Dòng phim lịch sử và cổ trang ồ ạt trở lại, chuyện gì đang xảy ra?

Hà Thúy Phương Thứ năm, ngày 09/11/2023 09:20 AM (GMT+7)
Năm 2023, điện ảnh Việt xuất hiện nhiều bộ phim lịch sử, cổ trang với những màu sắc mới mẻ. Liệu đây có phải là một tín hiệu đáng mừng?
Bình luận 0
Năm 2023 - Các nhà làm phim lịch sử đã sẵn sàng tự đưa mình lên "đoạn đầu đài" - Ảnh 1.

Bộ phim "Đất rừng phương Nam" gây chú ý trong một thời gian dài. Ảnh: NSX

Năm 2023 - "bữa tiệc thịnh soạn" của dòng phim lịch sử, cổ trang

Năm 2023, hàng loạt phim có đề tài lịch sử, cổ trang được các nhà sản xuất trình làng bao gồm cả phim tư nhân và Nhà nước đặt hàng như: Hồng Hà nữ sĩ; Đào, Phở, Piano; Đất rừng phương Nam; Người vợ cuối cùng.

Hồng Hà nữ sĩ của đạo diễn Nguyễn Đức Việt, tác giả kịch bản là nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát. Phim kể về cuộc đời của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm qua những giai đoạn thăng trầm của cuộc đời, và sự ra đời của bản dịch Chinh phụ ngâm nổi tiếng, do bà dịch tiếng Nôm từ bản tiếng Hán của danh sĩ Đặng Trần Côn.

Đào, Phở, Piano lấy bối cảnh Hà Nội trong cuộc chiến 60 ngày đêm mở màn cho toàn quốc kháng chiến. Phim là câu chuyện về tình yêu Hà Nội và phẩm chất nghĩa khí của người Hà Nội được đạo diễn, NSƯT Phi Tiến Sơn ấp ủ kịch bản trong 10 năm qua.

Đất rừng phương Nam kể về hành trình phiêu lưu của An, một cậu bé chẳng may mất mẹ trên đường đi tìm cha. Cùng với An, khán giả sẽ trải nghiệm sự trù phú của thiên nhiên và nét đẹp văn hóa đặc sắc của vùng đất Nam kỳ lục tỉnh, sự hào hiệp của những người nông dân bám đất bám rừng và tinh thần yêu nước kháng Pháp đầu thế kỷ 20.

Người vợ cuối cùng dựa trên tiểu thuyết Hồ oán hận của nhà văn Hồng Thái, phim lấy bối cảnh một vùng quê Bắc Bộ thời phong kiến nhà Nguyễn. Nội dung phim xoay quanh cuộc đời của Linh - cô gái nhà nghèo phải chấp nhận làm vợ ba cho ông quan để sinh con cho gia đình ông ta.

4 bộ phim đều được các nhà sản xuất đầu tư công phu từ bối cảnh, trang phục, đến số lượng diễn viên tham gia. Hồng Hà nữ sĩ sử dụng bối cảnh ở các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên và Thái Bình, với một số bối cảnh được phục dựng hoàn toàn để mô tả được chân thực nhất cảnh sinh hoạt của người dân quê và kinh đô Thăng Long vào thế kỷ 18. 

Người vợ cuối cùng vừa ra mắt đang nhận được nhiều lời khen ngợi của khán giả và giới chuyên môn về bối cảnh, phục trang. Bộ phim được đầu tư công phu về bối cảnh, phục trang, với cảnh sắc thiên nhiên vùng hồ Ba Bể (Bắc Kạn) rộng lớn mênh mang, đối lập với thân phận nhỏ bé của những người dân có địa vị thấp kém, ở tầng lớp dưới xã hội.

img
img

"Người vợ cuối cùng" được khen ngợi về trang phục, bối cảnh miền Bắc đúng với tư liệu lịch sử. Ảnh: NSX

Ê-kíp Đất rừng phương Nam phải chuẩn bị trước 2.000 ngày với 300 diễn viên quần chúng cho cảnh quay chợ nổi đông đúc và nhộn nhịp của không gian miền Tây những năm 1920. Đất rừng phương Nam còn phục dựng bối cảnh Sài Gòn thập niên 1920 ở thị xã Tân Châu, An Giang. Phim có bối cảnh trải dài từ Sài Gòn đến các tỉnh miền Tây.

