Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Tổ cộng đồng bảo vệ rừng Vườn Quốc gia Núi Chúa
Suốt hành trình tham quan và tìm hiểu đời sống người Raglai ở Vườn Quốc gia Núi Chúa xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận), chúng tôi được dịp chiêm ngắm những cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp và tận hưởng sự mát lành từ nước suối Lồ Ồ trong xanh.
Nơi đây có điều kiện thiên nhiên phù hợp để phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm và tìm hiểu về văn hóa của người Raglai.
Để giữ rừng, Ban giám đốc Vườn Quốc gia Núi Chúa đã thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người đồng bào Raglai phát triển lối sống sinh thái hòa hợp với thiên nhiên và tham gia vào công tác bảo vệ rừng.
Theo nghi nhận của chúng tôi, những con đường dốc quanh co trong thôn được Vườn Quốc gia Núi Chúa bê tông hóa, lát đá sỏi để phát triển du lịch.
Anh Cao Văn Giác, trưởng thôn Đá Hang người thường xuyên túc trực ở trạm bảo vệ rừng Vĩnh Hải trong Vườn Quốc gia Núi Chúa cho biết, anh Giác là nhân viên hợp đồng có chế độ bảo hiểm của Vườn để bảo vệ rừng.
Cùng với anh Giác, còn có khoảng chục thanh niên ngưởi Raglai ở thôn Đá Hang là thành viên tổ cộng đồng bảo vệ rừng Núi Chúa.
Anh Mâu Văn Trùng, Chi hội trưởng Hội Nông dân và cũng là thành viên tổ cộng đồng bảo vệ rừng thôn Đá Hang cho hay, tổ của anh có 10 người, tham gia bảo vệ 1.000ha rừng Núi Chúa. Nhờ thông thuộc núi rừng và chịu khó bám địa bàn nên cánh rừng do tổ của anh bảo vệ không bị chặt phá.
"Ngoài những đợt tuần tra bảo vệ rừng theo theo định kỳ 5 đến 6 lượt/tháng, thì mỗi lần lên rẫy, xuống suối đều là những lần chúng tôi lồng ghép việc tuyên truyền bảo vệ rừng cho bà con…", anh Trùng cho hay.
Theo ông Cao Văn Đen, trưởng thôn Đá Hang, người Raglai giờ đây không còn trông chờ vào "nước trời" để "ăn rừng" nữa. Những mảnh vườn từ việc đốt rừng xưa kia nay đã trả lại cho rừng tái sinh.
Theo ông Nguyễn Thành Trung – Phó giám đốc trung tâm du lịch Vườn Quốc gia Núi Chúa, việc chung tay bảo vệ rừng của đồng bào Raglai góp phần quan trọng vào việc bảo vệ hệ sinh thái của Vườn Quốc gia Núi Chúa nói riêng và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa nói chung.
"Hiện 2 thôn Cầu Gãy và Đá Hang có 2 tổ cộng đồng bảo vệ rừng với 20 thành viên, được Vườn Quốc gia Núi Chúa khoán bảo vệ 2.000ha rừng. Mỗi người được chi trả 3 triệu/tháng để duy trì việc phát hiện và ngăn chặn các hành vi phá rừng rất hiệu quả…", ông Trung cho hay.
CLIP: Cảnh đẹp hữu tình bên suối Lồ Ồ, Vườn Quốc gia Núi Chúa, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) có tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái. T/h: Đức Cường
Với tính đa dạng sinh học cao, Vườn Quốc gia Núi Chúa đã và đang tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, cũng như tạo lập sinh kế cho người dân bản địa thông qua các tour du lịch sinh thái - văn hóa - lịch sử nơi đây. Việc này sẽ góp phần nâng cao đời sống kinh tế của đồng bào Raglai. Trong đó, mô hình du lịch cộng đồng đã bắt đầu "nở rộ" tại thôn Cầu Gãy.
