trị bệnh lao, bệnh nhân còn phải điều trị thêm ARV.
Cũng chính vì chưa có một liệu trình điều trị kết hợp nên sau mỗi liệu trình điều trị lao, người bệnh lại phải chuyển qua điều trị HIV/AIDS. Do đó, kết quả điều trị lao thường không như mong đợi.
Giấu bệnh do tâm lý
Theo các bác sĩ điều trị, do các bệnh nhân nhiễm lao có HIV nên một số người vẫn có tâm lý e ngại sợ bị kỳ thị khi đi khám bệnh. Vì thế, đa phần người bệnh muốn giấu bệnh, không đến cơ sở điều trị làm cho bệnh tình càng trầm trọng hơn. Tâm lý này là mối hoạ tiềm ẩn gia tăng nguy cơ lây nhiễm lao trong cộng đồng.
Việt Nam hiện đứng thứ 12 trong 22 nước có gánh nặng bệnh lao. Bệnh lao đã được xác định là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở người nhiễm HIV, với tỷ lệ lên tới 50%. Tỷ lệ đồng nhiễm lao-HIV trong bệnh nhân lao mới là 5%; trong đó tỷ lệ lao kháng đa thuốc ở bệnh nhân đang điều trị chiếm 19%.
Ông Đinh Ngọc Sỹ - Giám đốc Bệnh viện Phổi T.ƯBệnh nhân Nguyễn Thị H (Yên Khánh, Ninh Bình), 31 tuổi được chẩn đoán mắc lao hạch cho biết: “Lúc đầu mới nghe tin bị lây HIV từ chồng, tôi đã không còn muốn sống nữa. Cơ thể tôi càng ngày càng suy sụp, tôi bị ho nhiều hơn. Nỗi đau cộng với sự mặc cảm bệnh tật khiến tôi ngại đi bệnh viện để khám”. Chỉ tới khi ho ra máu, cơ thể mệt mỏi không thể đi lại và làm việc bình thường nữa, chị mới nhập viện để điều trị.
Trước đó, ngày 29.7, bệnh viện cũng đã tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Đức M (Ninh Bình) nhập viện trong tình trạng bệnh tình đã nặng không còn khả năng chữa trị. Bác sĩ Lê Thị Kim Hoa- Trưởng khoa Bệnh cơ hội cho biết: “Bệnh nhân được chuyển vào khoa trong tình trạng bệnh tình nặng, mắc lao toàn thể, cơ thể sốt cao, sưng, phù nề, ho ra máu. Sau 2 ngày điều trị, bệnh tình không có tiến triển nên xin ra viện”.
Cũng theo bác sĩ Hoa, trường hợp các bệnh nhân đồng nhiễm lao - HIV/AIDS hầu hết đều nhập viện chậm. Chỉ khi nào bệnh tình quá nặng mới nhập viện điều trị, lúc đó nguy cơ tử vong đã gần kề.
Chính vì thế, bác sĩ Hoa khuyến cáo: “Khi có các dấu hiệu của bệnh lao, người bệnh cần tới cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm. Không nên vì tâm lý ngại, sợ ghẻ lạnh của cộng đồng mà giấu bệnh vì điều đó không chỉ gây nguy hiểm tới tính mạng, mà còn tăng nguy cơ lây nhiễm lao trong cộng đồng.
Minh Nguyệt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.