Theo nhà sản xuất phim Trần Bích Ngọc lý giải với Dân Việt việc năm nay các nhà sản xuất mạnh tay sản xuất phim lịch sử, cổ trang vì thị trường đã bắt đầu đủ độ an toàn để đầu tư: "Khó khăn nhất với dòng phim lịch sử, cổ trang là chúng ta chưa có trường quay chuyên nghiệp, đội ngũ chuyên gia nhân sự có tay nghề cao còn ít, chưa có nhiều sự lựa chọn. Tôi quan sát thấy là dòng phim lịch sử, cổ trang tốn kém đầu tư nên cần thị trường đủ lớn, tạo an toàn cho nhà sản xuất thì nhà sản xuất mới dám mạo hiểm. Thực tế, thị trường hiện nay cũng đạt đến ngưỡng cho phép các nhà sản xuất dám thử sức ở những thể loại tốn kém đầu tư hơn trước kia. 

Bên cạnh đó, dòng phim này cần có đội ngũ có năng lực như thiết kế, phục trang... Cho nên, nhìn chung thì các yếu tố này phải đi song song với nhau, cùng nhau lớn lên với thị trường. Ngoài ra, nhiều khi tương lai bất ổn chưa biết ra sao thì xem phim lịch sử cũng là cách an ủi hay đối với khán giả".

Các nhà làm phim lịch sử sẵn sàng nhận "gạch đá" để tìm lối đi riêng

Tuy nhiên, dòng phim lịch sử không chỉ có khó khăn ở kinh phí đầu tư. Còn một lý do mà ai cũng hiểu, nhưng rất ngại đề cập tới. Đó là tái hiện những sự kiện, những số phận con người đã trở thành bài học lịch sử nằm lòng của bất cứ ai thường rất dễ gây nên những phản ứng trái ngược, những luồng dư luận trái chiều. 

Đạo diễn, NSƯT Lưu Trọng Ninh từng ví von đầy hình ảnh sau khi hoàn thành Khát vọng Thăng Long: "Bước vào phim coi như đã bước lên đoạn đầu đài, làm xong thì chuẩn bị hứng hàng nghìn mũi tên bắn vào mình". Cũng vì lý do đó, tuy tiêu chí "khuyến khích mảng đề tài lịch sử" thường được nhấn mạnh trong các trại sáng tác kịch bản được tổ chức thường niên nhưng số lượng phim "dám" đi vào lãnh địa này rất hiếm hoi. Giới hạn cho biên độ sáng tạo nghệ thuật, trong những bộ phim khai thác yếu tố lịch sử là điều mà người làm phim luôn trăn trở.

Điều dễ nhận thấy ở các bộ phim lịch sử, cổ trang năm nay nổi bật ở sự mới mẻ trong nội dung. Đất rừng phương Nam lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học của nhà văn Đoàn Giỏi nhưng đi theo một hướng khác với bản văn học và bản phim truyền hình trước đó. Đạo diễn dịch chuyển thời gian sớm hơn thời gian trong bản văn học và mở rộng các tuyến nhân vật theo con mắt riêng của mình.

Năm 2023 - Các nhà làm phim lịch sử đã sẵn sàng tự đưa mình lên "đoạn đầu đài" - Ảnh 4.

"Hồng Hà nữ sĩ" với nét mới ái hiện tình cảm chớm nở của Đặng Trần Côn dành cho bà Đoàn Thị Điểm. Ảnh: NSX

Hồng Hà nữ sĩ là bộ phim do Nhà nước đặt hàng dựa trên nhân vật lịch sử có thật. Chưa có tài liệu nào cho thấy Đặng Trần Côn - tác giả của Chinh phụ ngâm  có tình cảm nam nữ với bà Đoàn Thị Điểm. Phim Hồng Hà nữ sĩ lại hé lộ tình cảm chớm nở của danh sĩ nổi tiếng này. Bằng góc nhìn riêng và "được quyền hư cấu", tác giả kịch bản đã tái hiện tình cảm chớm nở của Đặng Trần Côn dành cho bà Đoàn Thị Điểm; đồng thời kể lại sự ra đời của bản dịch Chinh phụ ngâm nổi tiếng. Đây được xem là điểm mới của phim.

Chia sẻ với Dân Việt về những tranh cãi của khán giả với dòng phim lịch sử, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng của phim Đất rừng phương Nam cho biết: "Tôi nghĩ nền điện ảnh Việt Nam cũng rất thích các bộ phim dựa trên bối cảnh lịch sử và những bộ phim như thế cũng không có nhiều. Trong thời điểm này, mọi người sẽ chú ý, soi xét hơn. Khi khách hàng khó tính, những người làm phim mới phát triển nghề nghiệp được. Thật ra, qua góp ý của khán giả mỗi ngày chúng tôi cũng cố gắng hơn. 