Điểm nhấn của mô hình du lịch này là du khách sẽ có dịp trải nghiệm suối Lồ Ồ mát lạnh chảy từ núi xuống, thưởng thức các tiết mục văn hóa văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc Raglai…
Dẫn chúng tôi dạo quanh chân chuối Lồ Ồ, ông Cao Văn Đen, Trưởng thôn Cầu Gãy tự hào khoe, dọc con suối này giờ đây là những hàng quán du lịch, do chính những người dân Raglai trong thôn phục vụ.
Hiện toàn thôn Cầu Gãy có 5 hộ làm du lịch, phục vụ du khách tham quan trải nghiệm quanh con suối Lồ Ồ. Ngoài ra, còn có số hộ có con em làm việc trong các công ty du lịch ở vịnh Vĩnh Hy và Resort cao cấp ở vườn Quốc gia Núi Chúa.
Đang tấp nập đón tiếp du khách tham quan suối Lồ Ồ, chị Cao Thị Phính thôn Cầu Gãy cho biết, người Raglai bây giờ phải học làm hướng dẫn viên, phải biết làm du lịch để phù hợp với xu thế.
Theo chị Phính, hơn chục năm trước chị và nhiều người dân nơi đây không biết du lịch sinh thái là gì, chỉ quanh năm phá rừng làm rẫy nhưng nay mọi thứ đã khác xưa.
"Cả thôn như một mảnh vườn sạch đẹp hút du khách đến đi bộ tham quan. Cứ mỗi cuối tuần, chúng tôi lại phải chuẩn bị đồ ăn nước uống và phục vụ các món ăn truyền truyền thống, gà nướng, heo đen…cho du khách nhâm nhi…", chị Phính vui vẻ nói.
Ông Nguyễn Thành Trung – Phó giám đốc trung tâm du lịch Vườn Quốc gia Núi Chúa cho biết, du lịch tạo được sinh kế khá bền vững cho người Raglai, đây là hướng đi mới, tạo công ăn việc làm cho người dân. Qua đó, dân thay đổi nhận thức của người dân về tầm quan trọng trong việc bảo vệ rừng.
Cuối tháng 5 vừa qua, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận và các doanh nghiệp trao nhà tình thương cho chị Cao Thị Hương (SN 1999) dân tộc Raglai ở thôn Đá Hang, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải(inh Thuận).
Ngôi nhà có diện tích gần 50m2 gồm 1 phòng ngủ, 1 phòng khách, 1 nhà vệ sinh và hệ thống điện, nước sinh hoạt. Ngôi nhà xây mới khang trang được lợp mái tôn, tường gạch, quét vôi và nền lát gạch men.
"Giấc mơ lớn nhất của 3 mẹ con tôi về một căn nhà để có thể tránh mưa bão giờ đây đã thành hiện thực. Tôi rất xúc động và gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Hội Nông dân tỉnh, Báo Dân Việt. các nhà hảo tâm, chính quyền địa phương đã quan tâm giúp đỡ 3 mẹ con tôi", chị Hương xúc động nói.
Báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt phối hợp trao nhà tình thương tại thôn Đá Hang, Vườn Quốc gia Núi Chúa, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận). Ảnh: Đức Cường
Vườn Quốc gia Núi Chúa rộng 29.865ha, là vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa rộng 106.646,45 ha. Nơi đây hiện có hơn 1.511 loài thực vật và 765 loài động vật sinh sống. Trong đó có 54 loài thực vật và 46 loài động vật quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam và danh lục đỏ thế giới (IUCN) như: rùa biển, voọc chà vá chân đen, cheo cheo lưng bạc…
Ngoài ra, với ưu thế sở hữu 40km đường biển bao quanh, Núi Chúa tự hào là nơi có rạn san hô ven bờ lớn nhất Việt Nam với trên 350 loài san hô và hàng trăm loài động vật biển.
Mời độc giả Báo điện tử Dân Việt đón đọc bài: Người Raglai trong Vườn Quốc gia Núi Chúa ở Ninh Thuận (Bài 5): Xây dựng nông thôn mới bên vùng biển đẹp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.