Một bộ phim nói về thời kỳ xa xưa đầu thế kỷ 20 có rất nhiều khó khăn, tính toán chi tiết nào vừa hấp dẫn, vừa hoành tráng nhưng trong khả năng của mình làm được. Chúng tôi cũng mong muốn là phim này được đến với đông đảo khán giả. Vì chúng ta cũng biết những đề tài này làm tốt là một chuyện nhưng làm sao để thu hồi vốn là chuyện khó khăn. Vì thể loại này rất tốn tiền để có cơ hội làm phim tiếp theo. Trong nhiều năm, chúng tôi đã phải tính toán chuyên môn, nghề nghiệp, tính khả thi mới thực hiện được".

Dù có nhiều khó khăn, nhưng dòng phim lịch sử vẫn là đam mê của một số đạo diễn. Đạo diễn Victor Vũ của phim Người vợ cuối cùng chia sẻ với Dân Việt: "Làm phim cổ trang đã là đam mê từ rất lâu của tôi. Cách đây 10 năm, tôi có làm phim Thiên mệnh anh hùng nhưng thiên về yếu tố võ thuật, còn Người vợ cuối cùng lại thiên về cảm xúc, tâm lý. Làm phim cổ trang chính là cơ hội để có thể thể hiện và giới thiệu những nét đẹp trong văn hóa của Việt Nam, điều mà tôi nghĩ bất cứ nhà làm phim nào cũng muốn gửi gắm qua tác phẩm của mình".

img
img

Đạo diễn Phi Tiến Sơn và hậu trường phim "Đào, Phở, Piano". Ảnh: NSX

Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc, người luôn đau đáu với đề tài lịch sử, tác giả kịch bản phim điện ảnh lịch sử "Thầu Chín ở Xiêm" bày tỏ sự vui mừng với Dân Việt trước việc 4 phim lịch sử cùng ra mắt trong năm 2023. Ông cho biết: "Ở góc độ người làm phim tôi biết rằng, làm phim lịch sử khó khăn ở bối cảnh, phục trang, đạo cụ. Về câu chuyện cũng đòi hỏi người làm phải có kiến thức vì là thời gian xưa, đòi hỏi sự kỳ công của người sáng tạo. Năm nay vừa là khán giả vừa là người trong nghề tôi rất mừng vì có 4 phim lịch sử, cổ trang. Mỗi phim tiếp cận lịch sử theo một góc khác nhau và đều có âm hưởng lịch sử. 

Thường Nhà nước đặt hàng làm phim lịch sử, đó là điều vẫn có từ trước đến nay. Nhưng đặc biệt năm 2023 đáng mừng là tư nhân đã đầu tư sản xuất 2 phim Đất rừng phương NamNgười vợ cuối cùng. Đất rừng phương Nam dù có nhiều dư luận trái chiều nhưng tôi xem thấy được tinh thần yêu nước của người dân Nam Bộ. Còn phim Người vợ cuối cùng câu chuyện hơi bi kịch nhưng cũng gợi lên nét xưa, cho thấy sự công phu của ê-kíp. Rõ ràng để làm được những phim lịch sử, cổ trang như vậy phải là một sự máu lửa. 

Hai phim Nhà nước đặt hàng tôi cũng rất có thiện cảm, mỗi phim khai thác ở góc độ khác nhau. Đào, Phở, Piano tái hiện cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1946, Hồng Hà nữ sĩ  đi vào chân dung một danh nhân lịch sử văn hóa. Các nhà làm phim đều làm gọn gàng và có thực tế. Điều mừng là hai phim này đều được báo chí khen. 

Tình cờ là đúng dịp Liên hoan phim Việt Nam 23, 4 phim này đóng góp một màu sắc mới khác hẳn những năm trước là chỉ có phim đương đại và giải trí. 4 phim này đã đưa khán giả về không khí lịch sử hào hùng, đó là điều đáng mừng. Phải cảm ơn Nhà nước và tư nhân đã có sự đầu tư cho dòng phim lịch sử".

Tình trạng phim lịch sử ế khách đã chấm dứt?

Vài năm gần đây có khá nhiều các phim lịch sử, cổ trang do tư nhân sản xuất phải chịu cảnh hẩm hiu vắng khách như Huyền sử vua Đinh ngưng chiếu ở rạp sau 10 ngày, lỗ nặng với doanh thu chỉ được 43 triệu đồng. Phim Cậu Vàng chỉ trụ được hơn 2 tuần ở rạp với các suất chiếu thưa thớt mang về khoảng 3 tỷ đồng. Phim Kiều cũng chỉ thu được 2,7 tỷ đồng.

Năm 2023, 2 phim lịch sử, cổ trang đang là các phim có doanh thu cao trong năm theo số liệu từ Box office Việt Nam. Đất rừng phương Nam đạt doanh thu 135 tỷ đồng sau nhiều tuần giữ ngôi vị top đầu ngoài rạp. Người vợ cuối cùng đã đạt 43 tỷ đồng  sau hơn 1 tuần khởi chiếu.

"Phim đề tài lịch sử thường khó làm và khó có doanh thu tốt với tư nhân. Dù dư luận có khen, chê nhưng hiện tại nếu nói làm phim để có doanh thu thì 2 phim tư nhân đang có doanh thu tốt. Đó là sự khích lệ cho những nhà đầu tư để họ có thể tiếp tục làm" – nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc nhận định.

Nhà sản xuất Trần Bích Ngọc cho biết: "Thị trường phim cũng khác rồi, số lượng rạp tăng lên nhiều so với 10 năm trước đây, quy mô thị trường lớn lên thì nhà sản xuất có niềm tin hơn. Tôi thấy các phim lịch sử đang chiếu rạp đều đạt được ngưỡng hoà vốn".

img
img

Hình ảnh của phim "Tết ở làng Địa Ngục". Nguồn: NSX

Không chỉ phim lịch sử chiếu rạp đông khách, phim truyền hình cổ trang năm nay cũng đang có tín hiệu rất đáng mừng. Nhắc đến phim cổ trang thời gian này, không thể không nói đến Tết ở làng Địa Ngục - bộ phim kinh dị cổ trang do kênh truyền hình K+ sản xuất, dựa trên tiểu thuyết cùng tên của tác giả Thảo Trang. Series Tết ở làng Địa Ngục vẫn đang dẫn đầu cả hai nền tảng chiếu phim trực tuyến lớn ở Việt Nam là Netflix và K+ suốt 3 tuần liền kể từ ngày phát sóng.

Ngay khi series kinh dị cổ trang Tết ở làng Địa Ngục đang gây ấn tượng vì đậm văn hóa dân gian Việt Nam thì bộ đôi đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân công bố những hình ảnh tà mị của phim điện ảnh Kẻ ăn hồn. Qua teaser ngắn, Kẻ ăn hồn mở ra hành trình truy tìm nguồn gốc rượu sọ người - một loại cổ thuật dân gian được đồn đại đã từng xuất hiện ở chính ngôi làng Địa Ngục thuở sơ khai.

Hình ảnh giới thiệu của phim điện ảnh "Kẻ ăn hồn". Nguồn: NSX

Kẻ ăn hồn là phim điện ảnh chuyển thể từ tiểu thuyết gốc cùng tên của nhà văn Thảo Trang. Ngoài hình ảnh đám cưới chuột, khán giả còn bắt gặp những hình tượng đậm văn hóa Việt là bầy rối nước, thủy đình, bài vè...

Tác giả Thảo Trang chia sẻ: "Khi chuyển thể Tết ở làng Địa Ngục, tôi và đạo diễn Trần Hữu Tấn đã có dịp đi thật sâu và thật kỹ vào thế giới này. Ở đó, tôi thấy có một vùng trời rộng lớn các ý tưởng và câu chuyện chưa được khai phá. Chính vì vậy, Kẻ ăn hồn được ra đời. Tôi kỳ vọng khán giả sẽ hài lòng với tác phẩm mới của chúng tôi".

Có thể thấy dường như các nhà làm phim Việt Nam đã tìm được "chiếc chìa khóa" để mở cánh cửa vào một lãnh địa rất khó khăn và gai góc mà những năm gần đây chưa tìm được lối vào. Mặc dù vẫn còn nhiều điều để tranh cãi, bàn luận, nhưng những gì các nhà làm phim của dòng phim lịch sử, cổ trang đạt được trong năm 2023 đã mở ra một tín hiệu đáng mừng cho tương lai. Điều này góp phần thúc đẩy điện ảnh phát triển về nhiều mặt cũng như tiến gần với khán giả trong những đề tài lớn và khó.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem